Bốn 'gạch đầu dòng' trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 4-6/8, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis đã có gần 10 cuộc tiếp xúc và hoạt động, đạt được 4 kết quả lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis ngày 5/8. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis ngày 5/8. (Ảnh: Tuấn Anh)

Chuyến thăm của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis đặc biệt ý nghĩa không chỉ diễn ra vào đúng dịp Quốc khánh Thụy Sỹ lần thứ 730 (1/8/1291), mà còn đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam và Thụy Sỹ thiết lập quan hệ ngoại giao (11/10/1971).

Trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài 3 ngày, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Ignazio Cassis đã chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, gặp xã giao Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, gặp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tiếp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và chủ trì tiệc chiêu đãi kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sỹ và 730 năm ngày Quốc khánh Thụy Sỹ.

Hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến sự phát triển về mọi mặt của Việt Nam.

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Cassis đã tuyên bố gửi hàng viện trợ y tế trị giá 5 triệu France Thụy Sỹ (hơn 125 tỷ VNĐ) đến Việt Nam vào tuần sau.

Lô hàng viện trợ nhân đạo của Thụy Sỹ sẽ có 13 tấn trang thiết bị y tế gồm máy thở oxy, bộ kít thử nhanh và khẩu trang kháng khuẩn.

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hướng đến mục tiêu kết thúc đàm phán FTA

Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA), mà trong đó Thụy Sỹ là một thành viên, đã đàm phán hiệp định thương mại tự do với Việt Nam từ năm 2012. Các thành viên Khối EFTA đang tìm kiếm một thỏa thuận hiện đại toàn diện.

Trong chuyến thăm, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Cassis khẳng định Thụy Sỹ sẵn sàng làm việc cùng Việt Nam để kết thúc đàm phán.

Ông Ignazio Cassis nhấn mạnh: “Sau khi hiệp định thương mại tự do với châu Âu và Anh có hiệu lực, một thỏa thuận với khối EFTA sẽ mang đến cơ hội thắt chặt quan hệ thương mại tại châu Âu với Việt Nam".

Thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn đối với các công ty Thụy Sỹ khi việc tiếp cận thị trường được bảo đảm. Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động tại Việt Nam.

Đồng hành cùng Việt Nam phát triển bền vững

Thụy Sỹ đã đóng góp 600 triệu Franc (15 nghìn tỷ đồng) trong suốt 30 năm qua và nhờ đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam là một trong số các nước ưu tiên của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC) trong nhiều năm.

Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đã tích cực hỗ trợ các chương trình phát triển tại Việt Nam từ năm 2016 và gần đây tái khẳng định cam kết cung cấp 70 triệu Franc (1,8 nghìn tỷ VNĐ) trong giai đoạn 2021-24.

Theo ông Ignazio Cassis, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong những năm vừa qua và Thụy Sỹ mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững và giúp nền kinh tế chống chịu tốt hơn trước các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19.

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại lễ công bố Chương trình Hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sỹ giai đoạn 2021 - 2024. (Nguồn: ĐSQ Thụy Sỹ)

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại lễ công bố Chương trình Hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sỹ giai đoạn 2021 - 2024. (Nguồn: ĐSQ Thụy Sỹ)

Góp phần cho hòa bình

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang tăng cường tham gia vào các hoạt động đối ngoại đa phương và lần thứ hai trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Năm 2022, Thụy Sỹ là ứng cử viên cho một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-24 với khẩu hiệu ‘A Plus For Peace’ (tạm dịch: Góp phần cho hòa bình).

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Cassis đã nhân cơ hội thảo luận về chuyện ứng cử của Thụy Sỹ và các kinh nghiệm gần đây của Việt Nam cùng Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Việt Nam là điểm dừng chân cuối cùng của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Cassis trong chuyến thăm 6 ngày tại Đông Nam Á, sau Thái Lan và Lào.

Tháp tùng Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ trong chuyến thăm này là bà Céline Vara, Ủy viên Hội đồng Nhà nước và Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sỹ, và ông Laurent Wehrli, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Quốc gia và thành viên trong ban điều hành Tổ chức người Thụy Sỹ ở nước ngoài.

Trong chuyến thăm, ông Ignazio Cassis bày tỏ tích cực ủng hộ việc thiết kế và xây dựng phòng Hội thảo mới của Học viện Ngoại giao mang tên Geneva Conference Room. Nhà ngoại giao Thụy Sỹ hy vọng rằng phòng hội thảo mới với cái tên mang địa danh nơi Liên hợp quốc đặt trụ sở, sẽ góp phần phục vụ công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu hàng đầu về quan hệ quốc tế, ngoại giao và chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bon-gach-dau-dong-trong-chuyen-tham-viet-nam-cua-pho-tong-thong-bo-truong-ngoai-giao-thuy-sy-154188.html