Bom Quicksink: Giải pháp đa mục đích

Trong thế kỷ 21, hai trong số những vũ khí chống hạm tốt nhất của quân đội Mỹ là ngư lôi và tên lửa hành trình. Những vũ khí này chính xác và có sức công phá lớn song vấn đề lại nằm ở chi phí và những hạn chế trong phương pháp triển khai, chẳng hạn như nguy cơ tiết lộ vị trí của vũ khí phóng. Bối cảnh này đặt ra bài toán giải quyết những đòi hỏi của thực tế địa chiến lược nhưng phù hợp với năng lực và đáp ứng cả các tiêu chuẩn ràng buộc.

Cuộc thử nghiệm chấn động

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, các máy bay chiến đấu đã nhiều lần chứng tỏ khả năng đánh chìm tàu chiến trong điều kiện thực tế, vừa cơ động vừa có thể triển khai hỏa lực đồng thời. Một trong những ví dụ tiêu biểu là máy bay ném bom RAF Lancaster tiêu diệt tàu chiến Kriegsmarine Tirpitz nặng 42.200 tấn bằng bom “Tallboy” trong Chiến dịch Catechism vào ngày 12/11/1944. Hiệu quả của việc triển khai vũ khí từ máy bay so với từ tàu ngầm đã được các nhà nghiên cứu tính toán và cân nhắc trong nhiều năm.

Thời gian cùng những bước phát triển công nghệ cũng đã cho phép tạo ra thế hệ tác chiến chống hạm kế tiếp. Hòa cùng dòng chảy này, Không quân và Hải quân Mỹ đã hợp tác cùng phát triển bom dẫn đường Quicksink dựa trên những nền tảng sẵn có với nhiều tính năng mới đáng chú ý, đảm bảo năng lực như loại ngư lôi nổi tiếng MK-48 nhưng với mức chi phí “dễ thở” hơn nhiều và cũng tối ưu hơn xét ở phương diện triển khai.

Bom Quicksink nặng hơn 1.700kg sử dụng bộ kit JDAM GBU-31.

Bom Quicksink nặng hơn 1.700kg sử dụng bộ kit JDAM GBU-31.

Tháng 4/2022, Không quân Mỹ đã gây chấn động dư luận khi công bố đoạn băng quay lại cuộc thử nghiệm bom dẫn đường Quicksink đánh chìm tàu hàng mục tiêu di chuyển trên biển.

Trong video được Phòng Nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL) công bố, máy bay F-15E Strike Eagle thử nghiệm thả bom dẫn đường nặng hơn 900 kg ngoài khơi bang Florida. Bom được sử dụng trong thử nghiệm là Quicksink, một biến thể của bom GBU-31/B gắn bộ kit định vị, nhắm mục tiêu vào tàu hàng cũ di chuyển với tốc độ rất chậm trên vùng biển động. Theo những gì chứng kiến, quả bom Quicksink lao xuống tàu, kích nổ, khiến thân tàu hàng bị đẩy lên khỏi mặt nước và gãy đôi, nhanh chóng chìm xuống biển chỉ trong vòng 40 giây.

Trong một cuộc tấn công thực sự vào một con tàu đang hoạt động và chứa đầy nhiên liệu, thủy thủ đoàn sẽ không có cảnh báo trước và cũng có thể không biết thứ gì đã đánh trúng họ. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự sau đó nhấn mạnh mục tiêu thử nghiệm là tàu hàng dân sự, không phản ánh đặc tính của các tàu chiến.

Phòng Thí nghiệm nghiên cứu không quân (AFRL) bắt đầu thiết kế và chế tạo Quicksink với 3 mục tiêu chính. Thứ nhất là tái tạo khả năng công phá của loại ngư lôi hạng nặng phóng từ tàu ngầm đủ sức đánh chìm tàu địch chỉ bằng một lần khai hỏa. Thứ hai, đạt được mục tiêu này với chi phí thấp hơn so với việc sản xuất một quả ngư lôi thông thường. Và thứ ba, và quan trọng nhất, tìm cách phát triển loại bom kiểu này thả từ máy bay chiến đấu, thay vì tàu ngầm để giảm thiểu nguy cơ trong các cuộc đụng độ ở cự ly gần trên biển.

