BoJ duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ nền kinh tế

Ngày 17/9, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. Ảnh: EPA/TTXVN

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 17/9, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Quyết định được đưa ra chỉ một ngày sau khi tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nhậm chức.

Trong tuyên bố đưa ra sau khi kết thúc 2 ngày họp chính sách, BOJ thông báo duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở quanh mức 0%. BOJ cũng sẽ tiếp tục các biện pháp hỗ trợ vốn cho các công ty đang gặp khó khăn.

Trong khuôn khổ chương trình mua tài sản quy mô lớn, BOJ sẽ tiếp tục mua vào không giới hạn trái phiếu chính phủ từ các tổ chức tài chính và mua vào chứng chỉ quỹ giao dịch ngoại hối (ETF) ở mức tối đa 12.000 tỷ yen (114 tỷ USD)/năm.

BOJ cũng sẽ đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tài chính công ty, theo đó cung cấp các quỹ giá rẻ cho các ngân hàng mở rộng các khoản cho vay không lãi suất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn; mua lại tới 20.000 tỷ yen các trái phiếu công ty và hối phiếu thương mại từ các chủ nợ để bảo đảm khả năng thanh khoản tốt trong hệ thống ngân hàng.

Trước đó, ngày 16/9, tân Thủ tướng Suga đã nhậm chức với cam kết tiếp tục thúc đẩy các chính sách kinh tế Abenomics của người tiền nhiệm Shinzo Abe, với ba trụ cột chính là chính sách tiền tệ siêu lỏng, tăng cường chi tiêu công và cải cách cơ cấu.

Tháng 4/2013, ngay sau khi nhậm chức, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda triển khai chương trình "bơm" tiền ồ ạt vào nền kinh tế trong khuôn khổ chính sách mới mang tên Abenomics của Thủ tướng Abe.

Chính sách tiền tệ siêu lỏng này đã giúp giảm giá đồng yen và thúc đẩy thị trường chứng khoán, song vẫn chưa đạt mục tiêu tăng tỷ lệ lạm phát lên mức 2% sau khoảng 2 năm.

Giới phân tích nhận định lạm phát ở Nhật Bản khó có thể tăng trong thời gian tới do tác động của dịch COVID-19./.

Đào Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/boj-duy-tri-chinh-sach-tien-te-sieu-long-de-ho-tro-nen-kinh-te/169898.html