Bồi dưỡng chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho báo chí

Chiều 1/12, tại trụ sở báo Pháp Luật TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức hội nghị bồi dưỡng chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cơ quan báo chí trên địa bàn TP.HCM.

Phát biểu tại hội nghị, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, hội nghị này nhằm thực hiện kế hoạch số 5473 ngày 31/12/2019 của UBND TP.HCM về triển khai thực hiện đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quang Danh

Phát biểu tại hội nghị, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, hội nghị này nhằm thực hiện kế hoạch số 5473 ngày 31/12/2019 của UBND TP.HCM về triển khai thực hiện đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”.

Theo ông Từ Lương, kế hoạch nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về phòng chống tham nhũng. Đồng thời, xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về phòng chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Cùng với đó, đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng.

Tại hội nghị, các phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn TP.HCM đã nghe hai chuyên đề về quán triệt hệ thống qui định của pháp luật về phòng chống tham nhũng của báo chí; quan điểm của Đảng, Nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống tham nhũng. Định hướng vai trò và trách nhiệm của báo chí trong phòng chống tham nhũng.

Trình bày chuyên đề về quán triệt hệ thống qui định của pháp luật về phòng chống tham nhũng của báo chí, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM cho biết: hiện có 10 văn bản luật và các văn bản dưới luật, văn bản của Đảng về phòng chống tham nhũng. Cụ thể như Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng; định hướng, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng; Bộ Luật Hình sự; Luật Tố cáo; Luật Khiếu nại; Luật Báo chí...

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Danh

Theo ông Hiển, báo chí có vai trò rất lớn trong việc phát hiện dấu hiệu tham nhũng; đấu tranh chống tham nhũng; phản biện, góp ý hoàn thiện pháp luật về chống tham nhũng. Báo chí cũng có vai trò trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, chủ trương chính sách để nâng cao ý thức tuân thủ, đấu tranh, phòng ngừa.

“Ở giai đoạn chớm phạm tội, phát hiện của báo chí là cơ sở để cơ quan chức năng thực hiện việc giám sát, thanh tra, kiểm tra” – ông Hiển nói.

Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM cũng cho rằng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, báo chí cần đấu tranh công bằng, đúng luật và tỉnh táo. Báo chí cần bảo vệ nhân chứng, người tố giác, người tham gia đấu tranh.

“Khi điều tra, viết bài, đăng phát các tác phẩm báo chí về tham nhũng, cần tính trước những rủi ro mà nguồn tin có thể gặp phải. Cần tính trước phương án bảo vệ họ, giải thích rõ cho nguồn tin quyền, nghĩa vụ và các rủi ro họ có thể gặp” – ông Hiển nói.

Vũ Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/boi-duong-chinh-sach-phap-luat-ve-phong-chong-tham-nhung-cho-bao-chi-post169913.html