Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho người dân biên giới
Trên nẻo đường biên giới, các chiến sĩ công an, biên phòng, dân quân ngày đêm tuần tra, canh gác bảo vệ đường biên, cột mốc. Nơi đây, mỗi người dân cũng là một chiến sĩ bảo vệ biên giới khi họ được trang bị kiến thức về quốc phòng - an ninh (QP-AN).
Vĩnh Hưng là huyện biên giới đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình về giáo dục kiến thức QP-AN cho những hộ dân sống trên tuyến biên giới. Thiếu tá Hồ Quốc Danh - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cho biết: Từ năm 2012 đến nay, huyện mở 35 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 3.120 lượt người dân sinh sống trên tuyến biên giới. Song song đó, huyện thực hiện mô hình Tiếng kẻng vùng biên; Tổ tự quản đường biên, cột mốc;... mang lại hiệu quả thiết thực trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Xã biên giới Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng có 6 ấp, lực lượng dân quân được xây dựng đủ số lượng và bảo đảm chất lượng. 100% hộ dân sinh sống cặp tuyến biên giới đều được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Ông Nguyễn Thành Hưng chia sẻ: "Khi có thư mời tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN, các hộ dân ấp Bình Tứ đều sắp xếp việc đồng áng, tham gia đầy đủ. Qua đó, người dân nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc. Riêng tôi, mỗi buổi sáng ra thăm đồng đều ghé xem cột mốc có bị hư hại gì không. Sống ở biên giới, mình phải có trách nhiệm giữ gìn đường biên, cột mốc".
Tại thị xã Kiến Tường, nội dung, phương pháp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho hộ dân sống dọc theo tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia không ngừng được đổi mới. Bên cạnh mở các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN, thị xã phát huy hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang, các phương tiện thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và lồng ghép những cuộc sinh hoạt, hội họp của các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Bà Trần Thị Bé (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) cho biết: "Gia đình tôi sinh sống, gắn bó với vùng biên giới này từ rất lâu. Người dân hai bên biên giới sống chan hòa, thuận thảo, thường xuyên giúp đỡ nhau. Sống ở khu vực biên giới, khi phát hiện vấn đề khả nghi hay người lạ mặt, tôi đều báo cho lực lượng dân quân, biên phòng. Tôi cũng tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN, các cuộc họp dân để nắm biết về tình hình biên giới, từ đó xem việc bảo vệ đường biên, cột mốc là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình".
Đặc biệt, những năm gần đây, những hộ dân trên điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng ở địa bàn huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường cũng được tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Nhờ đó, cùng với lực lượng chức năng, người dân biên giới đã tạo nên sức mạnh trong giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, trật tự vùng đất phên giậu./.