Bồi hồi tiếng mõ Quỳnh Trân
Dòng người nối đuôi nhau vào chùa Mõ (thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc) để chầu lễ. Đây là ngôi chùa cổ nhất được dựng tại khu đất bên sông Văn Úc.
Chúng tôi theo con đò rẽ vào sông Văn Úc (nhánh sông Thái Bình) bên những đường hoa cỏ trắng muốt. Tiếng mõ từ bên làng Ngũ Phúc (Kiến Thụy-Hải Phòng) mỗi lúc một dồn dập. Mấy người đi chợ nói năm nay Ngũ Phúc được mùa to. Họ đi trẩy hội mùa xuân. Làn điệu chèo rộn ràng chào đón khách bốn phương trở về dâng hương tưởng nhớ đến công chúa Quỳnh Trân. Bà là người đã khai thiên lập địa nên mảnh đất trù phú này.
Mối tình tuyệt vọng nơi cung cấm
Dòng người nối đuôi nhau vào chùa Mõ (thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc) để chầu lễ. Đây là ngôi chùa cổ nhất được dựng tại khu đất bên sông Văn Úc. Sau đó hình thành khu dân cư vùng năm xã chung quanh. Chúng tôi dừng chân bên cây gạo đã hơn 700 năm do chính tay công chúa Quỳnh Trân trồng từ khi mới dựng am tu hành. Ngay cạnh cây hoa gạo cổ đại có một tấm bia đá khắc hơn ngàn chữ.
Tấm bia ký kể lại câu chuyện về cuộc đời truân chuyên của công chúa Quỳnh Trân và công đức của bà với dân làng Ngũ Phúc. Câu chuyện ngỡ như cổ tích nhưng lại có thật vào thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278).
Tương truyền công chúa Quỳnh Trân được sinh ra đúng như trong giấc mộng của vua cha Trần Thánh Tông. Người ta kể ngay khi mới sinh, công chúa đã có nhan sắc tuyệt mỹ. Lời xưa ghi lại rằng: “Sắc như bình bạc. Mặt tựa gương báu. Thân thể vẻ hoa nở sáng trăng; Dung nghi giống như xuân sơn, thu thủy, vẻ người đoan chính”. Vua cha đặt cho cái tên là A nương Quỳnh Trân.
Công chúa càng lớn lên càng xinh đẹp và làm bao công tử trong triều mộng ước uyên ương. Trong đó có chàng Trần Quốc Nghiễn, con trai của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đem lòng yêu mến và muốn lấy Quỳnh Trân làm vợ. Chàng đã nói với cha dạm hỏi nhà vua để cưới Quỳnh Trân.
Nhưng trớ trêu thay, trái tim công chúa Quỳnh Trân trước đó đã rung động và trao gửi tình cảm cho Trần Khánh Dư. Đây là một tướng trẻ có công đánh giặc Nguyên xâm lược nước ta (năm 1257) và đã được Vua Trần Thánh Tông nhận làm con nuôi. Hai người yêu nhau ngày càng mặn nồng và họ có mộng ước trăm năm.
Nhưng mọi chuyện bỗng dừng lại khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ngỏ lời với Vua Trần Thánh Tông muốn đưa Quỳnh Trân về làm dâu con trong nhà. Vua đành nhận lời cho dù biết rằng con gái sẽ vô cùng đau khổ khi phải chia tay mối tình say đắm của mình.
Một đám cưới đã được tổ chức. Công chúa Quỳnh Trân gạt nước mắt nhìn Trần Khánh Dư dằn vặt trong chia ly. Nàng về nhà chồng nhưng hồn xiêu phách lạc chốn nao. Tình yêu của nàng với Trần Khánh Dư vẫn luôn day dứt khôn nguôi.
Không thể dừng lại khi tình yêu vẫn nồng nàn cháy bỏng, công chúa Quỳnh Trân và tướng Trần Khánh Dư lén lút hẹn hò. Mỗi lần gặp lại thêm vấn vương. Họ lại thề non hẹn biển trong khổ đau. Tình yêu làm họ mù quáng thảm thương.
Quân sĩ nhà chồng bắt quả tang và Trần Khánh Dư bị tước quân tịch, nhận đòn đánh đến suýt mất mạng. Nhưng do được lệnh ngầm của Vua Trần Nhân Tông (em của Quỳnh Trân mới lên ngôi), quân sĩ chỉ đánh Trần Khánh Dư ngất xỉu rồi lén đuổi về quê sinh sống. Trong khi đó Quỳnh Trân bị gia đình nhà chồng nhốt trong cung cấm. Hôn nhân coi như tan vỡ. Nàng bị bỏ rơi.
Câu chuyện chưa dừng lại khi hơn 20 năm sau, quân Nguyên lăm le xâm lược nước ta lần thứ hai. Trần Khánh Dư lại được triệu về thành nhậm chức Phó đô tướng quân chỉ huy đánh giặc. Tuy thời gian đã trôi qua khá dài nhưng tình cảm giữa Quỳnh Trân và Trần Khánh Dư vẫn còn quyến luyến nhớ thương. Cuộc tình lại được chắp nối. Họ lại vụng trộm hẹn hò tơ vương bao nỗi.
Việc này ngay lập tức bị phát hiện. Vua Trần Nhân Tông vì đại cục cuộc chiến nóng bỏng và giữ thể diện cho vương triều nên đã ra lệnh cho Quỳnh Trân phải rời xa kinh thành. Vua đã ép chị mình xuất gia ở một nơi hoang vắng trên một gò đất cao bên sông Văn Úc. Một am nhỏ đã mọc lên và từ đó Quỳnh Trân đậu bến tu hành (1283).
