Bốn điểm chính trong lộ trình thương mại của Mỹ với Trung Quốc

Điều đang khiến dư luận quan tâm lúc này là chính sách thương mại với Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump có sự khác biệt như thế nào?

Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc được chuẩn bị tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc được chuẩn bị tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 4/10, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã công bố tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington về lộ trình thương mại mới đối với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Joe Biden ở Mỹ.

Bà Katherine Tai đã đưa ra bốn điểm lớn quan trọng trong lộ trình thương mại và bày tỏ hy vọng trong vài ngày tới sẽ tiến hành trao đổi thẳng thắn với đại diện Trung Quốc (dự kiến là với Phó Thủ tướng Lưu Hạc) để thảo luận về hiện trạng triển khai giai đoạn đầu của đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đạt được vào tháng 1/2020.

Điều đang khiến dư luận quan tâm lúc này là chính sách thương mại với Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump có sự khác biệt như thế nào?

Bốn điểm lớn cơ bản

Về cấp độ thương mại, bà Katherine Tai lưu ý "chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm" là một phần trong "chính sách đối ngoại tầng lớp trung lưu" của ông Biden, đồng thời nhấn mạnh rằng chính sách thương mại phải có lợi cho người dân Mỹ.

Khi nói về chính sách thương mại đối với Trung Quốc thời cựu Tổng thống Trump, bà Katherine Tai mô tả đó là do "áp lực từ chủ nghĩa đơn phương của Mỹ". Bà cho rằng thỏa thuận giai đoạn một đạt được với Trung Quốc là nhằm ổn định thị trường xuất khẩu nông sản của Mỹ, nhưng không giải quyết được vấn đề trợ cấp số lượng lớn của Trung Quốc đối với một số các ngành nghề.

Bà Katherine Tai đưa ra bốn điểm lớn cơ bản trong chính sách thương mại của Tổng thống Biden đối với Trung Quốc. Thứ nhất, Mỹ sẽ thảo luận với Trung Quốc về "biểu hiện" của mình trong giai đoạn đầu của đàm phán thương mại, đặc biệt là trên cấp độ mua sắm.

Thứ hai, Mỹ sẽ khởi động một lộ trình loại trừ thuế quan có mục đích để miễn thuế cho một số hàng hóa Trung Quốc, nhằm vào các lợi ích kinh tế của Mỹ. Hàm ý của tuyên bố này là ông Biden sẽ tiếp tục duy trì môi trường thuế quan đối với Trung Quốc đã có từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, song sẽ đề xuất một thủ tục loại trừ thuế quan liên quan đến một số vấn đề.

Thứ ba, Mỹ sẽ tiếp tục bày tỏ quan ngại về “các hoạt động thương mại lấy nhà nước làm trung tâm và phi thị trường thương mại” của Trung Quốc đã không được xử lý trong giai đoạn đầu của hiệp định và sẽ đáp lại bằng “một bộ công cụ đầy đủ” và "công cụ mới phát triển", mà không sử dụng cách thức xử lý do chính quyền ông Trump chuẩn bị trước đây.

Thứ tư, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh để đưa ra các quy tắc thương mại công bằng trong thế kỷ XXI để các nền kinh tế thị trường và dân chủ có thể dễ dàng cạnh tranh và giành chiến thắng hơn.

Có thể nói, tổng hợp bốn điểm nói trên, những điều chỉnh chính sách của Tổng thống Biden đối với cuộc chiến thương mại với Trung Quốc về cơ bản là một cách tiếp cận "không hành động". Trong bốn điểm lớn này, chỉ có hai điểm đầu tiên là hành động thực chất.

