Bồi hồi nhớ 'Mùa xuân biên cương'

Biên giới, biển đảo và bộ đội biên phòng (BÐBP) từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho các sáng tác của các văn nghệ sĩ Việt Nam thuộc nhiều thế hệ. Trong số những bài ca về biên giới biển, đảo và BÐBP, 'Mùa xuân cho em'(nhạc Văn Dung, thơ Dương Kiềm) đã để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều người, trở thành bài hát được yêu thích về đề tài biên giới và BÐBP. Ðiều đặc biệt, tác giả thơ - Thiếu tá Dương Kiềm từng công tác tại Báo Công an vũ trang (nay là Báo Biên phòng). Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi ông viết bài thơ ấy, vậy mà mỗi khi nhắc lại bài thơ, xúc cảm vẫn luôn đong đầy trong trí nhớ của ông.

Chân dung nhà báo Dương Kiềm. Ảnh: Thanh Thuận

Nhà báo Dương Kiềm quê ở Hà Tĩnh, năm nay đã gần 90 tuổi. Sau khi nghỉ hưu, ông đã cùng vợ chuyển vào sinh sống tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện, ông sống an vui bên con cháu trong ngôi nhà gần bãi biển Long Hải, huyện Long Ðiền.

Dù tuổi đã cao, nhưng nhà báo Dương Kiềm vẫn còn khá minh mẫn. Ông vẫn xúc động, giọng nói hào sảng, khí thế khi tôi nhắc đến bài thơ “Mùa xuân biên cương” được nhạc sĩ Văn Dung phổ nhạc trong bài hát “Mùa xuân cho em”.

Nhà báo Dương Kiềm tâm sự, ông viết bài thơ “Mùa xuân biên cương” trong dịp đi công tác Tây Bắc năm 1968. Hồi đó, ông làm Phó Thư kí tòa soạn Báo Công an vũ trang (Báo Biên phòng ngày nay). Chuyến đi ấy dù là đi lấy tư liệu viết báo, nhưng cảm hứng chợt đến nên ông làm thơ.

Tên bài thơ lúc đầu là “Mùa xuân biên cương” nhằm chia sẻ tình cảm của người chiến sĩ biên phòng với đất nước. Bài thơ đã được đăng trên Báo Công an vũ trang. Sau này khi in vào tuyển tập “Nửa thế kỷ thơ Biên phòng”, tựa đề bài thơ mới được đổi thành “Mùa xuân”.

Bài thơ của Dương Kiềm với những lời thơ mộc mạc, dung dị mà rất trữ tình, khoáng đạt: “Mùa xuân đi giữa biên cương/ Mưa phùn giăng ngang suối/ Rừng trắng phấn măng gửi mừng em năm mới/ Mà anh như gió xuân không mỏi/ Chở đầy hương núi, hương hoa...”. Sự hùng vĩ, khoáng đạt của phên giậu Tổ quốc đã mang lại cho Dương Kiềm nhiều cảm xúc, đi vào trong thơ một cách tự nhiên. Âm hưởng của bài thơ đã được nhạc sĩ Văn Dung chuyển thành giai điệu mượt mà, làm nên ca khúc có tựa đề “Mùa xuân cho em”.

Trong đó, nhạc sĩ Văn Dung cắt bỏ khổ thơ đầu và khổ năm, sáu, giữ nguyên ba khổ thơ giữa khi phổ nhạc bài thơ “Mùa xuân biên cương”. Bài hát này lần đầu tiên được phát trên làn sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam với chất giọng mộc mạc của ca sĩ Dương Minh Ðức đã chiếm được tình cảm của đông đảo bạn nghe đài.

