Bom bẩn được Nga và phương Tây đề cập là gì?

Dư luận đang xôn xao về chủ đề bom bẩn và các cáo buộc do Nga và phương Tây đưa ra. Bom bẩn là gì, có nguy hiểm không và khác biệt như thế nào với bom hạt nhân?

Nga đang tố Ukraine lên kế hoạch tấn công bằng bom bẩn. Ukraine bác bỏ cáo buộc này. Phương Tây thì lại ám chỉ khả năng Nga sẽ lấy đó làm cớ để kích hoạt vũ khí hạt nhân chiến thuật, leo thang xung đột với Ukraine. Còn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trực thuộc Liên Hợp Quốc đã tuyên bố sẽ gửi thanh sát viên tới kiểm tra 2 địa điểm tại Ukraine sau khi giới chức Kiev đề nghị như vậy để chứng minh Ukraine không tàng trữ bom bẩn.

Đồ họa minh họa về bom bẩn phát nổ. Nguồn: Editorji.

Đồ họa minh họa về bom bẩn phát nổ. Nguồn: Editorji.

Vậy bom bẩn là gì?

Bom bẩn là một vũ khí kết hợp thuốc nổ thông thường (như dynamite) với các vật liệu phóng xạ như urani. Người ta thường xem bom bẩn như một vũ khí của lực lượng khủng bố chứ không phải các quốc gia, vì vũ khí này được thiết kế nhằm lan truyền nỗi sợ hãi và hoảng loạn hơn là xóa bỏ một mục tiêu quân sự nào đó.

Bom bẩn không phải là vũ khí hạt nhân. Vụ nổ bom bẩn vẫn do thuốc nổ thông thường. Trong khi đó, vụ nổ từ vũ khí hạt nhân được tạo ra từ phản ứng hạt nhân, giống như 2 quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến II.

Một văn bản của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) nêu rõ: “Một quả bom hạt nhân tạo ra một vụ nổ mạnh gấp hàng ngàn tới hàng triệu lần một thiết bị nổ thông thường có thể sử dụng trong bom bẩn”.

Vụ nổ một quả bom hoặc đầu đạn hạt nhân có thể san phẳng toàn bộ các thành phố. Chẳng hạn, bom nguyên tử thả xuống Nagasaiki (Nhật Bản) vào năm 1945 đã xóa sạch toàn bộ 6,2km2 của thành phố này theo ICAN (Chiến dịch Quốc tế Hủy bỏ Vũ khí Hạt nhân). Thuốc nổ trong bom bẩn chỉ có thể san phẳng hoặc làm hư hại một vài tòa nhà.

Trong khi đó, mây nấm từ một vụ nổ hạt nhân có thể che phủ hàng chục đến hàng trăm kilomet vuông, phán tán các hạt mịn của vật liệu hạt nhân - bụi phóng xạ, trên khắp khu vực đó, theo DHS. Còn vật liệu phóng xạ (rác hạt nhân) từ một vụ nổ bom bẩn sẽ chỉ phát tán ra vài kilomet vuông.

Bom bẩn đã từng được sử dụng?

Cho đến nay thì chưa. Phiến quân Chechynya từng cài bom loại này tại một công viên ở Moscow (Nga) nhưng thất bại trong âm mưu kích nổ qua bom đó, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Có nhiều tin tức nói rằng các tổ chức khủng bố như al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tạo ra hoặc cố tạo ra một quả bom bẩn nhưng chưa có quả bom nào như thế bị kích nổ.

Vật liệu hạt nhân trong một quả bom bẩn có gây chết người?

DHS cho biết, ít khả năng bom bẩn có thể tạo ra đủ lượng phóng xạ cần thiết “để gây ra các tác động tức thời lên sức khỏe hoặc gây tử vong ngay với một số lượng lớn người”.

Sở Y tế bang Texas (Mỹ) giải thích: Để bom bẩn có khả năng phát ra liều phóng xạ gây chết người, thì cần có lượng lớn các tấm chắn bằng chì hoặc thép để những người chế bom không bị chết trong lúc chế bom.

Nhưng khi có được các vật liệu ngăn phóng xạ như vậy thì quả bom bẩn sẽ rất cồng kềnh và khó triển khai, có thể đòi hỏi thiết bị lớn để vận chuyển. Hơn nữa, chính các thiết bị ngăn phóng xạ đó lại cản trở độ phát tán của phóng xạ.

Phơi nhiễm phóng xạ sẽ như thế nào?

Theo Sở Y tế Texas, phóng xạ do bom bẩn tạo ra gây ra mức độ phơi nhiễm như khi chụp X-quang đối với răng.

DHS cho biết thêm, nếu đi càng xa ra khỏi địa điểm xảy ra vụ nổ bom bẩn thì sẽ càng an toàn vì tỷ lệ phóng xạ sẽ giảm đáng kể.

DHS khuyến cáo khi có nổ bom bẩn, người dân có thể che mũi miệng để tránh hít và nuốt phải phóng xạ, ở trong nhà để tránh mây bụi phóng xạ, vứt bỏ quần áo vào túi nylon rồi nhẹ nhàng lau rửa da để loại bỏ chất phóng xạ./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/bom-ban-duoc-nga-va-phuong-tay-de-cap-la-gi-post979900.vov