Khác biệt không quá lớn

Theo số liệu của Sở nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, cho dù dựa trên số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc hay Tổ chức thăm dò dư luận của Mỹ, tính đến tháng 8/2021, nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ của Trung Quốc chỉ dao động từ 62-69% mức cam kết trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước. Trong khi đó, các giao dịch mua bán đã hoàn thành vẫn chưa đạt 50% số lượng đặt ra dự kiến vào cuối năm nay.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Trung Quốc có thể sử dụng điều khoản "thiên tai hoặc các tình huống khó lường khác ngoài tầm kiểm soát của hai bên" để lý giải cho việc "không thể thực hiện các nghĩa vụ thỏa thuận một cách kịp thời", song chính quyền Tổng thống Biden rõ ràng có ý định sử dụng những “di sản” của ông Trump trong hiệp định này để tìm kiếm lợi ích lớn nhất trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Mặc dù bà Katherine Tai tuyên bố Mỹ sẵn sàng sử dụng "tất cả lựa chọn" để đối phó với Trung Quốc, nhưng bà sẽ không cố gắng yêu cầu nước này nhượng bộ một cách có hệ thống đối với những vấn đề thường "mang tính cơ cấu" (chẳng hạn như trợ cấp của nhà nước) trong giai đoạn thứ hai của thỏa thuận.

Thay vào đó, Mỹ có thể sẽ sử dụng nhiều công cụ khác nhau chưa được nêu rõ ràng (như được đề cập trong điểm thứ ba ở trên), cũng như các phương pháp kết nối đồng minh (điểm thứ tư).

Bà Katherine Tai không đề cập đến việc Mỹ sẽ làm sâu sắc thêm các mối quan hệ thương mại với các đồng minh. Điều này cho thấy rõ những hạn chế về chiến lược trong chính sách thương mại của Mỹ.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền Tổng thống Biden có thể sẽ giải quyết các miễn trừ thuế quan một cách có trọng điểm hơn, ví dụ như trong các ngành liên quan đến việc thực hiện chính sách khí hậu của Mỹ. Tuy nhiên, do áp lực chống Trung Quốc phổ biến trong chính giới Mỹ, ông Biden sẽ khó tiến hành miễn thuế quy mô lớn đối với hàng hóa Trung Quốc thông qua các thủ tục như vậy.

Chính sách thương mại đối với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden về cơ bản là duy trì và điều chỉnh tình trạng hiện có trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà cựu Tổng thống Trump để lại.

Như bà Katherine Tai đã chỉ ra rằng mục tiêu của Mỹ là “không châm ngòi cho căng thẳng thương mại với Trung Quốc”, chính quyền ông Biden sẽ không chủ động làm trầm trọng thêm cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, song cũng sẽ không xoa dịu quá nhiều, nhiều nhất chỉ là thực hiện các điều chỉnh nhỏ trong các thủ tục miễn trừ thuế quan nêu trên.

Ưu tiên chính sách đối nội

Mặc dù vậy, sự không hài lòng chủ yếu của chính quyền Tổng thống Biden trong chính sách thương mại đối với Trung Quốc vẫn tồn tại, đặc biệt là trong vấn đề trợ cấp của nhà nước.

Trong bài phát biểu của mình, bà Katherine Tai đã trích dẫn các chính sách ngành nghề trước đây của Trung Quốc, điển hình là các lĩnh vực như sản xuất thép và pin Mặt Trời, đã giúp Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần lớn nhất trên thế giới.

Bà Tai chỉ ra tình trạng như vậy đang diễn ra trong các ngành nghề mang tính dẫn dắt, tạo ra cục diện là lợi ích của Trung Quốc dựa trên sự tổn thất của nước Mỹ và các nền kinh tế thị trường khác.

Theo đó, Đại diện Thương mại Mỹ tuyên bố rằng Mỹ cần sử dụng các phương pháp mới, mang tính tổng thể và thực dụng hơn để đối phó với những thách thức mới từ Trung Quốc.

Trên thực tế, câu trả lời là không thể tách rời các chính sách nội địa của Tổng thống Biden. Câu nói tiếp theo của bà Katherine Tai đã chỉ rõ “việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Mỹ” ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Điều này liên quan đến nỗ lực của ông Biden nhằm thông qua hai dự luật chi tiêu lớn tại Quốc hội, bao gồm dự luật cơ sở hạ tầng nghìn tỷ USD đã được các thành viên hai đảng của Thượng viện thông qua và dự luật chi tiêu xã hội và khí hậu trị giá 3.500 tỷ mà đảng Dân chủ hy vọng sẽ thông qua một cách độc lập./

Bùi Phóng (P/v TTXVN tại Hong Kong)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bon-diem-chinh-trong-lo-trinh-thuong-mai-cua-my-voi-trung-quoc/215948.html