Bồi dưỡng năng lực lãnh đạo và kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ người DTTS

Ngày 13/10, Hội thảo 'Chia sẻ kết quả dự án và báo cáo kế hoạch hành động của học viên' đã được diễn ra tại Yên Bái.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ người DTTS.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ người DTTS.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án nâng cao năng lực cộng đồng “Thúc đẩy kỹ năng lãnh đạo và lồng ghép giới thông qua tập huấn và thực hiện kế hoạch hành động cho 3 xã miền núi thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái” do Trung tâm Nghiên cứu phát triển phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi (FEMMA) – Đại học Thái Nguyên phối hợp với Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức.

Tại Hội thảo, TS. Bùi Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi (FEMMA) đã thông tin về kết quả thực hiện chương trình tại địa phương.

Dự án “Thúc đẩy kỹ năng lãnh đạo và lồng ghép giới thông qua tập huấn và thực hiện kế hoạch hành động tại 3 xã miền núi thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái” được thực hiện từ tháng 7-10/2023 với mục tiêu trang bị và nâng cao năng lực lãnh đạo và kỹ năng lồng ghép giới cho các nhà lãnh đạo nam và nữ, đặc biệt là các nữ lãnh đạo dân tộc thiểu số, đồng thời hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch hành động và thiết lập một mạng lưới các nữ lãnh đạo ở vùng dân tộc thiểu số.

Ông Aldo De Luca, đại biện lâm thời Thụy Sĩ tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Ông Aldo De Luca, đại biện lâm thời Thụy Sĩ tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Trải qua 4 tháng triển khai tại xã Hát Lừu, Bản Công và Xà Hồ, chương trình đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực tại các địa phương với 3 khóa tập huấn thu hút 90 học viên dân tộc thiểu số, 18 kế hoạch hành động nhóm, 35 kế hoạch hành động cá nhân của học viên, 1 hội thảo chia sẻ kết quả và báo cáo kế hoạch hành động của học viên.

Từ những thành tựu ban đầu, Ban Tổ chức hướng tới những mục tiêu bền vững với khoảng 1.500 đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi, ít nhất 60 nữ lãnh đạo dân tộc thiểu số sẽ áp dụng kiến thức, kỹ năng tại khóa tập huấn một cách hiệu quả; về mặt cộng đồng, chương trình hướng tới vận động tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ và xóa bỏ định kiến giới tại địa phương.

Các học viên báo cáo tại Hội thảo.

Các học viên báo cáo tại Hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để nghe báo cáo kế hoạch hành động của các nhóm học viên, đây là kết quả của 3 khóa tập huấn dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia FEMMA. Các kế hoạch hành động tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết tại địa phương như nạn tảo hôn, định kiến giới; chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ sinh kế, tăng cường sự tham gia của nữ giới vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương… Trên cơ sở báo cáo của học viên, 3 kế hoạch hành động được lựa chọn hỗ trợ kinh phí để triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Trung tâm Nghiên cứu phát triển phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi (FEMMA, https://femma.tnu.edu.vn) – Đại học Thái Nguyên được thành lập vào năm 2021, là một tổ chức Khoa học và công nghệ trực thuộc Đại học Thái Nguyên, với tầm nhìn phấn đấu trở thành một mắt xích quan trọng để có thể cùng nhau tạo ra một tương lai ở đó tất cả phụ nữ và trẻ em gái (đặc biệt là dân tộc thiểu số, người khuyết tật...) được tôn trọng, được nhìn nhận, được tạo cơ hội và đối xử công bằng trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống; góp phần quan trọng thực hiện tốt các mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

FEMMA hướng tới mục tiêu tạo cơ hội, trao quyền, thúc đẩy sự phát triển xã hội, giáo dục, kinh tế và chính trị của tất cả phụ nữ và trẻ em gái để đạt được bình đẳng giới thực chất thông qua các chương trình hoạt động như vận động chính sách liên quan đến quyền của phụ nữ; xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao năng lực và kỹ năng lãnh đạo, ra quyết định của phụ nữ; thúc đẩy sự bao gồm và cộng đồng đa dạng.

VPVB

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/boi-duong-nang-luc-lanh-dao-va-ky-nang-long-ghep-gioi-cho-can-bo-nguoi-dtts-post657529.html