Bồi dưỡng tài năng điện ảnh: Không thể trông chờ vào thiên tài bẩm sinh

Theo TS. Ngô Phương Lan, nền điện ảnh chỉ thực sự vững mạnh khi có đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo mạnh. Mỗi chính sách, mỗi mô hình đào tạo cần được xem xét như một phần của hệ sinh thái bền vững – nơi tài năng không bị bỏ rơi, mà được chắp cánh bằng sự đồng hành lâu dài.

Trong nhiều năm qua, câu chuyện phát hiện và bồi dưỡng tài năng điện ảnh đã được đề cập không ít tại các hội thảo nghệ thuật, các kỳ liên hoan phim cũng như trong chiến lược phát triển văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn luôn đặt ra những dấu hỏi lớn về hiệu quả thực tế và khả năng bắt nhịp với xu thế toàn cầu. Tại hội thảo “Phát triển và bồi dưỡng tài năng điện ảnh: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp của Việt Nam” tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 - DANAFF 2025, nhiều chuyên gia, nhà làm phim và nhà giáo dục trong nước lẫn quốc tế đã cùng chia sẻ các mô hình, bài học và đề xuất thiết thực để xây dựng một thế hệ nghệ sĩ điện ảnh trẻ giàu bản sắc và có khả năng vươn tầm quốc tế.

Hệ sinh thái còn rời rạc

Dù Việt Nam đã có những trung tâm đào tạo điện ảnh chuyên nghiệp như Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, TP.HCM, cùng các mô hình mới tại Đại học Hoa Sen, Văn Lang, HUTECH, hay các sáng kiến đào tạo ngắn hạn như TPD, Talent Campus, CJ Short Film, Gặp gỡ mùa thu… nhưng trên thực tế, việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng điện ảnh vẫn còn bị đánh giá là phân tán, thiếu liên kết và chưa có một hệ sinh thái bền vững.

TS Ngô Phương Lan

TS Ngô Phương Lan

PGS.TS. Phan Thị Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, cho biết phần lớn các mô hình đào tạo hiện nay vẫn theo phương thức truyền thống: cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường mà chưa quan tâm đúng mức đến nhu cầu của nhà tuyển dụng. Bà nhấn mạnh rằng để xây dựng được một thế hệ nhà làm phim mới thực sự, cần có sự phối hợp giữa các trường đào tạo, Nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Việc khảo sát nhu cầu thị trường, học hỏi phương pháp giáo dục từ các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, sẽ là tiền đề quan trọng để hình thành những chương trình đào tạo hiệu quả và hội nhập hơn.

“Để xây dựng thế hệ nhà làm phim mới tại Việt Nam, cần sự phối hợp giữa các trường đào tạo, nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Tận dụng các kinh nghiệm quốc tế và đổi mới đào tạo sẽ giúp Việt Nam hình thành một thế hệ nhà làm phim trẻ giàu bản sắc, sáng tạo và có khả năng hội nhập sâu rộng”, PGS.TS. Phan Thị Bích Hà nhấn mạnh.

Cùng quan điểm đó, TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam khẳng định: “Nếu một nền điện ảnh thành công hay không phụ thuộc có bộ phim hay hay không. Mà muốn có những tác phẩm hay, được công chúng yêu mến và thế giới biết đến, thì phải có những tài năng điện ảnh”. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm mới lực lượng sáng tạo bằng một thế hệ trẻ, sung sức, có khả năng tiếp nối và vượt qua các thế hệ làm phim hiện nay.

Bài học từ quốc tế: Điện ảnh là một cộng đồng

Câu chuyện về cách thế giới phát hiện và nuôi dưỡng tài năng đã được đạo diễn – nhà sản xuất Tony Bùi, giảng viên Trường Nghệ thuật – Đại học Columbia (Mỹ), chia sẻ như một minh chứng sống động cho tinh thần cộng đồng trong nghệ thuật thứ bảy. Thay vì thần tượng hóa khái niệm “thiên tài bẩm sinh”, Tony Bùi cho rằng tài năng thực sự là kết quả của một quá trình được nuôi dưỡng lâu dài, thông qua sự cố vấn, thất bại và phản hồi không ngừng. Ông giới thiệu mô hình Sundance Labs – nơi đã giúp hình thành những đạo diễn như Tarantino, Chlóe Zhao, Barry Jenkins – như một mô hình có thể truyền cảm hứng cho Việt Nam.

