Bồi hồi nhớ chợ tết quê
28 tháng Chạp, nhịp sống như hối hả hơn. Dòng xe, dòng người tấp nập khắp phố phường. Giai điệu 'Tết tết tết tết... đến rồi' vang lên càng làm lòng người thêm chộn rộn. Tết đến gần lắm rồi! Nhà nhà trang hoàng đón tết, các cửa hàng, siêu thị tấp nập người mua, người bán, bánh, mứt, trái cây, hoa tươi,... ngập tràn.
28 tháng Chạp, ngày làm việc cuối cùng trong năm, mọi người vội vã thu xếp để còn nhanh về nhà chuẩn bị tết cho gia đình. Dạo một vòng siêu thị, định mua ít quà tết về biếu ông bà. Qua hàng bánh, mứt, đa số là những loại bánh được đóng hộp, in hoa văn tết rất bắt mắt. Hàng trái cây đầy ắp nào bưởi, thanh long, xoài,... có cả những dĩa trái cây được chưng sẵn. Điện thoại vang lên, giọng mẹ trầm ấm: “Mai về đừng có mua gì nha con! Mẹ đợi tụi bây về đi chợ tết!”. Ba tiếng “đi chợ tết” sao mà thân quen quá đỗi! Đã bao lâu rồi không đi chợ tết cùng mẹ, không được hớn hở ra chợ huyện ngẩn ngơ ngắm mấy bộ đồ trẻ em đủ màu sắc, hít hà mùi mứt dừa, mứt gừng mới ra lò, nhón tay lấy ít hạt dưa cắn xem có chắc không rồi ỉ ôi xin mẹ mua hạt dưa,...
Nhớ những năm 1980, tờ mờ sáng, dì ba, cô bảy đã í ới gọi nhau đi chợ, phải chèo xuồng gần 2 tiếng đồng hồ mới ra đến chợ huyện. Xuồng cập bến, đám trẻ con hớn hở nhảy lên bờ, ríu rít nắm tay nhau đi ngắm chợ tết. Chợ tết cái gì cũng thích, mứt dừa, mứt bí rồi cả bánh, kẹo, đồ chơi,... Hồi đó, đến tết mới có bán dưa hấu nên đứa nào cũng đòi mua bằng được vài trái về ăn tết. Mẹ dắt qua hàng quần áo mua cho bộ đồ, đôi dép và cả cái nón mới. Đó là cả gia tài của đứa trẻ miền quê! Đi chợ tết thích nhất là qua khu bán hoa. Cả một góc chợ với hoa vạn thọ, cúc, mào gà và không thể thiếu những nhánh mai vàng. Ngày đó, mai kiểng ít được bày bán như bây giờ. Tết đến, nhà nào trồng nhiều mai thường chọn những nhánh đẹp, nhiều nụ, nhiều hoa mang ra chợ bán. Ba ngày tết, trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu nhánh mai vàng. Muốn giữ hoa lâu tàn, sau khi cắt khỏi cây, người ta thường dùng lửa đốt cháy xém ngay vết cắt. Theo người lớn, làm cách đó sẽ giữ được hoa và nụ mai tươi lâu hơn. Khi nắng lên đến đỉnh đầu, trở lại bến sông và cùng “chở tết” về nhà. Sau buổi chợ, xuồng nào cũng đầy ắp dưa hấu, chén dĩa mới, vài nhánh mai, mấy chậu vạn thọ và không thể thiếu buồng chuối chín để hôm 30 tháng Chạp gói bánh tét.
Những năm 1990, chợ tết đông vui hơn trước, hàng hóa được bày bán nhiều hơn. Từ nhà ra chợ huyện cũng không còn phải bơi xuồng mấy tiếng đồng hồ mà có thể đạp xe chạy ra tận chợ. Lúc này, đám trẻ con năm nào đã lớn, không còn háo hức với quần áo mới mà lo phụ mẹ lựa cải mần dưa, thêm món dưa giá, củ kiệu rồi lẩm nhẩm xem tết này cần mua gì để làm bánh, mứt,... Thích nhất vẫn là qua khu vực bán hoa tươi. Những chiếc xuồng rực rỡ sắc hoa cứ tấp nập cập bến. Tiếng í ới gọi nhau vang cả một khúc sông. Tết đến, nhà nào cũng mua vài cặp cúc, vạn thọ về chưng trong nhà như mong ước một năm mới sung túc, đủ đầy hơn. Tết mà không có chợ hoa xem như mất một phần ý nghĩa. Và sự háo hức, mong chờ đi chợ tết không chỉ để mua sắm bánh, mứt mà còn để được thỏa sức ngắm chợ hoa bởi chỉ tết mới có chợ hoa.
Chợ tết quê bây giờ bày bán đủ loại hàng hóa và cũng chẳng cần ra tới chợ huyện bởi chợ xã đã bán đủ. Mấy năm nay, hệ thống cửa hàng tiện lợi phủ khắp nơi, trở thành kênh phân phối giúp người dân nông thôn mua sắm thuận tiện hơn. Cảnh chèo xuồng đi chợ tết ngày xưa cũng chỉ còn trong ký ức. Chuyến xe chiều cuối năm cập bến, khoác ba lô vội vã về nhà. Ngày mai sẽ được cùng mẹ đi chợ tết! 29 tháng Chạp rồi!
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/boi-hoi-nho-cho-tet-que-a148087.html