Bốn tiếng 'liệt sĩ vô danh' thiêng liêng vô cùng, sao phải đổi?
Các liệt sĩ ngã xuống lòng đất mẹ, hóa thân thành Tổ quốc. Bốn tiếng 'liệt sĩ vô danh' giản dị mà linh thiêng vô cùng.
Hơn 20.000 bia mộ “liệt sĩ vô danh” đã được tỉnh Quảng Nam đổi thành “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.
Chi phí đặt mặt bia, thuê nhân công, ráp vào sẽ tốn 300 nghìn đồng/phần mộ. Ngân sách nhà nước đã chi khoảng 6 tỷ đồng để Quảng Nam thực hiện việc này.
Hiện nay, trên cả nước còn gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin về tên, tuổi, quê quán. Bộ LĐ-TB&XH đang quyết liệt chỉ đạo tất cả các bia mộ liệt sĩ còn ghi là "vô danh" đều phải khắc lại tên mới là "liệt sĩ chưa xác định được tên".
Về vấn đề đổi tên trên bia mộ “liệt sĩ vô danh” thành ‘liệt sĩ chưa xác định được tên”, độc giả Hoàn Dân bày tỏ: “Hãy cứ để những chiến sĩ dũng cảm hy sinh ấy được mang bia mộ Liệt sĩ vô danh, vì họ đã cùng nhau hóa thân vào non sông, đất nước này. Họ còn lưu danh mãi với lịch sử”.
“Những liệt sĩ không để lại danh tính được mọi người tưởng niệm với tâm thành kính là ''liệt sĩ vô danh'', từ trước tới nay không có gì thất kính. Nay, bia mộ họ lại được đổi tên ''liệt sĩ chưa xác định thông tin'', điều này đồng nghĩa là ''sẽ xác định thông tin'', vậy lúc nào sẽ ''xác định'' được?”, bạn đọc Khả Lửng Lê Nguyễn nêu quan điểm.
Bạn đọc Lê Hùng cho hay: “Cá nhân tôi thích tên bia mộ cũ hơn, vì nó mang ý nghĩa thiêng liêng. Dòng chữ "Chưa xác định được thông tin" chỉ nên để trong văn bản, không nên khắc lên bia mộ. Các cơ quan chức năng nên làm khảo sát, lấy ý kiến của các lão thành cách mạng, thân nhân liệt sĩ, lãnh đạo ở các địa phương trên cả nước”.
Còn bạn đọc Khanh Lê viết: “Bốn tiếng liệt sĩ vô danh bình dị mà linh thiêng sâu sắc, sao chúng ta phải đổi lại?”.
“Ý nghĩa của từ Liệt sĩ vô danh không sai vì được hiểu rằng do chưa xác định được tên của liệt sĩ chứ không phải là liệt sĩ đang nằm trong nấm mộ không có tên. Theo tôi, chúng ta chỉ sửa lại tên trong trường hợp đã xác định chính xác tên của liệt sĩ, còn không thì vẫn nên để nguyên”, bạn Si Tran Van bày tỏ quan điểm.
Ngân sách nên dành cho việc thiết thực hơn
Bạn đọc Quý Lê cho rằng, hãy để số tiền sửa bia mộ đó cho những việc có ý nghĩa, thiết thực hơn. “Liệt sĩ vô danh là liệt sĩ chưa xác định được tên, ai cũng hiểu một cách trân trọng như thế, không nên cố tình hiểu theo các nghĩa khác để rồi tiêu tốn ngân sách”, bạn đọc bày tỏ.
“Gọi thế nào không quan trọng, điều quan trọng hơn là chúng ta hãy khắc ghi sự hy sinh cao cả của những người đã giành lại độc lập cho đất nước và dành sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn nữa đến thân nhân của người đã khuất”, bạn Văn Khoa Nguyễn viết.
Đồng quan điểm, bạn Bình Nguyễn, Nhân Ái cho rằng, số tiền đó hãy để chăm lo cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình người có công, những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.