Bồi dưỡng năng lực hợp tác, tư duy phản biện cho học sinh Tiểu học
Nhiều năm nay, công tác bồi dưỡng chuyên môn luôn được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ba Đình coi là nhiệm vụ trọng tâm và duy trì hiệu quả ở tất cả các nhà trường, khối lớp, bộ môn. Trong đó, các trường học trên địa bàn đều được Phòng GD&ĐT quận chỉ đạo thực hiện các tiết chuyên đề, tạo ra sự thống nhất và đồng đều về chuyên môn giữa các nhà trường, giáo viên nhằm mang lại cho các thầy cô giáo sự chủ động, sáng tạo, đáp ứng kịp thời những đổi mới của chương trình.
Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn năm học 2023 - 2024, nhằm giúp giáo viên lớp 3 trên địa bàn quận có cơ hội trao đổi, học hỏi những điểm mới trong giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nhất cho Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố khối 3 sắp tới, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã tổ chức chuyên đề môn Tiếng Việt bài “Mở rộng vốn từ về bạn trong nhà. So sánh” do cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (giáo viên Trường Kim Đồng) thực hiện và chuyên đề môn Hoạt động trải nghiệm bài “Ứng xử với đồ cũ” do cô giáo Nguyễn Thị Đào (giáo viên Trường Tiểu học Thành Công B) thực hiện dưới hình thức lồng ghép STEM vào trong giảng dạy.
Với việc “Lấy học sinh làm trung tâm” đã khiến các tiết học trở nên vui vẻ, sôi nổi, học sinh chủ động, hào hứng tham gia tiếp nhận kiến thức một cách tích cực nhất.
Bồi dưỡng cảm quan về thế giới xung quanh qua môn Tiếng Việt
Với cách vào bài tự nhiên thông qua bài hát về con vật, các học sinh đã được gợi mở về “những người bạn trong nhà” là vật nuôi và đồ dùng một cách khéo léo, khiến các em hào hứng thi đua kể tên “những người bạn” thân thiết. Cũng từ đó, cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt đã khơi gợi trong các em sự yêu thương, chăm sóc và giữ gìn “những người bạn xung quanh”.
Các học sinh được tự tin hỏi đáp, phản biện về những con vật không phải vật nuôi để từ đó mở rộng vốn từ phong phú. Thông qua những đoạn video sinh động, hình ảnh chân thực, gần gũi, các học sinh đã biết tìm từ, dùng từ chính xác, đặt câu và hiểu về biện pháp so sánh cũng như vận dụng để đặt câu giàu hình ảnh, cảm xúc. Ở tiết học này, các học sinh được liên tục tương tác với bạn bè, thầy cô, thể hiện được ý kiến cá nhân thông qua đó hình thành được năng lực Tiếng Việt, phát triển cảm nhận về thiên nhiên xung quanh gần gũi và đẹp như thế nào để từ đó biết cảm thụ vẻ đẹp của cuộc sống.
Bài học cũng giúp các học sinh thêm sáng tạo, ham học hỏi, nâng cao kỹ năng thuyết trình, tự tin trước đám đông và biết cách dùng biện pháp so sánh để làm đẹp thêm cho câu văn, câu nói, khơi gợi cảm xúc của người đọc, người nghe.
Học sinh Lê Đức Anh phát biểu: “Con rất thích tiết học này vì con được học thêm nhiều điều mới và biết yêu quý những con vật nuôi, đồ dùng trong nhà hơn”. Còn học sinh Phương Linh khi được hỏi cũng đã nói: “Qua tiết học này con đã được làm việc nhóm rất hiệu quả, được nêu ý kiến và được các bạn chỉnh sửa cho tốt hơn”.
Tiết dạy được các thầy cô giáo dự giờ đánh giá rất thành công. Giờ học diễn ra tự nhiên nhẹ nhàng, đạt hiệu quả cao và mang lại cho người dự những kinh nghiệm quý báu về đổi mới phương pháp giảng dạy. Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt chia sẻ: “Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã luôn chỉ đạo sát sao và giúp đỡ nhiệt tình tôi thực hiện tiết dạy, giải đáp những băn khoăn vướng mắc của tôi, đồng thời cùng với nhà trường đã đưa ra những phương pháp, hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp với khả năng sử dụng ngôn ngữ và tâm lý lứa tuổi học sinh, giản dị, gần gũi mà trường nào cũng có thể thực hiện được”.