Ngư lôi hạng nặng có hiệu quả trong việc đánh chìm tàu lớn nhưng chi phí đắt đỏ và cũng chỉ thường phiên chế cho một lực lượng hải quân quy mô nhỏ. Việc phát triển bom Quicksink có thể đảm bảo một giải pháp chi phí thấp và linh hoạt hơn, có thể triển khai từ máy bay chiến đấu của Lực lượng Không quân, từ đó đem lại cho các chỉ huy và lực lượng nhiều lựa chọn hơn và những cách thức mới để phòng thủ trước các mối đe dọa hàng hải.

Việc chuyển đổi từ “bom thông thường” thành “bom thông minh” này được thực hiện bằng cách trang bị thêm một phần đuôi hoàn toàn mới bao gồm cả hệ thống dẫn đường quán tính và bộ điều khiển dẫn đường của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để xác định mục tiêu và tránh gây sát thương cho dân thường. Sau khi được cài đặt, hệ thống định vị kết hợp mới cho phép tải tọa độ mục tiêu lên máy bay trước khi cất cánh, phi công có thể thay đổi tọa độ theo cách thủ công trước khi thả vũ khí hoặc thay đổi mục tiêu chỉ định bằng cách sử dụng cảm biến trên máy bay ngay tại chỗ.

Máy bay F-15E mang bom Quicksink hạ cánh.

Máy bay F-15E mang bom Quicksink hạ cánh.

Thích ứng và phù hợp

Bom Quicksink có thể xem là một bản tùy chỉnh của hệ thống vũ khí khá nổi tiếng - Đạn tấn công trực tiếp đồng loạt (JDAM) GBU. Theo Lực lượng Không quân Mỹ, “JDAM là một bộ kit dẫn đường giúp những quả bom tự do không điều khiển hiện có thành đạn “thông minh” chính xác, bất chấp mọi điều kiện thời tiết”. Phiên bản JDAM thông thường có tầm bay hiệu quả 25 km, buộc máy bay mang đạn phải áp sát mục tiêu trước khi thả bom. Việc sử dụng JDAM với bom Quicksink khiến các chuyên gia đánh giá loại vũ khí này có thể chỉ được sử dụng để tấn công các tàu ít được bảo vệ hoặc trong khu vực đã bị chế áp phòng không.

Theo Không quân Mỹ, bộ kit JDAM có thể đảm bảo phạm vi chính xác khoảng 5m nếu có sự hỗ trợ của dữ liệu GPS, và khoảng 30m nếu không có GPS. Mỗi bộ kit JDAM giá khoảng 20.000 USD, tính cả đầu đạn và kíp nổ có thể chi phí chưa tới 25.000 USD, rẻ hơn rất nhiều so với loại bom dẫn đường bằng laser vốn có giá hàng trăm ngàn USD hay bom dẫn đường bằng truyền hình với mức giá có thể là 1 triệu USD.

Phương thức phá hủy mục tiêu của bom Quicksink có nhiều nét tương đồng với ngư lôi Mark 48. Bom Quicksink giữ nguyên hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ bởi định vị vệ tinh ở đuôi như mẫu GBU-31/B nguyên bản, kèm theo đầu dò ở mũi, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết trên biển. Đầu dò này được trang bị radar và ứng dụng thiết kế đa chức năng, cho phép tìm kiếm và khóa mục tiêu sau khi khai hỏa.

