Bolaji Oseni: Từ nhà vô địch U17 World Cup đến vua phá lưới V.League
Ít nhất, Bolaji Oseni đã chứng minh cho tất cả thấy rằng cầu thủ châu Phi đến V.League không chỉ toàn những gã thất nghiệp, cũng có người từng vô địch thế giới như chính Oseni.
Hàng trăm ngoại binh đến V.League là hàng trăm câu chuyện “hỉ, nộ, ái, ố” khác nhau. Hẳn chúng ta cũng có chút “giật mình” khi hay tin trung vệ Danny van Bakel thừa nhận không hề thi đấu cho CLB PSV Eindhoven danh tiếng tại Hà Lan. Cựu tiền đạo Patrick Cruz của CLB Sài Gòn cũng không quá thân thiết với Neymar như danh xưng…
Nhưng Bolaji Oseni thì khác, gần một thập kỷ ra sân tại V.League, ít ai nghe được những màn “quảng cáo” hoành tráng của cầu thủ người Nigeria. Mãi đến khi Oseni lên ngôi vô địch trong màu áo CLB Hà Nội, một quá khứ đầy huy hoàng và vinh quang của tiền đạo này mới được nhắc lại.
Quá khứ huy hoàng của Oseni
Hóa ra, trước khi đặt chân đến Việt Nam, Oseni từng là niềm hy vọng rất lớn của bóng đá Nigeria. Duy chỉ có điều, ở quê nhà, chẳng ai biết Oseni là một tiền đạo, đơn giản bởi anh được đào tạo ở vị trí hậu vệ biên.
Cầu thủ sinh năm 1991 lớn lên ở thành phố Osgobo, một vùng đất rộng khoảng 47 km2 và chỉ có dân số chưa đến 400.000 người. Gia đình Oseni thuộc diện “khá giả” khi bố là nhà thầu xây dựng, còn mẹ là tiểu thương ở chợ.
Mọi chuyện bắt đầu từ khi người bố quyết định tặng Oseni một trái bóng. Sức học của anh sa sút thê thảm, thay vào đó là những giờ chơi bóng miệt mài. Cuối cùng, gia đình chấp nhận để cậu con trai của mình khởi nghiệp ở CLB nổi tiếng Prime. Đây cũng là bệ phóng, cũng được triệu tập lên tuyển U17 Nigeria dự World Cup nhờ màn thể hiện ấn tượng ở hàng phòng ngự.
Kỳ U17 World Cup 2007 trên đất Hàn Quốc ghi đấu hành trình “không thể tin nổi” của Nigeria. Nằm ở bảng D cùng Nhật Bản, Pháp và Haiti, đại diện lục địa đen đã tạo nên cú sốc cực lớn ngay ở lượt đấu đầu tiên. Đối mặt với dàn hào thủ như Mamadou Sakho, Yann M’Vila, Damien Le Tallec của Pháp,…U17 Nigeria bất ngờ đánh bại đối thủ với tỷ số 2-1 bằng các bàn thắng của Chrisantus và Ibrahim.
Vượt qua được ứng viên vô địch, U17 Nigeria đạt được trạng thái tâm lý thoải mái. Họ dễ dàng đánh bại Nhật Bản với tỉ số 3-0, “hậu vệ” Oseni lập công mở tỷ số và thêm một cú đúp dành cho Chrisantus. Đội bóng này hoàn tất vòng bảng bằng thành tích toàn thắng khi họ đả bại Haiti 4-1.
Bước vào vòng knock-out, Oseni và đồng đội chạm trán Colombia. Tuy nhiên, ngôi sao sáng của đại diện Nam Mỹ là James Rodriguez ngồi dự bị. Đại diện Nam Mỹ không thể chịu nổi màn “hành hạ” về thể lực và chấp nhận kết quả thua 1-2.
Ở vòng tứ kết, U17 Nigeria tiếp tục gặp một thử thách lớn khác đó là Argentina. Nhưng đây không phải một thế hệ cầu thủ thật sự tài năng của xứ sở Tango. Để thua đối thủ 0-2, những cầu thủ trẻ Argentina năm ấy cũng chỉ có Musacchio, Salvio là đến được trời Âu nhưng đều không quá nổi bật.
Nhưng đối thủ mà thầy trò HLV Yemi Tella đánh gục ở vòng bán kết là U17 Đức rất mạnh. Đội trưởng của “Cỗ xe tăng” khi đó chính là Toni Kroos, người sau này đã quá thành công với ĐTQG Đức cũng như Real Madrid. Vậy mà, U17 Đức nhanh chóng bại trận khi thủng lưới 2 bàn chỉ trong 4 phút từ phút 14 đến phút 18. Pha lập công của Toni Kroos (sau đó giành quả bóng vàng của giải) chỉ là bàn gỡ danh dự của anh hào lục địa già trước khi U17 Nigeria ấn định tỉ số 3-1.
