Bộn bề nỗi lo tàu 67. Bài 1: Từ nguồn vốn vay ưu đãi trở thành nợ xấu
Thời điểm được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ (NĐ 67), ngư dân nhiều tỉnh ven biển trong cả nước tràn đầy hy vọng về những chuyến vươn khơi xa. Vậy nhưng chỉ vài năm sau đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau, phần lớn tàu được vay vốn theo NĐ 67 (gọi tắt là tàu 67) đánh bắt không hiệu quả dẫn đến các khoản vay của ngư dân đa phần rơi vào nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Để tháo gỡ vướng mắc, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định nhằm điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên đến nay tàu 67 vẫn rơi vào cảnh khó khăn chồng chất.
Ngân hàng chính thức khởi kiện
Vào tháng 6/2022, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) đã có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh buộc các ông bà: Nguyễn Thị O., Nguyễn Thị Hoài M. Nguyễn Văn Thành Đ. và Nguyễn Văn H. phải trả cho ngân hàng số tiền nợ gốc và lãi hơn 13,3 tỉ đồng theo hợp đồng tín dụng số 3905-LAV-201504218 (HĐ số 3905) ngày 31/8/2015; yêu cầu tòa án xử lý tài sản đảm bảo thế chấp là tàu đánh cá vỏ thép và toàn bộ tài sản trên tàu theo hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Theo đó, hộ gia đình ông Nguyễn Văn H. (do ông H. làm chủ hộ, được ủy quyền ký kết HĐ số 3905) vay của Agribank chi nhánh huyện Gio Linh số tiền 12,450 tỉ đồng để đóng mới tàu đánh cá lưới rê bùng nhùng, trọng tải 86,6 tấn theo NĐ 67 với lãi suất 7%/ năm, trong đó chủ tàu phải trả lãi suất 1%, còn lại Nhà nước hỗ trợ.
Quá trình thực hiện HĐ số 3905, hộ gia đình ông H. đã trả nợ số tiền gốc hơn 1,3 tỉ đồng và hơn 600 triệu đồng tiền lãi. Cuối tháng 3/2022, do không trả được nợ gốc và lãi theo kỳ hạn, số tiền vay của gia đình ông H. chuyển qua nợ xấu. Do ông H. đã mất nên các thành viên trong gia đình là người trong hàng thừa kế của ông có nghĩa vụ thực hiện trả nợ theo hợp đồng tín dụng trên.
Ngày 18/4/2023, TAND tỉnh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Agribank và bị đơn là các ông bà: O., M., Đ. và H. (tất cả các bị đơn đều ủy quyền cho bà O. là người đại diện).
Theo đó, TAND tỉnh chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía ngân hàng, buộc mỗi bị đơn phải trả cho ngân hàng khoản nợ gốc gần 2,8 tỉ đồng và nợ lãi tính đến ngày 18/4/2023 hơn 570 triệu đồng. Trường hợp các bị đơn không thanh toán khoản nợ trên, Agribank có quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp là tàu vỏ thép ký hiệu MITSUBISHI và toàn bộ tài sản trên tàu. Đồng thời, kể từ ngày 19/4/2023, các bị đơn tiếp tục trả lãi đối với khoản nợ gốc theo lãi suất đã thỏa thuận tại các hợp đồng đã ký với ngân hàng trước đó cho đến khi trả hết nợ.
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Trị, ngư trường đánh bắt của ngư dân Quảng Trị bị thu hẹp nhiều, nhất là hiện nay Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam - Trung Quốc được ký kết ngày 25/10/2000 đã hết hiệu lực vào ngày 30/6/2020. Vì thế, vùng đánh cá chung và vùng đệm cho tàu nhỏ được thiết lập theo quy định của hiệp định cũng hết hiệu lực, trong khi lâu nay, ngư trường khai thác ở Vịnh Bắc Bộ là ngư trường truyền thống, trọng điểm của ngư dân Quảng Trị.
Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã có đơn khởi kiện ông Bùi Đình Tr. và bà Võ Thị H. ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh do không thanh toán được khoản nợ đóng tàu cho ngân hàng theo quy định. Ngày 27/6/2023, TAND huyện Gio Linh đã thụ lý đơn khởi kiện của ngân hàng này.
Theo đó, vào năm 2017, VietinBank chi nhánh Quảng Trị đã cho vợ chồng ông Tr. vay 14,5 tỉ đồng để đóng mới tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ. Khoản vay này có lãi suất 7%/năm theo chương trình cho vay phát triển thủy sản đối với khách hàng bán lẻ theo NĐ 67, thời hạn áp dụng đến ngày 9/5/2032 hoặc đến khi có văn bản thay thế.