Chùa Mõ và đền Mõ
Người hướng dẫn viên nói cái am nhỏ xưa chính là ngôi chùa rộng lớn được xây dựng như hiện nay. Rồi ông kể tiếp câu chuyện bên cây gạo đang trổ những búp tơ. Dân làng Ngũ Phúc này là do công chúa Quỳnh Trân gọi về. Đầu tiên bà cho mở một khu chợ bên sông. Người tứ xứ thấy nơi đây có ngôi chùa thanh tịnh nên quy tụ về mở đất chung quanh khu gò cao.
Một thời bà đã dùng tiếng mõ để điều hành công việc và sinh hoạt của dân Ngũ Phúc. Khi ra đồng hay khi ăn uống nghỉ ngơi, dân làng đều theo quy định tiếng mõ của nhà chùa. Ngay cả khi nạn cướp trộm xảy ra, tiếng mõ dồn dập cũng là hiệu lệnh tập họp khẩn cấp của dân làng.
Đời sống dân làng ổn định và ấm no. Dần dần một làng rồi hai ba làng hình thành. Xã Ngũ Phúc ra đời từ đó. Ngôi chùa được mọi người gọi bằng cái tên thân thương là chùa Mõ.
Sau này, cả năm xã quanh vùng đều được hưởng lộc của công chúa Quỳnh Trân. Họ được hưởng miễn thuế trong một thời gian dài và tự do mở mang đất đai canh tác. Sau khi công chúa Quỳnh Trân tạ thế (3/11/1308), người dân tôn bà làm thánh và dựng đền thờ (đền Mõ) bên cạnh chùa Mõ.
Hiện đền Mõ còn giữ 11 sắc phong của những triều đại đã tôn vinh bà. Trong đó có chiếu chỉ của Vua Trần Anh Tông (1283-1314) phong bà với chức sắc “Trần triều A nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa”. Người dân quanh năm xã đều tôn công chúa là bà Chúa Mõ. Lễ rước bài vị “Chúa Mõ” được diễn ra hằng năm vào ngày 12/2 âm lịch.
Điều đặc biệt gắn với sự ra đời của chùa Mõ là cây gạo do công chúa Quỳnh Trân trồng được gắn bằng Di sản quốc gia. Cây gạo cao hơn 30 mét và có gốc cây cổ thụ mười người bao ôm. Nó được xác lập kỷ lục già nhất ở nước ta với 735 năm tuổi. Người hướng dẫn bất ngờ đọc những câu thơ của danh sỹ Nguyễn Thông viết khi tới đây. Lời thơ chất chứa nét thâm trầm và khí phách của Quỳnh Trân qua bài vịnh bên cây gạo.
Giọng người hướng dẫn viên ấm áp ngân vang: “Bao triều đại chìm vào quá khứ/ Những đền đài, thành quách đã nên rêu/ Cả những bậc quân vương từng ngạo nghễ/ Chẳng để lại gì trong nấm cỏ tiêu điều/ Ta sống với nhân dân giữa xanh tươi đồng ruộng/ Bảy tám trăm năm như chớp mắt sá gì/ Hoa vẫn nở tháng ba từ dạo ấy/ Thuở Quỳnh Trân công chúa rủ ta đi/ Gốc có vững mới mong dân thờ cúng/ Nén hương thơm, thơm ngát cả bốn mùa/ Trăm trận bão có khi cành tan tác/ Càng thương cụ từ già thao thức suốt đêm khuya”.
Dân làng còn kể hồn bà Chúa Mõ vẫn hiện về phù hộ cho mùa màng tươi tốt. Thường vào cuối xuân, tán hoa gạo đỏ rợp trời tựa tấm áo cà sa che chở khắp dân quê. Những sợi bông tung tỏa đậu trên đường làng trắng như tuyết vậy. Trong làng vẫn truyền tụng câu ca: “Bông trắng bay rợp trời/ Hoa và hoa rực rỡ/ Tình người luôn thắm đỏ/ Gieo lộc đời sinh sôi”. Nhiều đôi hiếm muộn thường tìm về chùa lấy ít vỏ cây gạo thần về sắc uống sẽ hiệu nghiệm. Chính vì thế cây gạo còn được gọi là cây Phúc.
Những làn điệu chèo bên sông
Người hướng dẫn còn cho biết vào những năm giặc Mỹ đánh phá Hải Phòng, chùa Mõ chính là nơi đóng quân của đơn vị phòng không. Cây gạo xanh tốt xum xuê che chở cho những chiến sĩ kiên cường chiến đấu bảo vệ thành phố biển anh hùng.
Giờ đây sân chùa đã dành cho những lễ hội rước bà cùng những chiếu chèo rộn ràng mỗi mùa xuân về. Nhịp phách tre chính là nhịp mõ của công chúa Quỳnh Trân nhập về trong những làn điệu vui tươi. Những đội chèo trong xã thay nhau tập luyện ở sân chùa và sân đình. Đó chính là những ngôi nhà văn hóa cổ kính luôn vang vọng hồn quê.
Ở đây họ đều hát những làn điệu mời trầu đón khách rộn ràng. Lời xưa đâu đó gọi mời rằng: “Người về dọn quán bán hàng/ Để tôi là khách qua đàng vào chơi/ Mỗi người mỗi chốn mỗi nơi/ Gặp nhau ta kết thành đôi vợ chồng…”. Phải chăng đó là giấc mơ về hạnh phúc mà bà Chúa Mõ đã để lại. Một ước vọng về tình yêu trọn vẹn và một đời sống chết vì nhau. Những tiếng mõ vẫn đều đều niệm Phật. Chúng tôi như chìm trong một thế giới âm thanh mộc mạc vang lên như tiếng tình yêu bay trong gió lộng sông trôi.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/boi-hoi-tieng-mo-quynh-tran-623155/