Bồi dưỡng nghiệp vụ nhìn từ sự 'bắt nhịp' của các cấp Hội địa phương
Công tác nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực chuyên môn cho các hội viên, nhà báo luôn được đặc biệt quan tâm và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục của Hội Nhà báo các địa phương.
Tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ theo đặc điểm vùng miền
Đây là một trong những vấn đề có thể nhìn thấy từ hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ của các Hội Nhà báo địa phương thời gian qua. Điều này cho thấy, hoạt động này ngày càng đi vào thiết thực, bổ ích và hiệu quả hơn khi những người làm công tác Hội đánh giá được đúng thực chất mong muốn của hội viên, nhà báo, cũng như những kỹ năng cần trang bị và nâng cao trong bối cảnh hiện nay. Về vấn đề này, nhà báo Trần Văn Nghĩa - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai chia sẻ, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh có 4 cơ quan báo chí địa phương (Đài PT-TH tỉnh thực hiện các chương trình tiếng phổ thông, tiếng Bah Nar, Jrai; Báo Gia Lai là báo giấy, báo điện tử và xuất bản ấn phẩm báo ảnh với 3 ngôn ngữ tiếng phổ thông, tiếng Bah Nar, Jrai) cùng 22 cơ quan báo chí có văn phòng thường trú hoặc có phóng viên hoạt động trên địa bàn, có 17 Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao (Đài TT-TH các huyện, thị xã, thành phố nhập vào Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao đi vào hoạt động từ tháng 01/2019); Đến nay toàn tỉnh Gia Lai có 238 hội viên được tổ chức sinh hoạt ở 6 Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh. “Với đặc điểm và cụ thể tình hình địa phương cũng như sự bùng nổ thông tin toàn cầu, hoạt động báo chí cần có sự đổi mới toàn diện về công nghệ, về đội ngũ những người làm báo, nhất là tin bài có chất lượng cao, tin bài về miền núi và dân tộc thiểu số ở Gia Lai, đồng thời xác định có tác phẩm báo chí hay, chất lượng là yếu tố quyết định của tờ báo nhằm tồn tại và phát triển” - nhà báo Trần Văn Nghĩa khẳng định.
Lớp học về Tòa soạn hội tụ đã thu hút sự quan tâm của các hội viên, đồng nghiệp đang công tác tại các đơn vị báo đài địa phương và các cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Ảnh: VH)
Theo đó, Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai hàng năm đã triển khai phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với lãnh đạo các cơ quan báo chí, chỉ đạo các Thư ký Chi hội trực thuộc tổ chức nhiều hoạt động như “Giải báo chí của tỉnh”,“Liên hoan PT-TH”, tạo được sân chơi bổ ích cho phóng viên… động viên hội viên tham gia các giải báo chí Trung ương và các ngành, hội, đoàn thể Trung ương tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của toàn thể hội viên.
Điều đáng nói là, với đặc thù của tỉnh, đồng thời là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, ông Nghĩa cho rằng: Để có một tác phẩm báo chí hay chứa đựng lượng thông tin có giá trị nhất, đó là tính chính xác, trung thực, tin cậy, hấp dẫn, kịp thời, có hiệu quả và hiệu ứng xã hội cao, đặc biệt là tác phẩm báo chí về miền núi, về dân tộc thiểu số, thì việc bám sát sự kiện và là sự kiện đang được dư luận, đồng bào các dân tộc quan tâm, nhu cầu về chế độ chính sách, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa… Chính vì thế, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai đã vận động hội viên, phóng viên tăng cường học tiếng địa phương để thông thạo ngôn ngữ cũng như hiểu biết phong tục tập quán của người địa phương. Bên cạnh đó, phóng viên phải có bản lĩnh, hiểu biết, tích lũy vốn sống và khả năng giao tiếp tốt, trăn trở với đề tài và phương pháp sáng tạo trong thể hiện bài viết.