Được biết, ông Tr. là ngư dân duy nhất của tỉnh Quảng Trị được vay vốn đóng mới tàu đánh bắt xa bờ theo Quyết định 47/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu theo quy định tại Nghị định số 89/2015/ NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67. Thời điểm đó, ông Tr. đã đóng mới 1 tàu vỏ thép nghề lưới vây gồm ngư lưới cụ, 2 tổ máy phát điện 3 pha và 1 máy phát điện sinh hoạt đã qua sử dụng với tổng giá trị gần 21 tỉ đồng.
Ông Tr. được Nhà nước hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Quyết định 47 với số tiền 6,4 tỉ đồng; còn 14,5 tỉ đồng ông vay tại VietinBank chi nhánh Quảng Trị. Tuy nhiên, từ ngày 16/8/2022 đến 19/6/2023, vợ chồng ông Tr. không trả được nợ gốc và lãi khoản vay. Đến nay, ông Tr. nợ ngân hàng này trên 16,1 tỉ đồng (nợ gốc trên 12 tỉ đồng, lãi quá hạn trên 3,93 tỉ đồng, lãi phạt quá hạn trên 152,3 triệu đồng).
Như vậy, sau một thời gian dài đôn đốc việc trả nợ vay đóng tàu 67, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chính thức khởi kiện lên TAND yêu cầu xử lý các khoản nợ vay của ngư dân do không trả đúng hạn. Đối tượng khởi kiện là các trường hợp chủ tàu mất và tàu nằm bờ, không có hoạt động đánh bắt.
Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Agribank đã khởi kiện 4 chủ tàu (trong đó có 3 chủ tàu vay đóng mới, 1 chủ tàu vay nâng cấp). Từ thực tế các phiên tòa xét xử cho thấy, mỗi khi ngân hàng khởi kiện thì sẽ thắng kiện bởi các khoản vay đóng tàu 67 của ngư dân đều rơi vào nợ xấu.
Muôn nỗi khổ của ngư dân
Ngày 30/11/2020, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Bình đã quyết định “số phận” của con tàu do ông L., trú tại xã Hải Phú, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình làm chủ. Theo phán quyết của tòa, ông L. và vợ là bà Hoàng Thị C. phải thanh toán cho ngân hàng gần 7,3 tỉ đồng bao gồm cả gốc lẫn lãi.
Vì không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ nên ngân hàng đã yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mãi các tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ, bao gồm 1 tàu đánh cá vỏ gỗ, công suất 713 CV, đóng năm 2016. Do tàu của vợ chồng ông L. neo đậu tại bến thuyền Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong nên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bố Trạch đã ủy thác cho Chi cục Thi hành án huyện Triệu Phong thi hành bản án này.
Theo chia sẻ của bà C., vợ chồng bà làm nghề đánh bắt xa bờ từ năm 1990 nhưng chưa vươn tới ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Khi được vay vốn đóng tàu 67, bà bán tàu cũ và huy động số tiền được 2,4 tỉ đồng, cùng với vốn vay của Nhà nước hơn 7 tỉ đồng để đóng tàu vỏ gỗ vươn khơi bám biển dài ngày. Thời gian đầu, tàu mới, ngư trường rộng nên sản lượng đánh bắt dồi dào.
Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa từ những năm trước đó nên dù năng suất đánh bắt cao nhưng giá bán sản phẩm lại thấp. Về sau, sản lượng đánh bắt ngày một thấp, không đủ chi phí cho những chuyến ra biển và trả nợ ngân hàng nên bà đã thế chấp hai căn nhà để vay 1,9 tỉ đồng trả bớt nợ. Do đến hạn không có tiền trả nợ nên nhà cũng bị ngân hàng phát mãi.
“Cả tàu và nhà đều bị thi hành án để trả cho khoản nợ vay tàu 67 nhưng vẫn không thể trả hết số tiền đã vay trước đó. Chúng tôi “lực bất tòng tâm””, bà C. chia sẻ.
Có một thực tế là dù phải bán tàu để trả nợ thì khoản vay còn lại của ngư dân đều rất cao, trong khi đó, theo quy định của pháp luật, ngư dân vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cho khoản vay còn lại đó với ngân hàng.
