Bốn thập niên từ biểu tượng 'mặt cười' đến emoji

Các biểu tượng cảm xúc emoticon ban đầu và emoji ngày nay được dùng như một phần không thể thiếu trong ngôn ngữ nhắn tin, đặc biệt là với giới trẻ. Có thể nói emoji gần như trở thành một loại ngôn ngữ mới trong thời đại kỹ thuật số.

“Biểu tượng mặt cười” là cách gọi phổ thông của emoticon trước đây và emoji hiện nay giờ đã trở thành công cụ giao tiếp đặc trưng trong môi trường trực tuyến. Nếu tính từ khi emoticon đầu tiên xuất hiện năm 1982, ngôn ngữ ký hiệu này đã phát triển mãnh liệt trong suốt hơn 40 năm qua.

Theo Unicode Consortium, tính đến năm 2023 đã có hơn 3.600 emoji được tổ chức này công nhận. Đây là con số đáng chú ý nếu so với năm 2015, số lượng emoji chỉ ở mức 722 biểu tượng. Rất nhiều biểu tượng mới được tạo ra bằng những chuỗi ký tự phức tạp hơn để đáp ứng nhu cầu diễn đạt cảm xúc của con người.

Trong xu thế số hóa toàn cầu, emoji đã trở thành công cụ giao tiếp quan trọng, đóng vai trò như một ngôn ngữ cầu nối của thời đại kỹ thuật số.

Biểu tượng “mặt cười” vẫn tươi trẻ ở tuổi trung niên

Hơn 40 năm trước, vào ngày 19-9-1982, ông Scott E Fahlman, khi đó là giảng viên Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) đã gõ các biểu tượng và để phân biệt các bài viết khôi hài và nghiêm túc trên bảng thông tin điện tử của trường. Các emoticon này nhanh chóng lan truyền sang các trường đại học khác và được dùng trong cả e-mail. Khi web phát triển mạnh trong thập niên 1990 thì Internet tới đâu, “mặt cười” cũng xuất hiện ở đó.

Lý do sử dụng các biểu tượng này được ông Fahlman lý giải là gương mặt tươi cười sẽ làm giảm sự căng thẳng trong những cuộc tranh luận nảy lửa trên Internet. Những biểu tượng “mặt cười” này được ưa chuộng vì là tác dụng làm dịu bớt sự công kích.

Emoticon được biết đến ở Việt Nam khá sớm, không lâu sau khi Việt Nam nối mạng Internet vào cuối năm 1997. Trong giai đoạn đầu, ngôn ngữ emoticon còn ở dạng đơn giản như mặt vui :‑), mặt buồn :-(, rất vui :-))… và được dùng trong e-mail hay chatroom. Tuy nhiên, việc sử dụng emoticon và emoji chỉ phổ biến sau khi phần mềm chat Yahoo! Messenger (YM) phổ biến ở Việt Nam từ đầu thập niên 2000.

Đến năm 1997, sau khi emoticon đầu tiên xuất hiện 15 năm, công ty tiên phong trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến AOL (Mỹ) đã ra mắt chatroom và phần mềm nhắn tin nhanh (Instant Message – IM) AIM. Điều thú vị là người Việt Nam tiếp cận với các công nghệ nhắn tin này rất nhanh. Năm 1997, AOL ra mắt AIM thì chỉ ít lâu sau đã có người Việt biết sử dụng. Một trong những ứng dụng thú vị của AIM lúc đó là dùng để nhắn tin trò chuyện với người thân ở nước ngoài, đặc biệt là giúp các cặp đôi đang tìm hiểu, hẹn hò tiết kiệm rất nhiều tiền điện thoại quốc tế.

Sang năm 1998 sau khi Yahoo! tung ra YM với nhiều tính năng mới, YM được sử dụng không chỉ để tán gẫu thông thường mà còn trở thành một kênh liên lạc quan trọng trong công việc và AIM nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.

Từ emoticon đến emoji

Nếu như emoticon được lan tỏa rộng rãi nhờ các phần mềm nhắn tin nhanh thì emoji lại được phổ biến nhờ điện thoại thông minh (smartphone).

Sau khi phổ biến toàn cầu, các biến thể của emoticon bắt đầu xuất hiện. Trong số này có thể kể đến kaomoji được xem như “emoticon phương Đông”, sử dụng phổ biến tại Nhật vào giữa thập niên 1980. Đặc trưng của loại emoticon này là kết hợp các dấu hoa thị, dấu gạch dưới và dấu ngoặc đơn, như (*_*), để tạo ra những biểu tượng sinh động hơn “emoticon phương Tây”.

Sau khi smartphone iPhone của hãng Apple ra đời và phổ biến, “emoticon phương Đông” một lần nữa lột xác trong phát triển để trở thành emoji và định hình đến nay. Điều thú vị là thuật ngữ “emoji” không hề dính dáng gì đến từ gốc “emoticon” như nhiều người nghĩ mà lại là một từ thuần Nhật, với “e” nghĩa là hình ảnh, “mo” là viết và “ji” là ký tự.

Bộ 176 emoji đầu tiên do ông Shigetaka Kurita tạo ra vào năm 1999, khi làm việc cho i-mode, nền tảng Internet di động của nhà mạng Docomo. Ông Kurita đã tạo ra những hình ảnh 12×12 pixel, có thể được chọn từ giao diện kiểu bàn phím điện thoại trong i-mode để gửi nhanh emoji.

Ý tưởng của Kurita là tạo ra hình ảnh để chuyển tải thông tin đơn giản, ví dụ như biểu tượng đám mây thay cho mô tả trời nhiều mây. Ngoài ra, tương tự như ông Fahlman suy nghĩ khi tạo ra emoticon, các biểu tượng emoji giúp đưa cảm xúc vào tin nhắn để giảm bớt sự khô khan, lạnh lùng của văn bản thuần túy.

Tuy ra đời từ thập niên 1990 nhưng mãi đến năm 2012, khi Apple tung ra iOS 6 thì emoji mới thật sự bùng nổ và phổ biến khắp thế giới. Emoji trở thành một cuộc đua sôi động giữa các hãng sản xuất smartphone như Samsung, Apple… trong việc tạo ra những bộ emoji động, cá nhân hóa.

Với sự bùng nổ trong sử dụng, năm 2013 từ “emoji” được từ điển Oxford chọn đưa vào như một từ thông dụng giống một số từ Nhật Bản trước đó như “anime”, “manga”, “sushi”, “kimono”. Emoji từng được Nhà Trắng (văn phòng tổng thống Mỹ) đề cập trong báo cáo kinh tế sử dụng emoji vào năm 2014. Đến 2015, biểu tượng emoji “cười ra nước mắt” được từ điển Oxford chọn là “Từ của năm”.

Unicode Consortium là tổ chức chịu trách nhiệm về quy chuẩn ký tự tạo ra emoji. Năm 2007, emoji được nhóm quốc tế hóa phần mềm tại Google đề xuất Unicode Consortium công nhận. Đến năm 2010, emoji được Unicode Consortium công nhận và định chuẩn Unicode. Nhờ đó, các bộ emoji của các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau có thể xuất hiện trên mọi thiết bị nhờ dùng chung bộ quy chuẩn tạo emoji.

Tường Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bon-thap-nien-tu-bieu-tuong-mat-cuoi-den-emoji/