Giáo dục sự trân trọng với từng đồ vật
Để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Đào (giáo viên Trường Tiểu học Thành Công B) đã có nhiều sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để học sinh thực sự được tham gia tích cực vào quá trình dạy học của giáo viên.
Ý tưởng thú vị khi mở đầu tiết học bằng một vở kịch do học sinh sắm vai. Trong vở kịch này, học sinh hóa thân vào các đồ vật như quần, áo, túi sách để nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình khi không được sử dụng đến. Học sinh cũng như các thầy cô giáo dự giờ đã cảm thấy rất hấp dẫn, cảm nhận các đồ vật như có suy nghĩ, có cảm xúc nói lên chính kiến của mình. Câu nói “Ước gì cô ấy đã không mua tôi về” đã tạo ra các tình huống có vấn đề. Cô giáo Nguyễn Thị Đào đã đồng hành cùng học sinh đưa ra cách ứng xử với đồ vật cũ thông qua chính sự trải nghiệm thực tế, thể hiện rõ đặc trưng của môn học Hoạt động trải nghiệm.
Học sinh được tương tác trực tiếp với bạn bè và cô giáo, có cơ hội tự tin thể hiện hiểu biết của mình. Dưới sự dẫn dắt của giáo viên, học sinh được mạnh dạn tự đưa ra ý kiến của bản thân, chủ động ghi lại những suy nghĩ, phán đoán, các giải thích, đề xuất cách ứng xử với đồ cũ, nhờ vậy đã góp phần giúp học sinh rèn luyện khả năng hợp tác, kỹ năng diễn đạt, ngôn ngữ nói, viết, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, khả năng lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.
Ở phần vận dụng kiến thức trong thực tế cuộc sống, giáo viên đã khéo léo tích hợp dạy lồng ghép kiến thức và kỹ năng xử lý đồ cũ, học sinh được đề xuất nhiều phương án giải quyết linh hoạt về các đồ cũ có ở nhà.
Thông qua cách dẫn dắt nhẹ nhàng của cô giáo Nguyễn Thị Đào, học sinh được học cách bày tỏ sự yêu thương, nói lời chia tay, cảm ơn với đồ vật, cách trao tặng và gửi gắm những người bạn của mình cho người khác với thái độ trân trọng nhất. Bên cạnh đó, các em còn được thể hiện sự sáng tạo, khéo léo thông qua những sản phẩm tái chế vừa đẹp, vừa thiết thực.
Cảm xúc tích cực thông qua tiết chuyên đề bổ ích, lý thú, đầy sáng tạo
Qua 2 tiết chuyên đề, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các trường Tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình đã hiểu rõ hơn về đặc trưng phân môn, các giải pháp về việc tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, việc tích hợp các nội dung giảng dạy, sự chủ động của giáo viên trong việc chọn lựa hoạt động, hình thức tổ chức phù hợp với đối tượng học sinh, chú trọng việc rèn luyện năng lực, phẩm chất gắn với những tình huống của cuộc sống. Đồng thời hiểu rõ dạy Hoạt động trải nghiệm là khơi gợi ở học sinh những trải nghiệm của chính bản thân các em, từ những gì em đã biết, đã được trải nghiệm dẫn dắt đến những kiến thức mới, những trải nghiệm mới. Dạy Tiếng Việt là để từ những hiểu biết của các em, tự bổ sung cho nhau làm giàu thêm vốn từ, biết cách dùng từ, đặt câu sao cho chính xác, sinh động, hấp dẫn và khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước với các sự vật gần gũi xung quanh.
Các giáo viên cũng chia sẻ: “Với các tiết chuyên đề như 2 tiết này, giáo viên nào cũng có thể thực hiện được vì trọng tâm tiết dạy là khai thác hiểu biết từ học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, để học sinh được bày tỏ ý kiến, chủ động trong mọi hoạt động, được thể hiện suy nghĩ và phát triển tư duy phản biện. Đó cũng chính là mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới”.