Bồi thường thiệt hại sau tai nạn giao thông làm sao cho thấu lý đạt tình?
Việc quy định giảm nhẹ cho người bồi thường thiệt hại sau tai nạn giao thông nhằm thúc đẩy người vi phạm chủ động sửa sai, đồng thời mở ra cơ hội giải quyết vụ việc một cách thấu tình đạt lý hơn.
Theo Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cả nước có hơn 10.000 trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) năm 2024 (số liệu này chưa bao gồm các trường hợp chết do di chứng chấn thương).
Trong bối cảnh đó, việc xác định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại không chỉ là giải pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bị hại, mà còn là cách thiết thực nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân, xây dựng văn hóa giao thông an toàn và bền vững.
PLO ghi nhận ý kiến của luật sư về quy định và ý nghĩa của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ TNGT.
Luật sư ĐỖ KHẮC TẤT HƯNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Bồi thường thiệt hại sau TNGT là nghĩa vụ pháp lý

Luật sư Đỗ Khắc Tất Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM
Tai nạn giao thông (TNGT) là vấn đề nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Khi TNGT xảy ra, người được xác định có lỗi thường phải bồi thường cho nạn nhân.
Việc bồi thường của bên có lỗi cho bên bị thiệt hại/nạn nhân không chỉ là hành động mang tính chủ động khắc phục của người có lỗi, mà còn là trách nhiệm theo quy định của luật.
Theo điểm b khoản 1 Điều 83 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ năm 2024, người gây TNGT tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời phải bồi thường nếu gây thiệt hại.
Bi kịch chồng bi kịch
Ngày 4-9-2024 xảy ra vụ TNGT tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long giữa xe tải và xe đạp điện làm bé Bảo Trân 14 tuổi tử vong.
Hơn 4 tháng sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do "không có sự việc phạm tội".
Cha bé Trân khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án; ngày 10-2-2025 và ngày 14-3-2025, VKS hai cấp tỉnh Vĩnh Long đều bác khiếu nại của ông.
Đến ngày 28-4 thì xảy ra sự việc cha của Trân đến nhà nổ súng vào tài xế xe tải rồi tự sát.
Vụ việc để lại bài học đau xót về việc xử lý hậu quả các vụ TNGT; về nhu cầu minh bạch, thấu hiểu và sẻ chia với những người bị tổn thương sâu sắc...
Về trách nhiệm hình sự, người gây ra TNGT có thể bị xử lý theo Điều 260 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ. Ngoài ra, BLHS còn quy định một số tội liên quan đến hành vi tham giao giao thông khác như tội cản trở giao thông (Điều 261), tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng không đảm bảo an toàn (Điều 262); và các tội danh khác được quy định tại các điều 263, 264, 265, 266.
Về trách nhiệm dân sự, Điều 584 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định rằng người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng, lỗi hoàn toàn của người bị hại hoặc theo thỏa thuận khác giữa các bên... Dù nghĩa vụ bồi thường, khắc phục hậu quả là trách nhiệm được pháp luật quy định, nhưng trên thực tế không phải ai cũng tự nguyện thực hiện do tâm lý sợ hãi, né tránh hoặc khó khăn tài chính...
Trong thực tiễn hành nghề, tôi đã nhiều lần tham gia tư vấn hoặc chứng kiến các vụ án, trong đó có trường hợp mà bị cáo được HĐXX giảm xuống một khung hình phạt, hoặc có trường hợp đã được cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra nhưng bị hại đã tự nguyện rút yêu cầu khởi tố do đã được bồi thường theo thỏa thuận, dẫn đến việc đình chỉ điều tra theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015.
Như vậy, việc chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bồi thường và khắc phục hậu quả, cũng như đạt được thỏa thuận với nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân, là yếu tố quan trọng, thậm chí có tính quyết định đến kết quả giải quyết vụ việc TNGT.

Bồi thường thiệt hại sau TNGT không chỉ giúp người phạm tội giảm nhẹ hình phạt mà còn mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc. Ảnh minh họa: Hiện trường vụ TNGT khiến 1 nữ sinh tử vong Vĩnh Long
Luật sư PHÙNG THỊ HUYỀN, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Giá trị nhân văn trong việc bồi thường thiệt hại

