Bồi đắp truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Huyện Cam Lộ có hơn 20 điểm di tích lịch sử cách mạng, ghi dấu chiến công trong những năm tháng chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Mỗi di tích đều có những ý nghĩa to lớn về giá trị lịch sử, là nơi giáo dục, bồi đắp truyền thống cách mạng, yêu nước của cha ông cho thế hệ trẻ, đồng thời là điểm đến thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Cam Lộ với bạn bè trong nước và quốc tế.

 Lễ kết nạp đội viên mới ở Khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tạo hứng thú, động lực cho học sinh. Ảnh: LT

Lễ kết nạp đội viên mới ở Khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tạo hứng thú, động lực cho học sinh. Ảnh: LT

Cam Lộ - mảnh đất được hai lần lịch sử lựa chọn đặt “kinh đô kháng chiến”, đó là Thành Tân Sở nơi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên phò vua đánh đuổi giặc Pháp, cứu giống nòi. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cam Lộ lại được chọn làm nơi đặt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - hội tụ phong trào yêu nước của Nhân dân miền Nam dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng đấu tranh trực diện với quân thù, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài 2 di tích lích sử cấp quốc gia trên, huyện Cam Lộ còn có di tích Nhà Tằm - Tân Tường, nơi thành lập một trong ba chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và nhiều di tích lịch sử quan trọng khác.

Đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương 13/7 (1885 - 2020), huyện Cam Lộ vừa long trọng tổ chức Lễ khánh thành và rước long vị vua Hàm Nghi từ Hoàng thành Huế về Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương kết hợp với khánh thành Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng xã Cam Chính. Công trình ý nghĩa lịch sử này đã được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong toàn huyện đồng lòng, đồng sức gấp rút triển khai hoàn thiện ngay trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với một không gian kiến trúc trang trọng, ấm cúng, lưu giữ giá trị lịch sử ở thành Tân Sở, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương đồng thời tạo nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu nước cho các thế hệ, tạo điểm du lịch văn hóa hấp dẫn thu hút du khách.

Không riêng gì công trình này mà trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, những năm qua huyện Cam Lộ đã nỗ lực rất lớn để từng bước bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng quan trọng trên địa bàn như: phục dựng tương đối hoàn chỉnh công trình di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; xây dựng mới Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà Tằm - Tân Tường trên diện tích 1,2 ha gồm 1 nhà truyền thống kiến trúc 5 gian, 1 nhà lưu niệm kết hợp trưng bày có cổng chính, tường rào bao quanh, sân gạch, hệ thống điện, giếng nước và cây xanh… Các di tích lịch sử cách mạng còn lại cũng đã được huyện kiểm kê, đánh giá, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng bia di tích để từng bước bảo tồn, tôn tạo, phục dựng. Những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể địa phương đã góp phần làm sống động thêm không gian kiến trúc của những “địa chỉ đỏ”, trở thành nơi linh thiêng giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên quê hương Cam Lộ, Quảng Trị hôm nay.

 Tổ chức sinh hoạt đoàn ở các khu di tích cách mạng góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở Cam Lộ. Ảnh: LT

Tổ chức sinh hoạt đoàn ở các khu di tích cách mạng góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở Cam Lộ. Ảnh: LT

Bên cạnh việc tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để kịp thời trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử, để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, huyện Cam Lộ tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các giá trị di tích lịch sử cách mạng, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong Nhân dân. Hằng năm, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện và các xã, thị trấn phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa dã ngoại tham quan các di tích lịch sử gắn với các buổi sinh hoạt đoàn, đội giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho học sinh, đoàn viên thanh niên đồng thời gắn với các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của Nhân dân trên địa bàn huyện.

Chị Mai Thị Hồng Quyên, Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ chia sẻ, “Giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng quê hương là một trong những nội dung quan trọng mà Liên đội Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ ưu tiên hàng đầu. Trường đã thường xuyên tổ chức các hoạt động cho học sinh được học tập, tham quan thực tế tại các địa danh, di tích lịch sử trên địa bàn huyện; đảm nhận chăm sóc công trình Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại thị trấn Cam Lộ. Đặc biệt, những năm gần đây Huyện Đoàn và Hội đồng đội nhà trừng đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt đội, kết nạp đội viên ở Khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trung bình mỗi năm học nhà trường tổ chức 3 đợt kết nạp đội viên gần 200 học sinh ở khu di tích này. Việc đổi mới phương thức sinh hoạt này đã tạo hứng thú rất lớn đối với học sinh, giáo viên. Đến đây, các em được thay đổi không gian học tập, vừa tận mắt chứng kiến các bức ảnh, di vật lịch sử rồi nghe các cô chú thuyết minh về lịch sử di tích. Lễ kết nạp đội viên cũng được nhà trường phối hợp Ban quản lý di tích tổ chức trang nghiêm giúp các em hiểu biết rõ hơn những giá trị to lớn của lịch sử dân tộc, niềm vinh dự khi được đứng vào đội ngũ Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh để tiếp tục phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện”.

Em Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 3A2, Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ, là một trong những học sinh tiêu biểu của khối 3 được kết nạp đội đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ 19/5 (1890 - 2020) tại Khu di tích Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Phương Anh chia sẻ: “Trong không khí thiêng liêng và trang trọng, chúng em được làm lễ kết nạp, đọc lời hứa danh dự đội viên và được cô giáo Tổng phụ trách đội quàng lên vai chiếc khăn quàng đỏ như lời hứa khắc ghi để luôn phấn đấu, thực hiện tốt 5 Điều Bác Hồ dạy, là con ngoan trò giỏi, xứng đáng với niềm tin yêu của thầy cô. Chúng em còn được mở mang thêm kiến thức lịch sử được thầy cô giáo hướng dẫn tham quan khu di tích và nghe các câu chuyện lịch sử về truyền thống của quê hương cách mạng. Em hứa với bản thân sẽ cố gắng học tập tốt, chăm ngoan hơn để xứng đáng với thế hệ cha anh đã ngã xuống để bảo vệ quê hương”.

Với những nỗ lực từng bước bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn, Đảng bộ, chính quyền huyện Cam Lộ đã góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đưa lịch sử, văn hóa trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm tròn trách nhiệm giữ gìn tài sản vô giá đối với cha anh đi trước và thế hệ mai sau.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=150109