Tuy nhiên, không chỉ ngư dân có tàu 67 bị khởi kiện mới gặp khó mà cả những tàu đang đánh bắt cũng gặp rất nhiều khó khăn như: ngư trường ngày một thu hẹp; biến đổi khí hậu khiến các chuyến ra khơi bị ảnh hưởng; lao động biển khan hiếm và giá dầu tăng nhưng giá bán sản phẩm lại không cao...
Gia đình ông Bùi Đình Chiến (61 tuổi), ở Khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh vay vốn đóng tàu 67 để làm nghề chụp mực. Con tàu này được đóng mới với kinh phí 24 tỉ đồng, trong đó có 20 tỉ đồng vay vốn ngân hàng. Theo ông Chiến, ngư trường đánh bắt bị thu hẹp là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay.
“Làm biển thì phải theo đuôi cá. Theo quy luật, cứ đến mùa sinh sản, cá di chuyển vào lộng. Trước đây, thuyền hết ra khơi lại vào lộng theo đuôi cá nhưng từ khi có quy định phân vùng đánh bắt theo công suất tàu, chúng tôi chỉ được đánh bắt ở vùng khơi”, ông Chiến chia sẻ.
Thêm một cái khó được ông Chiến đề cập tới, đó là tình trạng khan hiếm lao động biển. Đây là thực trạng chung của các xã vùng biển ở tỉnh Quảng Trị khi số thanh niên không còn mặn mà với nghề của cha ông; nhiều thanh niên lựa chọn xuất khẩu lao động để có thu nhập cao hơn.
“Do đó, chúng tôi luôn cố gắng duy trì lao động trên tàu. Có hai hình thức để trả lương cho bạn nghề, đó là trả theo sản phẩm hoặc trả theo tháng (10 triệu đồng/người). Chuyến biển nào đánh bắt tốt thì cho thêm, không có cũng phải xoay xở để trả một khoản tiền giúp họ lo cho gia đình, cũng là để giữ chân lao động”, ông Chiến cho biết. Cũng như nhiều tàu 67 khác, những năm đầu khi mới vay vốn, gia đình ông Chiến trả lãi và gốc cho ngân hàng đúng hạn, về sau chỉ trả được khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Quảng Trị, thời gian qua, các tàu đưa vào hoạt động nhưng do thiết kế đơn nghề nên chỉ hoạt động được một mùa. Đối với tàu khai thác nghề lưới rê, vụ cá Nam chủ yếu khai thác cá ngừ, ngư trường khai thác chính là vùng biển Hoàng Sa cho hiệu quả kinh tế chưa cao do một số nguyên nhân: nguồn lợi cá thu trong vụ cá Nam xuất hiện ít (không phải chính vụ); vụ cá Nam chủ yếu ngư dân đánh bắt cá ngừ sọc dưa nên giá thấp.
Vụ cá Nam ngư dân chủ yếu đi khai thác ở vùng biển xa thời gian dài ngày dẫn đến chất lượng cá bị giảm. Đối với tàu khai thác lưới vây, những năm gần đây nguồn lợi cá nổi xuất hiện muộn, ít hơn hẳn. Nghề lưới vây sản phẩm chủ yếu là cá nục. Tuy nhiên thời gian qua Trung Quốc thực hiện thay đổi một số chính sách nhập khẩu nên ảnh hưởng đến các cơ sở thu mua, chế biến của Việt Nam, trong đó có Quảng Trị, dẫn đến giá cá sau khi khai thác thấp.
Tàu 67 của gia đình ông Võ Lới ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh có công suất 829 CV. Đây là tàu 67 được đóng bằng chất liệu composite duy nhất của tỉnh Quảng Trị thời điểm đó. Lý do lựa chọn tàu này, theo ông Lới là vì chi phí đóng tàu thấp, sức bền cao hơn so với tàu vỏ gỗ và thép, tuy nhiên đến nay việc đánh bắt của con tàu này cũng lâm vào cảnh khó khăn.
“Bây giờ tàu cá đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ngư trường đánh bắt truyền thống bị thu hẹp, chỉ cần chúng tôi sang hoạt động đánh cá ở phía Đông đường kinh tuyến là hệ thống giám sát báo tàu vượt ranh giới, vi phạm vùng biển nước ngoài nên rất khó khăn. Trong khi đó, so với thời điểm mới đóng tàu, giá dầu đã tăng từ 30%-40%. Chi phí cho một chuyến biển từ 300-350 triệu đồng nên nếu không được Nhà nước hỗ trợ tiền dầu cho 4 chuyến biển thì ngư dân không thể ra khơi được”, ông Lới cho biết.
Lâm Thanh
Bài 2: Khó từ khâu thu nợ, xử lý tài sản đến thi hành án