Bồi dưỡng Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tại Hà Tĩnh: Bình tĩnh chờ hướng dẫn
Quy định mới về việc thăng hạng của Bộ GD&ĐT nhận được sự quan tâm đặc biệt của giáo viên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Sở GD&ĐT cũng có công văn về việc “Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên”, qua đó khuyến cáo giáo viên không tham gia lớp bồi dưỡng khi chưa có hướng dẫn cụ thể.
Tâm lý ổn định
Cô Dương Thị Hồng Thương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Long (huyện Thạch Hà) cho biết: Nghe và đọc thông tư của Bộ GD&ĐT về thăng hạng giáo viên, ban đầu tôi cảm thấy lo lắng. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi nhận thấy giáo viên không nhất thiết phải cuống lên, lo lắng rồi đổ đi tìm trung tâm để đăng ký lớp học. Mọi chính sách của Nhà nước chắc chắn sẽ có lợi cho đại đa số giáo viên, giúp ngành Giáo dục phát triển.
“Trường có 17/29 cán bộ, giáo viên sẽ được chuyển ngạch mới (8 người hưởng lương hạng II, 9 người hưởng lương hạng III), trong đó có 8 người ăn lương đại học nhưng chưa được chuyển ngạch và 2 trường hợp mới tuyển dụng thêm. Như vậy, muốn thăng hạng những giáo viên này phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp theo quy định của Luật Viên chức” – cô Thương cho hay.
Cô Thương cũng phân tích: Thăng hạng, lương giáo viên tăng ít nhất hơn 1 triệu đồng/người. Danh sách giáo viên được lập cụ thể với các chi tiết: Bằng cấp chuyên môn; đạt thành tích sáng kiến kinh nghiệm, giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh; các chứng chỉ hiện có... Khi nào có hướng dẫn của sở GD&ĐT sẽ thông báo để giáo viên học bổ sung chứng chỉ nghề nghiệp và các tiêu chuẩn khác phục vụ thi thăng hạng.
Theo thầy Nguyễn Quang Quý, giáo viên Toán, Trường THCS Long Sơn (huyện Thạch Hà), chức danh nghề nghiệp với giáo viên là cần thiết, vừa được nâng lương, nâng cao trình độ chuyên môn. Bản thân tôi công tác được 20 năm, hưởng lương bậc 7 của hạng II, giờ muốn chuyển ngạch lên hạng I buộc phải đi học nâng hạng.
“Việc học thăng hạng là cần thiết, nhưng học thế nào để phù hợp thời gian và tiền lệ phí bỏ ra là điều đại đa số giáo viên băn khoăn. Không nên học tập trung, dồn dập cùng lúc. Tốt nhất đưa vào chương trình bồi dưỡng hàng năm, để giáo viên còn có thời gian giảng dạy tại trường” – thầy Quý nêu ý kiến.
Chưa vội đăng ký nếu chưa có hướng dẫn
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh có Công văn số 299 về việc “Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên”. Công văn nêu rõ trong lúc chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị công lập trực thuộc sở, phòng giáo dục đào tạo, trung tâm GDNN – GDTX huyện, thị xã, thành phố trực thuộc: Tiếp tục phổ biến, quán triệt các Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ GD&ĐT đến toàn thể cán bộ, giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý để nắm và hiểu đúng quy định; quản lý chặt chẽ việc chọn, cử giáo viên tham gia bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (TCCDNN); Công văn đồng thời khuyến cáo giáo viên không tham gia các lớp bồi dưỡng khi chưa có hướng dấn của sở; các đơn vị không phối hợp với cơ sở đào tạo để triển khai bồi dưỡng TCCDNN khi chưa có hướng dẫn.
Đánh giá về các thông tư mới được Bộ GD&ĐT ban hành, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng: Chùm thông tư mới có lợi hơn cho giáo viên. Khi xếp hạng/ bậc theo quy định mới, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đa phần được vượt lên so với trước đây. “Việc Bộ ban hành các yêu cầu, tiêu chí về kiến thức, kỹ năng với từng hạng, ngạch là hợp lý” – ông Quốc Anh nói.
Ông Anh cũng nhận định: Trước khi cơ quan quản lý ban hành chính sách mới đều có đưa dự thảo ra lấy ý kiến đóng góp. Nhưng khi đó, đa phần giáo viên không để ý. Điều này dẫn đến tình trạng khi các quy định mới có hiệu lực, mọi người bất ngờ và có phản ứng do không hiểu rõ, nhất là khi các quy định liên quan tới quyền lợi sát sườn của bản thân.
Tại Hà Tĩnh, trước đây có tình trạng giáo viên đua nhau bỏ tiền đi học chứng chỉ nghề nghiệp, thậm chí nhiều giáo viên do không nắm rõ nên học nhầm loại chứng chỉ. Tới đây, để công tác đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả, chất lượng và không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường, sở sẽ phối hợp với một số cơ sở có năng lực, được Bộ GD&ĐT cho phép triển khai hoạt động này.
“Tôi cho rằng các lớp bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp không có sự trùng lặp tới mức 9/10 chuyên đề với chương trình mà giáo viên đã được học. Để tránh lãng phí, thầy cô đến lúc cần thiết hãy đăng ký học. Ví dụ còn 6, 7 năm nữa mới tới hạn nâng bậc thì học từ bây giờ làm gì? Hay còn thiếu các điều kiện khác thì cứ bổ sung đi rồi hãy học. Tuy nhiên, từ năm ngoái, chúng tôi đã yêu cầu dừng các lớp bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để chờ chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ” - ông Quốc Anh thông tin.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho hay: Chức danh nghề nghiệp với giáo viên cần xác định rõ phải đào tạo trình độ nào, bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng bao nhiêu; khuyến cáo giáo viên không tham gia khóa học tập, bồi dưỡng online do các đơn vị không đủ điều kiện, không có chức năng bồi dưỡng để tránh lãng phí không đáng có.
“Là người có thời gian dài công tác trong ngành, việc Bộ GD&ĐT đưa ra yêu cầu với giáo viên hạng I, hạng II.... chỉ là một phần trong việc nâng cao chất lượng giáo viên. Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác mà quan trọng nhất là tinh thần tự nguyện và sự tâm huyết. Học để nâng cao trình độ chứ không phải để đạt bằng cấp” – bà Nga nói thêm.
Ở góc độ quản lý, bà Nga đưa ra quan điểm: Giáo dục là lĩnh vực “động”, nhu cầu của người học đa dạng, liên tục thay đổi và ngày càng nâng cao, đòi hỏi mỗi nhà giáo phấn đấu học hỏi, rèn luyện không ngừng. Chính sách về chức danh, tiền lương cần tạo động lực thúc đẩy sự nỗ lực phấn đấu của mỗi người, hạn chế tối đa sự trì trệ.