“Anh lại đi trên đường đầy hoa/ Bản em khèn vui đỉnh núi/Chú bướm vàng khoe áo mới /Bầy ong thức vội, rì rào hoa ban...”. Vùng cao miền Tây Bắc được mở ra với không gian bao la, khoáng đạt, mênh mông núi, bao la rừng, những cánh hoa ban trắng ngát, suối róc rách, rì rào... Với tâm hồn bay bổng, ca từ giàu hình ảnh, âm điệu, tác giả Dương Kiềm đã mở ra một không gian đẹp của biên cương mùa xuân đầy sức sống nhưng cũng rất đỗi mộng mơ, trữ tình, lãng mạn.

Từ Thủ đô Hà Nội, đến với biên giới Tây Bắc, tác giả Dương Kiềm đã phần nào cảm nhận được cuộc sống giữa trùng điệp núi rừng của người chiến sĩ biên phòng, để thấu hết những khó khăn, vất vả, thiếu thốn và những thiệt thòi, hi sinh thầm lặng của họ. Tuy vậy, những câu thơ bật ra không phải là những khó khăn mà lại là những câu thơ tràn đầy khí thế trước cảnh sắc thiên nhiên, đất nước và tình người.

Nhớ lại quãng thời gian viết bài thơ, nhà báo Dương Kiềm cho biết: “Ngày ấy, chúng tôi muốn lên Leng Su Sìn thì phải đi bộ từ huyện lỵ Mường Tè gần 7 ngày mới đến và đi thêm 2 ngày nữa mới lên được A Pa Chải. Thời điểm đó, BÐBP vô cùng cực khổ và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Song, những người lính Biên phòng luôn được dân bản thương yêu, đùm bọc”.

Những địa danh gắn liền với những miền biên cương, biển đảo như: Ngã ba A Pa Chải, Mường Pồn, Mường Hung, sông Mã, sông Sê Băng Hiêng, Nậm Sốt, Cửa Tùng, Cửa Sót... được nhà báo Dương Kiềm đưa vào bài thơ cho thấy chiều dài biên giới, biển, đảo - nơi ghi dấu chân những người chiến sĩ Biên phòng đang ngày, đêm canh giữ biên cương và biển, đảo đất nước. Cả bài thơ cho ta thấy hình tượng người lính biên phòng sừng sững, đồ sộ như một ngọn núi.

“Qua mỗi lần đi thực tế, điều tôi cảm nhận được chính là thế đứng kiêu hãnh của người chiến sĩ biên phòng trước núi non trùng điệp, biển cả bao la. Ðặc biệt là những tâm tư, tình cảm của người lính biên phòng luôn hướng về quê hương, đất nước. Chính vì nghĩ đến quê hương nên với họ, gian khổ đến mấy cũng không hề gì” - Tác giả Dương Kiềm trải lòng.

Có thể nói, bằng ngôn ngữ thơ, Dương Kiềm đã xây dựng nên tượng đài người chiến sĩ biên phòng hiên ngang, oai hùng, luôn chắc tay súng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong một lần trò chuyện, nhạc sĩ Văn Dung thổ lộ, năm 1976, ông thực hiện chuyến đi thực tế Tây Bắc để được gặp, được nghe những câu chuyện cảm động về những tấm gương người chiến sĩ biên phòng, nhưng mãi ông vẫn chưa có được sáng tác nào về BÐBP. 20 năm sau, năm 1996, một sự tình cờ như là cơ duyên, ông bắt gặp được bài thơ của tác giả Dương Kiềm nên đã đồng cảm, viết nhạc cho bài thơ.

Cho đến nay, ca khúc “Mùa xuân cho em” vẫn được các Ðoàn Văn công BÐBP, Quân khu 2 và các chiến sĩ biểu diễn, để nhắc người Việt Nam nhớ đến những người chiến sĩ biên phòng và thêm trân trọng cuộc sống bình yên đang hiện hữu trên khắp dải biên cương của Tổ quốc.

T.K (theo bienphong.vn)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/176134/boi-hoi-nho-%E2%80%9Cmua-xuan-bien-cuong%E2%80%9D