Đạo diễn, NSX Tony Bùi

Đạo diễn, NSX Tony Bùi

Tại Sundance, các lớp học kịch bản và đạo diễn không đặt ra kỳ vọng về sự hoàn hảo. Họ chọn những người có “tiếng nói riêng”, có câu chuyện cấp thiết để kể. Học viên được khuyến khích thất bại, trải nghiệm áp lực, lắng nghe phản hồi để từ đó khám phá chính bản thân và phong cách nghệ thuật của mình. Tony Bùi nhấn mạnh: “Sundance Labs không chỉ là một mô hình – mà là một triết lý: đầu tư vào con người, tạo điều kiện cho họ được sai, được học, được lớn lên”. Ông tin rằng, những kinh nghiệm này hoàn toàn có thể ứng dụng ở Việt Nam để xây dựng một nền điện ảnh giàu bản sắc, cởi mở và nhân văn hơn.

Đồng quan điểm, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh – sáng lập chương trình đào tạo làm phim tại Đại học Hoa Sen – cũng chỉ ra rằng, các mô hình thành công trên thế giới đều duy trì sự cân bằng giữa kỹ thuật và tư duy phản biện, giữa thực hành và yếu tố nhân văn. Quan trọng hơn cả, theo ông, là việc duy trì một tinh thần liên ngành, nơi nhà làm phim không chỉ giỏi nghề mà còn biết quan sát, phân tích xã hội và có góc nhìn riêng biệt.

Những mô hình bản địa giàu sức sống

Từ kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm TPD, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể lại hành trình khởi nguồn từ một bộ phim ngắn cá nhân cho đến việc thành lập một tổ chức chuyên hỗ trợ các bạn trẻ làm phim. Dự án “Chúng ta làm phim” của TPD từng bị coi là tham vọng khi hướng đến đối tượng học sinh – sinh viên không chuyên, nhưng đến nay đã đào tạo hơn 100 lớp với hàng ngàn học viên. Điều ông Bùi tâm đắc không nằm ở số lượng mà ở tinh thần: “Làm phim không có gì khó cả, không cần kinh nghiệm, chỉ cần hồn nhiên. Hay – dở không quan trọng, chỉ cần hoàn thành”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Ông chia sẻ rằng, chính những bạn trẻ bắt đầu từ sự hồn nhiên đó sau này đã có tác phẩm vươn ra thế giới. Như Hà Lệ Diễm – học viên TPD – với phim tài liệu được vào shortlist Oscar. Bùi Thạc Chuyên xúc động: “Điều tôi rất tự hào là cảm hứng mà các bạn trẻ tìm thấy được ở TPD. Và tôi cũng thấy mình thật may mắn, vì trong suốt quá trình làm việc tại đây, chính TPD cũng đã truyền cho tôi niềm cảm hứng và tình yêu với điện ảnh. Tôi hy vọng TPD sẽ còn tiếp tục được duy trì và phát triển trong thời gian tới”.

Thành công của TPD hay các mô hình độc lập khác như Xine House, Hanoi Doclab cho thấy rằng, đào tạo điện ảnh không chỉ nằm trong giảng đường đại học. Sự linh hoạt, tinh thần phi lợi nhuận và niềm tin vào giới trẻ là ba yếu tố quan trọng để giữ cho các mô hình như vậy sống dai, sống khỏe và tiếp tục sản sinh ra những tài năng mang tiếng nói cá nhân mạnh mẽ.