Ngoài ra, hàng năm Thường trực Hội duy trì đều đặn, tổ chức các cuộc tập huấn, các cuộc hội thảo nâng cao nghiệp vụ báo chí và mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên toàn tỉnh. Từ đó, giúp phóng viên bám sát tôn chỉ, mục đích của tờ báo, thường xuyên cập nhật thông tin, đổi mới nội dung, chú trọng nâng cao chất lượng tin, bài, phản ánh trung thực mọi mặt đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới; cải tiến hình thức ấn phẩm đẹp, tin bài ngắn gọn, rõ nét, dễ đọc, dễ hiểu và phù hợp với tập quán, tâm lý, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời các ấn phẩm phải được chuyển tới đúng đối tượng thụ hưởng tại các xã, thôn, làng…
Nâng cao bồi dưỡng nghiệp vụ để bắt kịp xu hướng
Trong bối cảnh nhiều thay đổi của báo chí, bản thân những người làm công tác Hội ít nhiều cũng đã có những thay đổi trong hoạt động Hội để theo kịp những đổi thay của làng báo. Bởi, nếu không làm được điều ấy, chắc chắn sự quy tụ hội viên, nhà báo tham gia tích cực vào các hoạt động là rất khó. Nắm bắt được điều này, nhà báo Đỗ Nguyên Hùng - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Định cho biết, Hội Nhà báo Bình Định luôn xác định hoạt động báo chí, ngoài quan điểm, lập trường, bản lĩnh chính trị thì hội viên, nhà báo phải có trình độ mới đáp ứng được yêu cầu công việc trong thời đại công nghệ cao, chuyên nghiệp, hiện đại hiện nay. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ là cơ hội để hội viên Hội Nhà báo trong tỉnh giao lưu, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận với những kinh nghiệm làm báo hiện đại. Mỗi năm, Hội Nhà báo Bình Định phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) mở từ 2 đến 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các hội viên, nhà báo trong tỉnh, cử hội viên tham gia đầy đủ các lớp nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, mở các chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh cho hội viên nhằm hình thành tư liệu, chất liệu sáng tác các tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao. Cụ thể, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo Bình Định đã phối hợp với các cơ quan báo chí trong tỉnh tuyển chọn và cử hơn 35 nhà báo đi dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức và các lớp tập huấn chuyên ngành do các bộ, ngành tổ chức. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ “Kỹ năng biên tập từ báo in sang báo điện tử”, “Kỹ năng truyền thông qua mạng xã hội”, “Phóng sự phát thanh hiện đại”, “Kỹ năng làm chương trình tallkshow phát thanh”, “Kỹ năng làm báo hiện đại”... Các lớp học đã thu hút đông đảo hội viên tham dự và được trang bị các kỹ năng bổ ích, thiết thực chứ không làm kiểu hình thức, chung chung. Điều thú vị là, trước khi mở lớp, Hội cũng đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hội viên để việc tập huấn, bồi dưỡng thực sự thiết thực. Việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành đã giúp các hội viên tham dự tiếp thu được nhiều kiến thức mới mẻ, bổ ích, từ đó, áp dụng hiệu quả vào thực tế.
Còn với Hội Nhà báo Đà Nẵng, nhà báo Phan Hoàng Phương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội cho biết, gần đây nhất, lớp học về Tòa soạn hội tụ đã thu hút sự quan tâm của các hội viên, đồng nghiệp đang công tác tại các đơn vị báo đài địa phương và các cơ quan báo chí đóng trú trên địa bàn thành phố. Chủ đề này từ nhiều năm nay luôn được các cơ quan báo chí nhắc đến, và hướng đến. Trên thực tế, số cơ quan, đơn vị báo chí trong nước xây dựng thành công mô hình Tòa soạn hội tụ vẫn còn quá ít ỏi. Đặc biệt, đối với các cơ quan báo Đảng địa phương khi nói đến Tòa soạn hội tụ vẫn là con đường đầy trắc trở. Lớp học đã phần nào truyền đạt được cách tổ chức sản xuất tin bài theo đúng nghĩa của Tòa soạn hội tụ, và hơn hết giúp cho các nhà báo là đội ngũ cán bộ lãnh đạo hình thành nguồn nhân lực có trình độ cao, đào tạo những nhà báo đa năng, có kỹ năng làm việc, sử dụng các thiết bị trong hệ thống tòa soạn nhằm sáng tạo, sản xuất ra tác phẩm đăng, phát trên mọi loại hình báo chí, nâng cao chất lượng nội dung, thu hút độc giả.
Có thể nói, với sự vận dụng linh hoạt trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, nhà báo đã cho thấy những thay đổi không nhỏ của công tác Hội địa phương thời gian qua. Tích cực từ các hoạt động, thiết thực từ những việc nhỏ chính là những “điểm cộng” thu hút được sự tham gia từ hội viên, nhà báo...