Bốn tháng không thu được 1 đồng, không còn sức chờ hưởng hỗ trợ
Các DNNVV chiếm 95% tổng số DN, đóng góp 45% vào GDP, 31% tổng số thu ngân sách hàng năm và thu hút hơn 5 triệu lao động. Dịch Covid 19 đã đẩy cộng đồng DNNVV lâm vào khó khăn, nhiều đơn vị nguy cơ phá sản.
Doanh nghiệp bế tắc
Theo số liệu của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 DN đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 95%. Các DNNVV đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách hàng năm và thu hút hơn 5 triệu lao động.
Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV. Chẳng hạn như ưu đãi về thuế, tín dụng; tạo nguồn vốn và mặt bằng sản xuất kinh doanh; cung cấp thông tin thị trường và xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực quản trị DN, đào tạo nghề cho lao động,... Tuy nhiên, các DNNVV vẫn rất nhỏ bé.
Hầu hết các DNNVV hiện chỉ có số vốn điều lệ khoảng 10 tỷ đồng với 10-20 lao động. DNNVV chủ yếu làm trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại, chỉ có 20% làm sản xuất. Máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các DNNVV chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình và 52% là lạc hậu và rất lạc hậu. Cùng với đó, năng suất lao động thấp.
Dịch Covid-19 vừa qua đã đẩy cộng đồng DNNVV lâm vào khó khăn lớn, nhiều đơn vị trước nguy cơ phá sản. Do có 80% kinh doanh thương mại và dịch vụ nên thời gian qua, nhiều DNNVV đã phải tạm ngừng hoạt động, đứng trước nguy cơ phá sản cao.
Nhiều ý kiến gửi tới Hiệp hội DNNVV thời gian qua cho thấy, chưa khi nào, các DN lại rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Trong suốt 3 tháng chịu tác động của dịch bệnh, doanh thu của các DNNVV giảm mạnh, thậm chí là không có thu nhập. Hiện tại, vấn đề khó khăn nhất chính là tổng cầu giảm và đầu ra chưa phục hồi, tiếp đến là tình trạng thiếu vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn.
Bàn về những giải pháp được Chính phủ đưa ra để hỗ trợ DN, như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất 5 tháng, nhiều DNNVV nhận xét chưa đủ mạnh để giúp họ vượt qua khó khăn.
Chẳng hạn, với các DN kinh doanh du lịch, lữ hành 4 tháng đầu năm nay gần như không có doanh thu, vì vậy giãn thuế cũng không tạo ra được dòng tiền. Nhiều DN thuộc các ngành nghề khác, doanh thu giảm mạnh chỉ còn 20-50% so với trước, thua lỗ nên việc giãn thuế không đem lại nhiều hiệu quả. Còn gia hạn tiền thuê đất, chỉ những DN thuê của Nhà nước mới được hưởng, các DNNVV hầu hết không được hưởng.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội, thừa nhận, những chính sách này chỉ là bổ trợ, chứ không đủ sức nặng giúp DN thoát khó khăn.
Ngày 16/6/2020, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập phải nộp năm 2020 cho DN nhỏ, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, theo đề xuất của Chính phủ. Đại biểu Trần Hoàng Ngân, TP.HCM cho rằng chính sách này mang tính "động viên, chia sẻ" chứ chưa hỗ trợ được nhóm DN khó khăn nhất. Những DN năm nay kinh doanh có lãi thực sự là anh hùng lao động.
Vẫn lay hoay hỗ trợ
Để vượt qua khó khăn, DNNVV cần được giãn nợ, giảm lãi suất cho vay số nợ cũ, cùng với đó, được vay mới với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình thì rất nhiều DN không tiếp cận được, do không có tài sản đảm bảo.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai, chia sẻ, nhiều DNNVV rất mong muốn được vay vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh, nhưng không dễ tiếp cận do những ràng buộc về mặt thủ tục, các thỏa thuận, quy trình thẩm định cho vay giữa ngân hàng với DN. Nhiều nhà băng vẫn thẩm định, đánh giá phần lớn các khoản vay bằng tài sản thế chấp, chứ chưa chú trọng vào hiệu quả từ phương án kinh doanh. Điều này làm cho các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp.
Theo VCCI, sau dịch Covid-19, việc tiếp cận vay vốn ngân hàng của DNNVV còn khó khăn hơn. Một số ngân hàng vẫn có tâm lý ngần ngại vì lo DNNVV không có khả năng trả nợ, khiến DN bế tắc trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh. Không những thế, chi phí vay vốn ngân hàng của DNNVV thường cao hơn so với của DN lớn, khoảng 1-2%/năm; tỷ lệ chi phí không chính thức đối với DNNVV còn lớn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, tại tọa đàm: “Làm gì để giải cứu doanh nghiệp sau Covid-19” mới đây đánh giá sự hỗ trợ hiện còn chậm, manh mún, không ra tấm ra món. Trong khi đó, nhiều quốc gia chỉ cần 1-2 tuần đã có những chương trình lớn hỗ trợ người dân, DN thay vì loay hoay như Việt Nam.
5 tháng đầu năm 2020 có 26.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, trong số này có rất nhiều DNNVV. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đó là những DN chưa bỏ cuộc, vẫn muốn giữ thương hiệu, giữ người lao động để chờ cơ hội, Chính phủ nên tạo cơ hội cho DN vượt khó bằng một số chính sách thiết thực. Trường hợp có thể cân nhắc được thì nên nới rộng khoản hỗ trợ.
Vấn đề DNNVV cần là vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Tại Mỹ, Chính phủ đã tài trợ thẳng cho 4 ngân hàng lớn hàng trăm tỷ USD. Nhờ một lượng tiền lớn, ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Hay một số quốc gia đã tung ra các gói bảo lãnh tín dụng cho DN, có nơi lên tới 70% khoản vay. Không bơm tiền thật thì DN khó vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, thời gian gia hạn nộp thuế không thể chỉ kéo dài vài tháng, mà phải 1-3 năm, để DN luân chuyển được dòng vốn, từ đó giúp kinh tế phục hồi, chuyên gia Nguyễn Đình Cung góp ý.