Bốn tháng, khoảng 670 nghìn lao động bị mất việc làm

Trong bốn tháng qua, khoảng 670 nghìn lao động bị mất việc làm. Riêng trong tháng 4, số lao động mất việc làm tăng 270 nghìn người. Thời điểm này cũng ghi nhận số lao động tại các doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động do dịch Covid-19 chiếm khoảng 6%, tăng 4% so với tháng trước đó.

Lao động ngành dệt may gặp nhiều khó khăn trong thời điểm đầu năm 2020 (Ảnh minh họa: Vinatex).

Lao động ngành dệt may gặp nhiều khó khăn trong thời điểm đầu năm 2020 (Ảnh minh họa: Vinatex).

Nhiều khó khăn trong thị trường lao động - việc làm

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, do tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động, trong bốn tháng đầu năm, số lao động bị mất việc làm khoảng 670 nghìn lao động. Riêng trong tháng 4 năm nay, số mất việc làm tăng 270 nghìn người, chiếm hơn 40% tổng số lao động trong bốn tháng đầu năm.

Cũng trong tháng 4, lao động tại các doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động do dịch Covid-19 chiếm khoảng 6%, tăng 4% so với tháng 3 năm 2020.

Nhìn vào số lao động mất việc làm trong tháng 4, lao động làm trong ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm số lượng nhiều nhất, với hơn 80,2 nghìn người. Tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ, với gần 50 nghìn người. Ngoài ra, ngành vận tải - kho bãi, có hơn 20,5 nghìn lao động mất việc làm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có gần 15 nghìn lao động.

Số lao động bị mất việc làm tập trung ở những nơi có thị trường lao động phát triển như đồng bằng sông Hồng (gần 45 nghìn người), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung (hơn 65,2 nghìn người), Đông Nam Bộ (hơn 84,4 nghìn người) và đồng bằng sông Cửu Long (hơn 40 nghìn người).

Hơn năm triệu lao động cũng phải ngừng việc trong tháng 4, ghi nhận mức tăng cao, chủ yếu tập trung ở các ngành, các vùng và địa phương bằng nơi có người lao động mất việc lớn. Thí dụ, ngành như công nghiệp chế biến chế tạo (hơn 1,3 triệu lao động), ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 1 triệu lao động), ngành vận tải kho bãi (khoảng 400 nghìn lao động) và ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 750 nghìn lao động).

Nhóm lao động trong khu vực phi chính thức dễ bị tổn thương. Đặc biệt, trong tháng 4 năm 2020, hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều bị ảnh hưởng xấu hơn, cao nhất là việc làm của khu vực dịch vụ và ăn uống giảm mạnh tới hơn 80%. Nhiều lao động như bán hàng rong, bán buôn nhỏ lẻ, xây dựng… phải tạm dừng hoạt động kinh doanh để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.

Theo báo cáo của một số tập đoàn, tổng công ty lớn, như: Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Pouchen, các công ty da - giày… số lượng đơn hàng trong những tháng vừa qua, đặc biệt là trong tháng 4 năm nay bị cắt giảm từ 40-60%. Vì vậy, các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì việc làm cho người lao động. Thậm chí, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không có đến 98% lao động tạm nghỉ việc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn đang cố giữ chân người lao động bằng nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu là cho người lao động nghỉ luân phiên, giãn ca, giảm giờ làm…. mà chưa tính đến sa thải lao động.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), chia sẻ, do ngành dệt may là ngành thâm dụng lao động, kỹ năng giản đơn, thu nhập trung bình thấp nên người lao động không có tích lũy. Nếu đã cho ngừng việc, nghỉ việc, khả năng mất hơn 50% lao động là rất thực tế. Khi đó, dù thị trường có sớm quay lại, doanh nghiệp cũng không còn cơ hội sản xuất, kinh doanh để bù lại các tổn thất từ dịch bệnh. Do vậy, doanh nghiệp dệt may gần như không chọn giải pháp cho ngừng việc hưởng hỗ trợ từ gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ mà chọn ưu tiên đủ chi phí trả lương trên mức tối thiểu cho toàn bộ người lao động. Tập đoàn Dệt May cũng lên kế hoạch sản xuất linh hoạt, làm ba ca khi có nhu cầu, nghỉ bù khi thiếu đơn hàng. Tổ chức sản xuất 40 giờ mỗi tuần thay vì 54 giờ mỗi tuần như trước kia để bảo đảm 100% lao động có việc làm, dù thu nhập có thấp đi.

Tập đoàn chủ động là đầu mối tổ chức sản xuất nhanh các mặt hàng mới như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, với tất cả các doanh nghiệp của mình, đưa ra thị trường đầu tiên và đã sản xuất hơn 100 triệu sản phẩm, xuất khẩu hơn 50 triệu sản phẩm. Vinatex tập hợp các khó khăn, vướng mắc, chủ động báo cáo đề xuất với Chính phủ nhưng tập trung tự lực giải quyết ngay từ ngày đầu đi làm sau Tết Nguyên đán.

Với Vinatex, dự báo mức độ thiếu việc trong tháng 4, tháng 5 là khoảng 40-45 nghìn lao động. Nhưng trong thực tế, số lao động thiếu việc chỉ bằng một nửa so với dự báo, từ 22 đến 24 nghìn người.

Hơn 272 nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Người lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: Duy Linh).

Người lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: Duy Linh).

Số liệu từ các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước cho thấy, tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm đến nay là 272.567 người, tăng 20% so với bốn tháng đầu năm 2019. Trong đó, con số tăng cao nhất vào tháng 4, với 102.195 người.

Dự kiến, số lượng hồ sơ được các trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận trong tháng 5 sẽ tăng hơn nhiều so với tháng 4 và cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do số lao động mất việc làm tăng hơn, trong khi nhiều người lao động chưa nộp hồ sơ vì quy định giãn cách xã hội ở thời điểm tháng 4.

Trong tháng năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Theo tính toán, dự báo số lao động mất việc làm trong tháng 5 sẽ tăng thêm khoảng 80 nghìn lao động so với tháng 4, nâng tổng số lao động mất việc làm lên 750 nghìn lao động trong năm tháng đầu năm.

Trong quý 2, tình hình lao động ngừng việc có xu hướng giảm do doanh nghiệp bắt đầu cho lao động trở lại làm việc, nhưng số doanh nghiệp bị ảnh hưởng lại có thể tiếp tục tăng cao tới 75-80% do ảnh hưởng của những tháng dịch trước và do diễn biến xấu của kinh tế thế giới.

Số lao động phi chính thức bị thất nghiệp trong tháng 5 ước tính khoảng 1,5 triệu người. Trong tháng còn lại của quý 2, xu hướng này sẽ giảm vì người lao động bắt đầu quay trở lại đi tìm việc sau khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam bắt đầu được khống chế.

HÀ DUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44414302-bon-thang-khoang-670-nghin-lao-dong-bi-mat-viec-lam.html