Hành trình của U17 Nigeria khép lại bằng trận chung kết trước U17 Tây Ban Nha với dàn sao Nacho Fernandez, Illaramendi, Fran Meria, và David de Gea. Sức mạnh về thể lực giúp Oseni và đồng đội cầm hòa đối phương sau 120 phút. Thậm chí, nếu đội trưởng Kingsley Udoh may mắn hơn với cú sút từ khoảng cách 60 mét, bóng đá đi vào lưới thay vì dội xà ngang khung thành U17 Tây Ban Nha.
Trên chấm luân lưu, khi Edile và Joshua nhanh chóng thành công ở 2 lượt đầu tiên thì 2 ngôi sao Merida (Arsenal) và Illarramendi (Athletic Bilbao) thay nhau đá hỏng. Lượt sút thứ 3 được HLV Tella tin tưởng trao cho chính Bolaji Oseni. Chàng trai vùng Osgobo dễ dàng đánh lừa David De Gea. Sau đó, Falque tiếp tục đá hỏng và U17 Nigeria lên ngôi vô địch thế giới.
Cho đến vua phá lưới V.League
Chơi bóng đầy sức mạnh ở 2 cánh, thể hiện độ lỳ lợm trên chấm luân lưu, đó là tấm vé thông hành đưa Oseni sang châu Âu. Anh “quá cảnh” tại Tunisia trước khi đến với đội bóng lừng danh CSKA Moscow tại Nga. Nhưng xứ sở bạch dương lạnh giá vốn không phải “đất lành” với cầu thủ châu Phi.
Oseni trở lại ES Tunis tại Tunisia, nơi anh từng thi đấu trong vài tháng. Lần này, thất bại lại đến với chàng trai trẻ. Bằng một cách nào đó, Oseni chấp nhận từ bỏ “danh tiếng”, hy vọng để sang Việt Nam chơi bóng với mức thu nhập cao gấp 4-5 lần ở quê nhà. Anh chơi cho Kiên Giang, HAGL rồi lại bất ngờ sang…Thổ Nhĩ Kỳ chơi cho Kahramanmarasspor.
Cũng lại là tiền đạo sinh năm 1991 khiến tất cả “ngã ngửa” khi quay lại Việt Nam đá cho…Long An. Kể từ đó anh cứ như một “gã du mục” ở hết Bình Dương, Cần Thơ rồi về lại Long An. Phải đến V.League 2017, khi Hà Nội quyết định ký hợp đồng với Oseni, cầu thủ này mới có một bệ phóng để tìm chút ít vinh quang.
Anh trở thành vua phá lưới của V.League 2018 với 17 bàn thắng, một thành tích cực kỳ ấn tượng. Hà Nội FC lên ngôi vô địch bằng niềm cảm hứng của những cầu thủ trẻ mới thăng hoa ở Thường Châu. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, việc sở hữu một tiền đạo có thừa sức mạnh và được đào tạo cơ bản khiến các pha tấn công của đội bóng thủ đô trở nên đáng sợ.
Bi kịch đến với cầu thủ này khi anh gặp chấn thương tại V.League 2019, phải chia tay mùa giải ngay đầu giai đoạn 2. Dù vậy, Oseni vẫn kịp ghi thêm 7 bàn nữa. Sau đó, một lần nữa tiền đạo này lại sang châu Âu chơi cho Ararat tại Armenia.
Cách đây ít ngày, Oseni chính thức hoàn tất việc cách ly phòng, chống dịch Covid-19 để thử việc tại CLB Sài Gòn. Thời điểm này, chức vô địch U17 World Cup hay danh hiệu vua phá lưới V.League không là sự đảm bảo cho tiền đạo này. Anh vẫn phải trải qua một bài test khi CLB Sài Gòn không thể có thêm sai số.
Đọc đến đây, sẽ có câu hỏi rằng tại sao một cầu thủ trẻ tiềm năng như Oseni lại “lang bạt” đến tận V.League. Nhưng đừng quên rằng những giải đấu như U17 World Cup hay U20 World Cup không thể là sự đảm bảo cho tương lai của các cầu thủ. Để trở thành những ngôi sao, có quá nhiều yếu tố chi phối đến quá trình phát triển ấy.
Ngay như “lứa” vô địch của Oseni, anh còn là người hiếm hoi từng sang châu Âu và chơi cho một đội bóng danh tiếng. Đội trưởng Kingsley Udoh mới ra nước ngoài cách đây 2 năm và chơi tại…Iraq. Vua phá lưới năm đó là tiền đạo Macauley Chrisantus chỉ chơi cho các đội bóng như Hamburg, Las Palmas,…Chrisantus là trường hợp “khá nhất” khi vô địch Hy Lạp cùng AEK Athens hay vô địch Phần Lan vào năm 2018.
Nhưng, dù sao bóng đá Việt Nam cũng đã mang lại ánh hào quang dù chắc hẳn chưa đúng như kỳ vọng của Oseni 14 năm về trước. V.League, một giải đấu không quá khó khăn, dễ kiếm tiền hơn với các cầu thủ châu Phi được đào tạo cơ bản, xem ra là lựa chọn không hề tồi với Bolaji Oseni.