Sự kết hợp giữa đầu dò đa chế độ mới và bộ đuôi JDAM biến quả bom thành “vũ khí chống hạm trong mọi thời tiết”. Khi được phóng, loại vũ khí này sử dụng bộ đuôi để lướt đến khu vực cận mục tiêu theo tọa độ được cung cấp. Khi tiếp cận khu vực mục tiêu, vũ khí sẽ chuyển sang thiết bị tìm kiếm Quicksink để xác định vị trí tàu mục tiêu và xác định tốc độ cũng như hướng đi của con tàu này. Việc sử dụng hệ thống tìm kiếm độc lập có nghĩa là vũ khí vẫn có khả năng khóa mục tiêu nếu nó xuất hiện trong phạm vi bao bọc của radar và cảm biến hồng ngoại, ngay cả trong môi trường GPS hoạt động kém hiệu quả. Loại vũ khí này sẽ điều chỉnh theo quỹ đạo nơi nó chạm mặt nước và sau đó phát nổ dưới nước gần thân tàu. Phương thức này sẽ “nâng” con tàu lên, làm nó gãy làm đôi hoặc gây ra thiệt hại lớn. Ngay cả trong trường hợp chệch mục tiêu, nhiệm vụ tiêu diệt cũng có thể đủ để vô hiệu hóa hệ thống của con tàu tới mức không còn đủ hiệu quả chiến đấu.

Bộ kit JDAM cũng khá linh hoạt về tải trọng, có thể phù hợp với phiên bản đầu đạn nặng khoảng 230kg, gần 500kg hoặc gần 1.700kg. Bộ kit JDAM cho bom Quicksink trong thử nghiệm kể trên sử dụng đầu đạn nặng gần 1.700kg để có tác động tối đa.

Hệ thống JDAM hiện tương thích với nhiều thế hệ máy bay chiến đấu của Mỹ như B-1B, B-2A, B-52H, AV-8B, F-15E, F/A-18C/D/E/F, F-16C/D, và máy bay F-22. Không quân Mỹ đang nghiên cứu để tích hợp hệ thống này trên các máy bay chiến đấu A-10, F-35 và máy bay không người lái MQ-9 Reaper.

Xét về phương diện giảm thiểu rủi ro, một chiếc F-15E Strike Eagle sử dụng trong thử nghiệm hồi tháng 4 năm ngoái có giá chưa tới 90 triệu USD/chiếc, trong khi một chiếc tàu ngầm có thể có giá lên tới 2,8 tỷ USD. Rủi ro đối với thủy thủ đoàn cũng giảm đi đáng kể khi vũ khí phóng từ trên không thay vì khai hỏa từ tàu ngầm – một phần vì việc làm này dễ tiết lộ vị trí sau khi ngư lôi được bắn.

Bom Quicksink có thể xem là loại vũ khí lấp đầy một khoảng trống đã có từ lâu trong trang bị của quân đội Mỹ. Cả Hải quân và Lực lượng Bảo vệ bờ biển nước này đã phải tìm cách đối phó với số lượng lớn tàu quân sự và dân sự lưỡng dụng của một số quốc gia đang tạo sức ép lớn ở nhiều vùng biển Mỹ có lợi ích chiến lược. Chế tạo và sở hữu bom Quicksink với sức răn đe lớn là cách làm vơi bớt gánh nặng đòi hỏi các lực lượng này phải dàn trải và căng sức đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong các khu vực cần thiết.

Thay vì phục vụ nhu cầu chiến tranh cao cấp chống lại một hạm đội có sức mạnh tương đương, bom Quicksink được cho là mối đe dọa hiện hữu với các tàu công nghệ thấp nhưng có số lượng lớn hoặc cỡ lớn được sử dụng với mục đích lấn át và cưỡng chế.

Tuy nhiên, khác với xu thế chiến tranh công nghệ cao, bom Quicksink là một công cụ tương đối đơn giản, công nghệ thấp, và không được sử dụng ở tiền tuyến. Vì lẽ đó, các tàu chiến “cao cấp” hiện đại cũng có ít lý do lo ngại loại bom dẫn đường này. Nếu có sự chuẩn bị sẵn sàng, các tàu hải quân đối thủ có thể nhắm mục tiêu vào máy bay mang bom Quicksink và nếu họ không thể bắn hạ máy bay, hệ thống tự vệ áp sát cũng có thể vô hiệu hóa quả bom.

Thái Hân

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/bom-quicksink-giai-phap-da-muc-dich-i715062/