Bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống trong trường học

ĐBP - Qua 10 năm triển khai, Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng thêm vốn hiểu biết của học sinh, người dân trên địa bàn về tiếng nói, chữ viết, bồi đắp thêm niềm tự hào về văn hóa truyền thống cho các thế hệ học sinh người dân tộc.

Giờ học tiếng Thái của học sinh Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn (huyện Điện Biên).

Thực hiện Đề án dạy tiếng dân tộc cho học sinh tiểu học và THCS của UBND tỉnh, Trường phổ thông DTBT tiểu học Hừa Ngài (huyện Mường Chà) bắt đầu triển khai thực hiện dạy tiếng Mông cho học sinh tiểu học từ năm học 2011 - 2012 ở 2 lớp khối 3 với 46 học sinh. Đến năm học 2020 - 2021, nhà trường đã triển khai thực hiện ở 100% khối lớp 3, 4, 5 với tổng số 326 học sinh. Thầy giáo Nguyễn Thế Điệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mông các em đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Mông góp phần rèn luyện tư duy, hỗ trợ để học tốt môn Tiếng Việt và các môn học khác. Học tiếng Mông còn giúp các em biết được những kiến thức cơ bản về từ ngữ, cấu trúc ngữ pháp, được học một số tác phẩm văn học dân gian của dân tộc Mông. Học sinh biết hát, biết viết lại những bài hát tiếng Mông, được trải nghiệm phong tục, tập quán lễ hội, trò chơi dân gian, văn hóa, ẩm thực của dân tộc mình. Các em còn được tìm hiểu thêm về xã hội, tự nhiên, con người, về phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc mình. Từ đó giáo dục các em tình yêu tiếng mẹ đẻ để các em chính là nguồn lực quan trọng, là thế hệ tương lai góp phần bảo tồn và phát huy vốn tiếng nói, chữ viết của dân tộc.

Cũng là một trong số các trường thực hiện Đề án, Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn, xã Sam Mứn (huyện Điện Biên) tham gia dạy học tiếng Thái ngay từ những giai đoạn đầu. Cụ thể giai đoạn 2011 - 2015 có 18 lớp 282 học sinh tiểu học; giai đoạn 2016 - 2020 có 22 lớp 471 học sinh tham gia học tiếng Thái. Nhà trường thực hiện dạy học tiếng Thái 2 tiết/tuần. Cô giáo Khoàng Thị Vươn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trên tinh thần được tiếp thu tập huấn phương pháp dạy học hàng năm, cách đánh giá học sinh, hiểu nội dung chương trình dạy học, chỉ đạo giáo viên tích cực nghiên cứu, tự bồi dưỡng thêm kiến thức để nâng cao tay nghề. giáo viên nhà trường đã tích cực vận dụng đổi mới các phương pháp dạy học góp phần nâng cao chất lượng học tiếng Thái trong trường. Cùng với đó, trường tổ chức dạy học gắn với các hoạt động trải nghiệm thực tế như tham quan các nhà văn hóa, gặp gỡ các nghệ nhân, già làng trong thôn, bản để các em được trực tiếp lắng nghe, trao đổi và cảm nhận. Tổ chức cho các em sưu tầm các câu ca dao, dân ca của dân tộc, tìm hiểu và học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân tộc; tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của dân tộc; tết dân tộc, thi trình diễn trang phục dân tộc... Qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc Thái. Từ những việc làm đổi mới tích cực trên, trường nhận thấy học sinh dân tộc Thái của Trường tiểu học và THCS Sam Mứn giai đoạn 2011 - 2020 có nhận thức và vận dụng tương đối tốt; được rèn luyện theo 4 kĩ năng cơ bản (nghe, nói, đọc, viết) ở các tập 1, 2, 3. Các em có hiểu biết sâu sắc về xã hội, tự nhiên, con người, về phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc Thái. 100% học sinh dân tộc Thái yêu thích môn học và hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của học sinh.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, 10 năm qua đã có 29 trường tiểu học, THCS tham gia vào Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh Tiểu học, THCS. Kết thúc năm học 2019 - 2020 đã có 7.176 học sinh hoàn thành chương trình tiếng Thái, 8.329 học sinh hoàn thành chương trình tiếng Mông cấp tiểu học, vượt 15% so với mục tiêu của Đề án đề ra. Như vậy, số lượng học sinh được huy động tham gia học tiếng Thái, tiếng Mông vượt 25% so với kế hoạch của Đề án. Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho 7.858 học sinh tiểu học tại 56 trường, 289 lớp; cấp THCS thực hiện dạy tự chọn tiếng Thái, tiếng Mông cho 9.230 học sinh tại 43 trường, 248 lớp. Học tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái, dân tộc Mông, học sinh được cung cấp những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Thái, dân tộc Mông góp phần rèn luyện tư duy, hỗ trợ để học tốt môn Tiếng Việt và các môn học khác. Không chỉ vậy, thông qua việc học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình các em được tìm hiểu thêm, hiểu biết thêm về xã hội, tự nhiên, con người, về phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc mình, giáo dục tình yêu tiếng mẹ đẻ, tạo điều kiện bảo tồn và phát huy vốn tiếng nói chữ viết của dân tộc.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/186422/boi-dap-tinh-yeu-van-hoa-truyen-thong-trong-truong-hoc