'Bơi' trong biển lửa cứu người là có thật
Xé toang biển lửa, Nguyễn Viết Quân cùng đồng đội đã giúp 4 người dân giữ được mạng sống trước tử thần trong đêm 18/7.
Cõng người gặp nạn vượt biển lửa
Tìm đến Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trưa 18/7 khi đó Thượng úy Nguyễn Viết Quân và đồng đội mới trở về đơn vị sau đám cháy tại số nhà 378 phố Phúc Tân. Thượng úy Quân chính là người lao vào “biển lửa” cõng ông Đỗ Đức Kiện đang dần ngất lịm thoát ra ngoài.
Nhớ lại vụ cháy trong đêm, Thượng úy Quân cho biết, khi đang trực ở đơn vị cùng đồng đội thì khoảng gần 1 giờ sáng (ngày 18/7), tiếng chuông báo động của đơn vị réo vang.
“Tin báo cháy tại địa chỉ số 378 phố Phúc Tân nhanh chóng được Đại úy Trần Quốc Oai, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC thông báo, yêu cầu đơn vị khẩn trương di chuyển đến hiện trường để tham gia chữa cháy, cứu hộ cứu nạn...”, Thượng úy Quân nhớ lại.
Rất nhanh chóng, đội hình triển khai công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn gồm 27 cán bộ chiến sĩ của đơn vị cùng với 2 xe chữa cháy đã khẩn trương có mặt tại địa điểm cháy. Khi đến nơi, cửa chính tầng 1 của ngôi nhà khóa bên trong và bao trùm bởi ngọn lửa.
“Diện tích tầng 1 của ngôi nhà khoảng 30m2 đã bị lửa bao phủ. Lửa và khói từ tầng 1 lan lên trên tầng 2, 3 và 4 của ngôi nhà. Vì vậy, đường thoát duy nhất của những người dân trong ngôi nhà là chạy ngược lên trên để cầu cứu...”, Thượng úy Quân chia sẻ.
Cùng với đồng đội sử dụng vòi rồng khống chế đám cháy, Thượng úy Quân tìm cách tiếp cận tầng 2 và 3, tầng 4 của ngôi nhà - nơi xuất hiện những tiếng kêu cứu.
“Cánh cửa tầng 1 của ngôi nhà nhanh chóng bị phá, chúng tôi lao vào biển lửa và chạy lên tầng 2. Khói mù mịt, đêm hôm hệ thống điện bị chập, cháy càng khiến cho công tác tìm kiếm khó khăn…”, Thượng úy Quân kể.
Theo Thượng úy Quân, khi tiếp cận tầng 2, anh cùng đồng đội phát hiện bà Nguyễn Lan Anh (54 tuổi) tại phòng ngủ bị bỏng nhẹ có biểu hiện hoảng loạn. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã khẩn trương dùng khăn ướt, làm biện pháp chống ngạt khói và nhanh chóng đưa ra ngoài an toàn.
Lúc này, trong ngôi nhà trên vẫn còn người cùng tiếng kêu cứu, Thượng úy Quân tìm cách di chuyển lên tầng thượng và phát hiện ông Đỗ Đức Kiện (59 tuổi) bị bỏng và có biểu hiện dần ngất lịm.
“Nếu không được sơ cứu kịp thời thì cho dù có đưa được ông Kiện xuống phía dưới thì nạn nhân cũng sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi sơ cứu, tôi cõng ông Đỗ Đức Kiện di duyển ra ngoài an toàn…”, Thượng úy Quân nhớ lại.
Cùng thời điểm trên, các đồng đội của Thượng úy Quân cũng di chuyển bé Đỗ Chí Bằng (8 tuổi) bị bỏng nặng và hướng dẫn chị Đỗ Linh Chi (29 tuổi) ra ngoài an toàn. Các nạn nhân sau đó được đưa đi bệnh viện sơ cứu, riêng cháu Đỗ Chí Bằng được đưa đi Bệnh viện 103 cấp cứu kịp thời qua cơn nguy kịch.
Đến khoảng 1 giờ 5 phút cùng ngày (18/7), đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra thiệt hại về người và cháy lan sang các khu vực xung quanh, bảo đảm an toàn cho lực lượng làm công tác cứu nạn cứu hộ.
Chia sẻ về giây phút “xé lửa” cứu người, Thượng úy Quân cho biết: “Lúc đó, không kịp nghĩ gì, chỉ mong sớm tìm, đưa nạn nhân ra ngoài an toàn.”
Dũng cảm và mưu trí
Đại tá Hà Mạnh Hùng - Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, trong vụ cháy vừa qua lực lượng Cảnh sát PCCC của đơn vị nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, hiệu quả của Công an quận Ba Đình và người dân trong khu vực.
Các cán bộ chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ đã nêu cao, phát huy tinh thần, ý chí, quyết tâm hết mình vì nhân dân phục vụ. Hình ảnh của những cán bộ chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, xông vào biển lửa, khói độc, đưa những người dân gặp nạn ra ngoài an toàn đã khiến người dân vô cùng xúc động.
Đại tá Hùng tiết lộ, hơn 11 năm qua, Thượng úy Quân cùng đồng đội tham gia dập tắt, cứu hộ cứu nạn thành công rất nhiều vụ hỏa hoạn. Đối với chỉ huy và cán bộ chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, đó là nhiệm vụ, trách nhiệm và danh dự, mệnh lệnh từ trong trái tim và Thượng úy Nguyễn Viết Quân tiêu biểu cho hình ảnh đẹp đó.
Dẫu vậy, khi nhắc đến cháy nổ, Thượng úy Quân không khỏi lo lắng, trầm ngâm, mong rằng không còn phải nghe những tiếng chuông báo cháy.
“Đã xảy ra cháy nổ thì dù có cứu được người thì cũng thiệt hại ít nhiều và thậm chí rất lớn về tài sản. Hậu quả cháy rất khủng khiếp. Mỗi người dân chúng ta hãy tự nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy, thay đổi từ chính những thói quen, nếp sinh hoạt tưởng chừng như đơn giản như khóa van gas khi nấu ăn xong, không thắp hương khi vắng nhà, hệ thống điện không được câu, nối dẫn tới quá tải… điều đó cũng góp phần phòng ngừa rất lớn cháy, nổ...”, Thượng úy Quân trăn trở.
Ngay trong ngày 18/7, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi Công an TP Hà Nội và các đơn vị, cá nhân đã kịp thời cứu 4 nạn nhân ra khỏi đám cháy xảy ra tại số nhà 378 Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
“Các đồng chí đã mưu trí, dũng cảm, không sợ hiểm nguy, gian khổ, kịp thời dập tắt đám cháy và giải cứu kịp thời 4 nạn nhân, đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân, thể hiện tinh thần, trách nhiệm với nhân dân, để lại hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân. Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam...”, trích thư của Bộ trưởng Bộ Công an.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Cục Công tác đảng và công tác chính trị chủ trì phối hợp với Công an TP Hà Nội đề xuất lãnh đạo Bộ có hình thức khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH. Đồng thời, biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong Công an nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng lưu ý, công an các tỉnh, thành phố chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các biện pháp PCCC và cứu nạn cứu hộ bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/boi-trong-bien-lua-cuu-nguoi-la-co-that-post601401.html