Bồi hồi ngày cuối năm
Cuộc đời như dòng chảy không bao giờ ngừng nghỉ. Con người là những chiếc thuyền bồng bềnh, rộn rã trên bến đò xuân. Ta đã qua bao nhiêu mùa xuân. Xuân nào cũng đem lại những chộn rộn cảm xúc.
Vậy là tháng củ mật đã sắp hết. Phố phường tấp nập người qua kẻ lại, họ như hối hả hơn, thúc giục nhau và vội vã như thể nhanh chân ra ga, ra bến kẻo muộn mất chuyến tàu, chuyến xe cuối sắp khởi hành. Bên sườn đồi, từng tốp nông dân miệng cười hồ hởi, bàn tay nhanh nhẹn thu lấy nông sản mà một năm qua đã bỏ bao công trồng cấy, chăm sóc.
Ở nơi làng quê, không khí cuối năm thật khác lạ. Mặt trời như cố giấu mình ủ ấm trong mây, khói sương bảng lảng hòa vào bụi tre làng. Những khóm lá dong cũng đã được rửa sạch, chờ bàn tay gói ghém, ấp ủ hạt gạo, nhân bánh vào khuôn. Đêm ba mươi Tết, bắc nồi chờ nhóm lửa nấu bánh chưng, để thành bánh Tết.
Ngoài kia, Tết đang đến. Ta đang đứng trước thềm xuân. Ngày ba mươi Tết, những bà mẹ dắt díu đứa con thơ ra chợ phiên, chen chúc giữa dòng người để sắm bộ quần áo mới đi chơi Tết. Chợ Tết đây rồi, nhộn nhịp hơn ngày thường rất nhiều, mà cái gì bán cũng đắt hàng. Những cành đào, sọt quả chín, kia là hương thơm, đây là bánh kẹo, mứt Tết.
Bên sân nhà, những nồi nước lá thơm đang chờ gột rửa hết bụi bặm năm cũ. Mùi thơm ấy là mùi của đất trời, mùi của quê hương, mùi của tình thương. Mùi thơm lạ kỳ đến mức cả một đời người cũng không bay hương.
Những người đang yêu, mùa xuân đến cứ lâng lâng cảm xúc nhớ mong. Mùa xuân là mùa của tình yêu, mùa của sum họp. Yêu nhau không phải để nhìn nhau, mà hướng về một phía: Xuân!
Các bậc lão niên cũng như trẻ lại, quên đi mái tóc đã bạc tuyết sương. Con cháu đề huề từ bốn phương trở về nhà thờ tổ.
Trên nét mặt nhăn nheo sóng gió, nếp thời gian như được giãn nở để thỏa nguyện với đời. Thành quả của đời người là con là cháu. Niềm vui ở đấy chứ còn ở đâu. Thật là niềm vui quá đỗi giản dị.
Những người xa quê, hôm nay đã là ngày năm hết Tết đến mà sao vẫn chưa bước chân về ngõ. Về đi thôi, kệ mặc những niềm vui chóng vánh, những ủ ê của cuộc đời. Những thất bại ê chề, những món nợ gian lao cứ để cho gió cuốn đi, cho cơn rét của đất trời ủ lại. Hãy cứ về với gia đình, nơi luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc.
Ngày cuối năm cũng là thời khắc “tống cựu nghênh tân”, một nếp sống đã cũ nhưng chẳng thể mòn. Chiều ba mươi Tết, đến anh thợ hồ có bận đến mấy cũng phải cố đi hớt cho được “cái đầu đống rơm”, dội mấy gáo nước “tẩy trần”. Nhà nào đi đâu, làm gì cũng cố dọn dẹp cho xong nhà cửa, trang trí bàn thờ. Người nào giận nhau suốt năm cũ cũng cố nhịn làm hòa, để ba trăm sáu mươi lăm ngày mới tay bắt mặt mừng.
Những thầy đồ đã diện trên mình áo the khăn xếp, trong cái tráp nhỏ đã có đủ giấy mực, chỉ chờ tiếng trống điểm sang canh là phất tay khai bút. Bên trong xó buồng, cụ bà đang âm thầm chuẩn bị dăm đồng bạc lẻ cho vào phong bao, mừng tuổi con cháu đúng lúc giao thừa. Trên khắp nẻo đường đất nước, dù miền núi hay đồng bằng, thời khắc thiêng liêng giao thừa lại đốt hương, xông trầm để “tống cựu nghênh tân”.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/boi-hoi-ngay-cuoi-nam-z5n20200120090117711.htm