Chiến lược quốc gia: Từ lớp học đến hợp tác khu vực

Từ góc độ phát triển ngành ở cấp quốc gia và khu vực, nhà sản xuất Charles Kim – Ủy viên Liên hoan phim Truyền phát Quốc tế Hàn Quốc (KISF) – cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế song hành: một thế hệ đạo diễn – biên kịch trẻ được đào tạo bài bản và một cộng đồng influencer năng động thống lĩnh thị trường phim mạng. Tuy nhiên, để điện ảnh thương mại Việt vươn ra quốc tế, cần vượt qua sự lệ thuộc vào mô-típ hài – kinh dị và tìm đến những câu chuyện mang cảm xúc phổ quát.

Nhà sản xuất Charles Kim

Nhà sản xuất Charles Kim

Ông nhấn mạnh: “Việt Nam cần kể những câu chuyện dễ chạm đến trái tim khán giả toàn cầu, và muốn vậy phải đầu tư vào thế hệ tài năng trẻ”. Đồng thời, ông đề xuất tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng các liên hoan phim như DANAFF thành cầu nối khu vực, biến Việt Nam thành trung tâm nội dung của Đông Nam Á.

Ở một góc độ khác, ông Jérémy Segay – Tùy viên Nghe nhìn khu vực Đông Nam Á của Đại sứ quán Pháp – chia sẻ mô hình giáo dục điện ảnh từ sớm tại Pháp. Tại đây, trẻ em được tiếp cận nghệ thuật thứ bảy từ bậc tiểu học thông qua những chương trình nhà nước tài trợ, tổ chức học sinh đi xem phim tại rạp, thậm chí ở cả vùng sâu, vùng xa. Chính ông là một trong những học sinh đầu tiên tham gia mô hình này và lớn lên cùng điện ảnh thế giới. Ông nói: “Xem phim là một hoạt động sáng tạo tập thể – và rạp chiếu phim luôn là nơi tốt nhất để trải nghiệm điều đó”.

Phát hiện tài năng: Niềm tin và sự kiên nhẫn

Câu hỏi làm thế nào để nhận biết tài năng điện ảnh cũng là chủ đề gây nhiều tranh luận tại hội thảo. Với đạo diễn Tony Bùi, yếu tố quan trọng không nằm ở sự hoàn hảo mà là “cái khác biệt” – một giọng nói riêng.

"Làm thế nào để phát hiện được tài năng điện ảnh là câu hỏi tôi thường xuyên nhận được. Theo tôi, trước hết, người đó phải có đam mê – bất kể thành công hay thất bại. Chúng ta không tìm kiếm những tác phẩm trau chuốt, hoàn hảo nhất, mà là những điều khác biệt – từ đó hình thành nên giọng nói riêng của mỗi người làm phim. Đó cũng là lý do tôi luôn hứng thú khi tham dự các liên hoan phim như thế này, bởi đây là nơi tôi có thể gặp gỡ nhiều tài năng với góc nhìn đa dạng, đồng thời có cơ hội trao đổi trực tiếp với các nhà làm phim", ông nói.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Với nhà sản xuất Trinh Hoan, đó là cảm giác về sự cam kết đi đến cùng của người làm phim. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh thì cho rằng, sự bao dung, kiên nhẫn là điều cần thiết với sinh viên: “Họ có thể sai nhiều lần nhưng nếu dám tin và kiên trì, họ sẽ tìm được con đường của mình”.

Trong khi đó, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chân thành nói rằng: “Mình đâu có thần nhãn gì. Tài năng là thứ vô cùng khó đoán, đôi khi phải mất đến 20 năm mới biết được ai thực sự là người có tố chất. Nhưng điều quan trọng nhất, theo tôi, chính là sự hồn nhiên. Đó là thứ khiến tôi thấy thú vị ở các bạn trẻ. Càng nguyên bản bao nhiêu, thì cơ hội để thành công lại càng lớn bấy nhiêu”.

Theo TS. Ngô Phương Lan, nền điện ảnh chỉ thực sự vững mạnh khi có đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo mạnh. Mỗi chính sách, mỗi mô hình đào tạo cần được xem xét như một phần của hệ sinh thái bền vững – nơi tài năng không bị bỏ rơi, mà được chắp cánh bằng sự đồng hành lâu dài.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/boi-duong-tai-nang-dien-anh-khong-the-trong-cho-vao-thien-tai-bam-sinh-post1211697.vov