Bồi dưỡng kiến thức phòng, chống ma túy cho các cơ sở giáo dục
Hội nghị tập huấn Bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên cốt cán nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thúc đẩy công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông, các trường đại học.
Ngày 9/11, tại Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) tổ chức Hội nghị tập huấn Bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên cốt cán, thành viên của Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy” và Câu lạc bộ “Học sinh phòng, chống ma túy" các cơ sở giáo dục khu vực miền trung-Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân An Việt cho biết: Thực tế hiện nay, theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, có hàng trăm loại ma túy đang lưu hành trái phép. Ma túy đang ngày càng phổ biến bởi sự đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, trong đó có lứa tuổi thanh thiếu niên.
Hội nghị nằm trong chuỗi các hoạt động được triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Luật Phòng, chống ma túy 2021; Chương trình phối hợp số 03/CTrPH-BCA-BGDĐT giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030; Kế hoạch số 779/KH-BGDĐT ngày 24/6/2024 về triển khai Dự án Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025.
Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Xuân An Việt, ngày 9/11 là ngày bản Hiến pháp đầu tiên được thông qua - Hiến pháp 1946 và nước ta lấy ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, góp phần thực hiện tuyên truyền khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Vì vậy, thông qua hội nghị, hy vọng các thầy cô sẽ có thêm những kiến thức bổ ích để triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kỹ năng về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên của đơn vị mình và sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho bạn bè, gia đình và mọi người trong xã hội.
Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Trung tá Phan Đăng Trung, cho biết: Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta diễn biến rất phức tạp. Đáng chú ý, tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đang diễn ra tại nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục… trong đó có lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Vì vậy, cần trang bị những thông tin, kiến thức, kỹ năng để có thể chủ động phòng ngừa ma túy, ngăn ngừa tình trạng học sinh, sinh viên bị lôi kéo sử dụng các loại ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử có chứa ma túy…
Tại hội nghị, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã báo cáo các chuyên đề: Tổng quan về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam hiện nay; một số kết quả nổi bật; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống ma túy; thực trạng, tình hình công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; kỹ năng tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, giải đáp những vướng mắc, khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong quá trình tuyên truyền phòng, chống tác hại của ma túy trong trường học.
Hội nghị cũng ghi nhận chia sẻ của các đại biểu về những kinh nghiệm của địa phương, của các cơ sở giáo dục trong phòng chống, đẩy lùi tệ nạn ma túy trong trường học.
Theo thầy giáo Lê Quang Thuận, Bí thư Chi đoàn Trường trung học phổ thông Hùng Vương (Bình Thuận), về công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học, hằng năm nhà trường đều thực hiện với nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể như: ngoại khóa phòng, chống ma túy trong học đường với các câu hỏi trắc nghiệm, xử lý tình huống, vẽ tranh, sân khấu hóa; tổ chức phiên tòa giả định để giúp học sinh hiểu hơn về pháp luật nếu mua bán, tàng trữ ma túy; giáo viên chủ nhiệm và ban tư vấn tâm lý học đường sẽ trò chuyện để tìm hiểu học sinh có sử dụng ma túy hay không, nếu có thì sẽ động viên học sinh xét nghiệm; phối hợp gia đình để giáo dục học sinh phòng, chống ma túy; kết hợp với công an tỉnh Bình Thuận kiểm tra học sinh nếu nghi ngờ sử dụng ma túy.
Đại diện Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bình Thuận cho biết: Hiện nay, học sinh tại các trung tâm giáo dục thường xuyên đến từ nhiều vùng khác nhau. Vì vậy, giáo viên gặp khó khăn trong việc nhìn nhận, phát hiện các em học sinh có sử dụng ma túy hay không. Vì vậy, những thông tin trong hội nghị là rất thiết thực. Đặc biệt, với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và ngành công an, sẽ giúp công tác phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục được hiệu quả hơn.