Bối rối khi học trò dậy thì sớm
Không ít học sinh tiểu học đã lớn phổng phao khi dậy thì sớm và phải tự chống chọi với những thay đổi trong người. Các em thắc mắc rất nhiều về giới tính, trong khi những kiến thức trong sách vở vẫn chưa đủ để các em có thể hiểu rõ về vấn đề này. Thế nên, nhiều phụ huynh mong muốn cần đưa nhiều thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản vào chương trình học đường để các em có sự chuẩn bị.
Chị Thanh Hường, một phụ huynh có con học Trường tiểu học Quang Trung, TP. Huế đã “đứng hình” khi thấy con gái đang đọc truyện tranh 18+. Từ một đứa trẻ hiền lành, học giỏi, nhưng từ khi lên lớp 5, con gái chị thay đổi tính nết, trở nên ương bướng. Con bé cao gần 1,6m, vượt trội so với bạn và bắt đầu muốn làm điệu. Không ít lần chồng chị nổi cơn thịnh nộ, đánh con nhưng bé càng lì lợm, bất cần. Trao đổi với cô giáo, chị càng buồn hơn khi con hay nổi nóng với bạn, người mệt mỏi và không tập trung vào bài học.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng trẻ dậy thì sớm đang tăng gấp 35 lần so với 10 năm trước đây, khi bị tác động bởi rất nhiều yếu tố. Dậy thì sớm ở lứa tuổi tiểu học đang là nỗi lo thường trực của giáo viên, nhất là ở những trường có tổ chức bán trú. Do cơ sở vật chất còn thiếu nên ở nhiều trường tiểu học, học sinh nam và nữ được ngủ chung, thậm chí nằm xen kẽ (để đỡ nói chuyện) trong lớp. Phòng học thường giăng tấm vải để phân chia nơi thay áo quần cho học sinh, dù nhiều em nam đã vỡ tiếng, còn các em nữ đã phổng phao. Một giáo viên tiểu học bộc bạch, buổi trưa họ thường phải đi vòng quanh các lớp, quan sát cả khu vệ sinh để đảm bảo không có chuyện gì xảy ra với học sinh.
Theo nhiều giáo viên chủ nhiệm, ở trung học cơ sở thường xuất hiện tình trạng học sinh nữ lập nhóm để chia sẻ những vấn đề về giới tính. Tuy nhiên, các em mới chỉ tiếp cận vấn đề giáo dục giới tính dưới góc độ sinh học. Nghĩa là, vẫn chưa hiểu hết về tính nguy hiểm của hành động xâm hại hay xử lý tình huống nguy hiểm để tự bảo vệ mình. Ngoài vấn đề thiếu tài liệu giảng dạy phù hợp, sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong giáo dục giới tính vẫn chưa chặt chẽ.
Giáo viên đứng lớp chưa có kinh nghiệm, vẫn có tâm lý “ngại ngùng” nên khó để tư vấn, giải thích rõ ràng những thắc mắc của học sinh về giới tính. Mong muốn của không ít học sinh là muốn được truyền tải những kiến thức về giới tính thực tế hơn, “đời” hơn. Còn phụ huynh cũng rất hạn chế khi nhắc đến những vấn đề liên quan về giới tính hay tình dục. Thế nên, không ít em phải lựa chọn phim ảnh, internet để giải đáp tò mò và hệ lụy thật khó lường.
Trở lại câu chuyện có con ở tuổi dậy thì sớm, chị Hường cho biết: “Tôi cứ thủ thỉ với con về những giới hạn được phép và không được phép chạm vào các bộ phận trên cơ thể mình. Tôi muốn con có kiến thức thay vì cứ để con phát triển một cách tự nhiên. Rồi tôi khuyến khích con chơi thể thao, đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách dành cho tuổi mới lớn nên con gần gũi với mẹ hơn”. Đã có không ít phụ huynh chịu khó đầu tư các khóa học dành cho phụ huynh có con ở tuổi dậy thì để đồng hành cùng con.
Xuất phát từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, giảng dạy về giáo dục giới tính cần triển khai nghiêm túc với sự đồng hành giữa nhà trường – gia đình. Phải xem đây là bộ môn khoa học chính thống, bởi, mỗi khi có kiểm tra đánh giá thì học sinh mới học nghiêm túc. Tất nhiên, để có thể trở thành môn học độc lập cần có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, cơ sở vật chất đảm bảo, nhất là chương trình xây dựng phải phù hợp và hiệu quả cho từng nhóm học sinh.