Bồi dưỡng hơn 28.000 giáo viên cốt cán: Bộ trưởng GD&ĐT yêu cầu gì?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường sư phạm liên tục tập huấn nâng cao chất lượng cho đội ngũ giảng viên cốt cán, đội ngũ giáo viên được cử đi bồi dưỡng phải đúng người, đúng việc.

Giáo viên cốt cán tỉnh Lâm Ðồng đang tham gia tập huấn. Ảnh: Nghiêm Huê

Giáo viên cốt cán tỉnh Lâm Ðồng đang tham gia tập huấn. Ảnh: Nghiêm Huê

Câu lạc bộ các trường ÐH Sư phạm vừa tổ chức Hội nghị đánh giá công tác bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những thuận lợi và khó khăn đã được các chuyên gia sư phạm chỉ rõ.

Tại Hội nghị, Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết: Công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) được giao các trường ĐH Sư phạm chủ chốt triển khai thực hiện. Đến hết tháng 12/2019, 100% đội ngũ cốt cán này đã được bồi dưỡng; trong đó riêng giáo viên phổ thông cốt cán là trên 28.000 thầy cô.

TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm - Đại học Huế - đơn vị tham gia bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán 10 tỉnh duyên hải miền Trung cho hay: Các học viên đánh giá chương trình bám sát yêu cầu về năng lực giáo viên, yêu cầu của thực tiễn đổi mới chương trình GDPT và đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam.

Kết thúc khóa bồi dưỡng, giáo viên cảm thấy tự tin, an tâm để triển khai chương trình GDPT mới, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ qua hệ thống học tập online. GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, qua thực tế triển khai các trường ĐH sư phạm tham gia bồi dưỡng giáo viên và đội ngũ học viên đều đánh giá hình thức tổ chức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp là hợp lý, tạo được sức hấp dẫn và hiệu quả.

Đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt đã được tập huấn kỹ lưỡng, tài liệu bồi dưỡng được xây dựng cẩn trọng, công phu; sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan từ Bộ GD&ĐT đến các Sở GD&ĐT, việc bồi dưỡng được lãnh đạo các trường ĐH sư phạm đánh giá là có nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, công tác này còn một số khó khăn như hệ thống học tập qua mạng chưa đảm bảo; giáo viên lớn tuổi và giáo viên vùng cao gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin khi học tập…

Bồi dưỡng phải đúng người, đúng việc

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường sư phạm liên tục tập huấn nâng cao chất lượng cho đội ngũ giảng viên cốt cán tham gia bồi dưỡng giáo viên. Đội ngũ này cần được sàng lọc về chuyên môn và trách nhiệm để đảm bảo những ai được “đứng lớp” bồi dưỡng cho giáo viên phải là người tốt nhất.

Ông Nhạ yêu cầu các trường được giao xây dựng tài liệu bồi dưỡng phải thực hiện nghiêm túc, công phu, khoa học, hình thức thể hiện linh hoạt, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tài liệu này cần sớm đăng tải trên hệ thống học tập trực tuyến để giáo viên thuận tiện trong tiếp cận và học tập.

Với tinh thần phân cấp tối đa, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH Sư phạm chủ động xây dựng quy trình bồi dưỡng giáo viên và tổ chức thực hiện đảm bảo với đặc trưng và điều kiện thực tế của trường. Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra, giám sát để đảm bảo quy trình được phù hợp, chặt chẽ, hiệu quả.

“Các giáo viên được cử đi bồi dưỡng cốt cán phải đúng người, đúng việc. Các trường đại học sư phạm nên chú trọng công tác kiểm tra đầu vào của đội ngũ này, song song với kiểm duyệt đầu ra, để đảm bảo chất lượng. Quá trình tổ chức phải làm thế nào để giáo viên thay đổi nhận thức và hành động, biến quá trình được bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng” - ông Nhạ chỉ đạo.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/boi-duong-hon-28000-giao-vien-cot-can-bo-truong-gddt-yeu-cau-gi-1508914.tpo