Bốn tập đoàn lớn của Hàn Quốc tăng cường ứng phó với vấn đề chuỗi cung ứng

Bốn tập đoàn lớn của Hàn Quốc là Samsung, SK, Hyundai Motors và LG, gần đây đã tăng cường tuyển dụng các chuyên gia về lĩnh vực và tập trung củng cố các cơ cấu chuyên môn để ứng phó với tình hình mới

Biểu tượng của Samsung Electronics. Nguồn ảnh: Reuters

Biểu tượng của Samsung Electronics. Nguồn ảnh: Reuters

Trong bối cảnh làn sóng tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu đang tăng tốc, bốn tập đoàn lớn của Hàn Quốc là Samsung, SK, Hyundai Motors và LG, gần đây đã tăng cường tuyển dụng các chuyên gia về lĩnh vực và tập trung củng cố các cơ cấu chuyên môn để ứng phó với tình hình mới. Tập đoàn LG của Hàn Quốc cho biết họ sẽ ra mắt Trung tâm Chiến lược Toàn cầu vào đầu tháng Bảy tới để ứng phó với vấn đề mạng cung ứng. Giáo sư Yoon Chang-ryeol thuộc Đại học Quốc gia Seoul, người từng là đảm nhiệm vai trò quan trọng tại Văn phòng điều phối chính sách Chính phủ, sẽ là người đứng đầu trung tâm.

Giới chức trong ngành cho biết kế hoạch thành lập Trung tâm chiến lược toàn cầu của tập đoàn LG nhằm tổ chức lại cơ cấu để đáp ứng một cách có hệ thống các chính sách toàn cầu như các vấn đề về chuỗi cung ứng vốn do Viện phát triển quản lý LG đảm nhiệm. Viện Phát triển Quản lý, đóng vai trò là cơ quan tư vấn cho Tập đoàn LG, bao gồm Viện Nghiên cứu Quản lý, Viện Nghiên cứu AI và Viện Inhwa.

Trung tâm Chiến lược Toàn cầu mới của LG khi được vận hành sẽ tích hợp thêm chính sách tổng thể để ứng phó với các vấn đề mới của chuỗi cung ứng, bao gồm cả pin xe điện vấn đề phát sinh khi Mỹ áp dụng Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và luật về Nguyên liệu thô cốt lõi của Liên minh châu Âu (CRMA) .

Giới phân tích cho rằng việc cơ cấu lại tổ chức của các tập đoàn xuất phát từ bối cảnh chung là việc chuỗi cung ứng toàn cầu đang mở rộng và nhu cầu về cần phải có một chính sách đối ngoại tích hợp.

Sau cú sốc từ việc Mỹ công bố IRA tháng 8/2022, các công ty con của LG thuộc lĩnh vực pin xe điện như LG Energy Solutions và công ty về vật liệu LG Chem đã bị ảnh hưởng trực tiếp.

Khi Mỹ điều chỉnh tỷ lệ khai thác các khoáng sản chính từ Trung Quốc để sản xuất pin, các cuộc đàm phán về các quy định chi tiết với chính phủ các nước và công ty ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc đã nổi lên như một nhiệm vụ hàng đầu.

Do việc tổ chức lại chuỗi cung ứng do Mỹ dẫn dắt trùng với thời điểm bùng phát lây nhiễm dịch COVID-19 tại Hàn Quốc nên bốn tập đoàn lớn của nước này đã âm thầm cạnh tranh trong việc thu hút nhân lực chuyên môn để mở rộng các cơ cấu ứng phó chuyên biệt.

Công ty ô tô Hyundai đã tăng cường lãnh đạo có chuyên môn bằng cách thuê cựu thư ký báo chí nước ngoài Kim Dong-jo làm Giám đốc điều hành. Đầu tháng Ba vừa qua, SK Group cũng đã thành lập nhóm Quan hệ công chúng toàn cầu (GPA) trực thuộc Hội đồng Supex. Phó Chủ tịch Kim Jong-il, cựu Trưởng phòng chiến lược trật tự thương mại mới tại Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng đã được tập đoàn này chiêu mộ từ năm 2022.

Samsung Electronics đã tuyển dụng cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert làm trưởng nhóm hợp tác đối ngoại khu vực Bắc Mỹ từ tháng 3/2022 khi nhu cầu về một liên minh bán dẫn giữa Hàn Quốc và Mỹ gia tăng. Vào tháng Bảy năm ngoái, Kwon Hyuk-woo, cựu Cục trưởng Cục thương mại châu Mỹ thuộc Bộ Công nghiệp đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu nhóm GPA trong lĩnh vực bán dẫn (DS) của tập đoàn.

Giới chức trong ngành cho biết khi mặt trận liên minh công nghiệp với các nước lớn mở rộng, không chỉ các tập đoàn lớn mà các công ty của Hàn Quốc cũng đang phải nỗ lực để mở rộng hệ thống ứng phó toàn cầu trong thời gian tới. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bao gồm cả chất bán dẫn và pin đang trở thành lĩnh vực cạnh tranh chú yếu thì các chính sách hỗ trợ và kết nối mạng lưới toàn cầu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực hợp tác quốc tế và chính sách toàn cầu được cho là sẽ di chuyển sang khu vực tư nhân./.

Khánh Vân/TTXVN (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bon-tap-doan-lon-cua-han-quoc-tang-cuong-ung-pho-voi-van-de-chuoi-cung-ung/294446.html