Luật sư Phùng Thị Huyền, Đoàn Luật sư TP.HCM
Trong pháp luật hình sự, việc người phạm tội chủ động bồi thường thiệt hại ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết vụ án. Cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét việc chủ động bồi thường thiệt hại là các tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” theo điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS, “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” theo điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.
Trong một số trường hợp, người bị hại hoặc gia đình người bị hại có thể làm đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội (tên gọi khác thường được dùng là “đơn bãi nại”). Tình tiết này có thể được Tòa án xem xét như tình tiết giảm nhẹ khác theo khoản 2 Điều 51 BLHS.
Căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ được hưởng, người phạm tội có thể được Tòa án xem xét tuyên dưới khung hình phạt được áp dụng hoặc hưởng án treo theo các Điều 54 và Điều 65 BLHS.
Về góc độ xã hội, pháp luật không chỉ là các quy tắc cứng nhắc, mà còn phản ánh những giá trị nhân văn trong ứng xử con người. Việc quy định giảm nhẹ không đồng nghĩa với bao che, mà nhằm thúc đẩy người vi phạm chủ động sửa sai, đồng thời mở ra cơ hội giải quyết vụ việc một cách thấu tình đạt lý hơn. Sự chủ động xin lỗi, bồi thường, chia sẻ mất mát với nạn nhân là biểu hiện rõ ràng của trách nhiệm, đạo lý, và được pháp luật ghi nhận như một yếu tố giảm nhẹ theo quy định tại BLHS và các văn bản hướng dẫn.
Từ góc độ người bị hại, khi nhận được sự thành khẩn, bù đắp kịp thời, họ không chỉ được hỗ trợ vật chất mà còn được xoa dịu về tinh thần, giảm bớt cảm giác bất công hay tổn thương sâu sắc.
Là luật sư, tôi hiểu rõ bồi thường trong tai nạn giao thông không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là cầu nối để chữa lành những tổn thương – cả vật chất lẫn tinh thần – bằng sự bao dung và lòng người.
Luật sư TRẦN THỊ THANH THẢO, Đoàn Luật sư TP.HCM
Bồi thường và bãi nại không loại trừ khởi tố hình sự

Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM
Cần làm rõ, không phải mọi vụ TNGT đều có thể tránh khởi tố chỉ vì có đơn bãi nại từ phía bị hại.
Điều 155 BLTTHS 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của BLTTHS quy định một số trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Tuy nhiên, hành vi điều khiển phương tiện gây TNGT chết người không thuộc nhóm tội danh chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại.
Do đó, dù người gây tai nạn đã bồi thường thiệt hại và gia đình nạn nhân có đơn bãi nại, cơ quan tố tụng vẫn tiến hành khởi tố vụ án theo quy định nếu thuộc 1 trong 2 trường hợp: vụ tai nạn có thiệt hại về tính mạng con người và người gây tai nạn có lỗi vi phạm giao thông; hoặc khi chưa xác định rõ lỗi do ai thì cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án để điều tra làm rõ rồi mới quyết định khởi tố bị can hoặc đình chỉ.
Việc bồi thường và bãi nại trong trường hợp này chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ cho người gây tai nạn khi cơ quan chức năng giải quyết vụ việc.
Bồi thường và sự thấu hiểu của hai bên
Anh NVT, công nhân tại TP.HCM:
Chân thành bồi thường, dễ được tha thứ
Hơn một năm trước, tôi từng gây ra một vụ TNGT do mất tập trung tại ngã tư, khiến một người đi xe máy bị thương phải nhập viện điều trị. Các vết thương để lại những hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến ngoại hình của người bị tai nạn.
Ban đầu, tôi rất sợ nên không dám đến xin lỗi. Tuy nhiên, sau đó có người đã động viên tinh thần tôi, phân tích thiệt hơn của việc chủ động nhận trách nhiệm. Tôi đã đến thăm hỏi và phối hợp với cơ quan chức năng, đồng thời bồi thường toàn bộ chi phí điều trị, thu nhập bị mất và hỗ trợ thêm cho gia đình nạn nhân. May mắn là phía bị hại cảm thông và không đưa vụ việc ra tòa.
Qua sự việc này, tôi thấm thía rằng bồi thường bằng sự chân thành sẽ khiến người bị hại dễ tha thứ cho những tổn thất mà tôi đã gây ra cho họ.
Chị LTTP, nhân viên văn phòng tại TP.HCM:
Sự chân thành chữa lành các vết thương
Khoảng ba tháng trước, tôi bị một TNGT khủng khiếp. Chiếc xe ô tô phía sau ủi tới chỗ tôi đang dừng xe chờ đèn đỏ. Tôi nhập viện cả tháng trời trong tình trạng bết bát, còn chiếc xe bị hư hỏng nghiêm trọng.
Cả tháng tôi nằm viện, người gây ra tai nạn thường xuyên thăm hỏi, động viên và xin lỗi tôi qua điện thoại bởi khi đó anh cũng gặp nhiều khó khăn cá nhân; anh ấy nhờ người thân trực tiếp đến thăm hỏi và gửi một phần bồi thường.
Sau đó, anh ấy đã trực tiếp đến xin lỗi và chủ động thỏa thuận bồi thường chi phí điều trị và sửa chữa xe...
Rất may là tôi đã hồi phục. Vì sự chân thành nhận lỗi của anh mà tôi đã bỏ qua và quyết định giải quyết êm đẹp, tránh được căng thẳng phải nhờ đến pháp luật can thiệp.