Bốn trụ cột của Mỹ ở Trung Đông đang lung lay?
Chính quyền tiếp theo phải tìm ra một con đường không liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ai Cập và Ả Rập Saudi, nhận định của cây viết Hisham Melhem trên trang Financial Times gần đây.
Chiến lược của Mỹ tại Trung Đông đã dựa trên bốn trụ cột của Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Ai Cập kể từ cuối những năm 1970.
Tạo dựng nên thành công của Mỹ tại Trung Đông
Thành công của Hoa Kỳ trong khu vực, ít nhất một phần, là từ sự hợp tác chặt chẽ với một hoặc nhiều trong số các quốc gia này: hiệp ước hòa bình Ai Cập - Israel năm 1979; kiềm chế cuộc cách mạng Iran; những thất bại của Liên Xô ở Afghanistan, sự nổi lên của al-Qaeda và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, 40 năm sau, sự trì hoãn trong hành động của Mỹ và sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc trong khu vực đã dẫn đến việc 4 nước này sử dụng những hành động vũ trang bên ngoài lãnh thổ của họ để định hình vận mệnh của những người hàng xóm yếu hơn. Hoa Kỳ ngày nay chủ yếu là một người quan sát khi ảnh hưởng của Nga vẫn không ngừng tăng lên. Trong khi ông Donald Trump đã phát triển mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với các nhà lãnh đạo của các quốc gia này, thì chính các quốc gia này đang rút cạn sự thiện chí lớn lao từng có ở Mỹ.
Chỉ có Israel vẫn đang nhận được sự ủng hộ thực sự từ Washington. Tuy nhiên, việc họ đối xử cứng rắn với người Palestine và định hướng chính trị ngày càng mang tính sô vanh đã làm suy yếu vị thế của họ ở Mỹ, đặc biệt là trong đảng Dân chủ và cộng đồng Do Thái. Còn hình ảnh 3 nước còn lại cũng ngày càng bị giảm tại Mỹ, cả trong dư luận và chính phủ.
Điều đáng chú ý là cả cựu tổng thống Barack Obama và ông Trump đều tin rằng các vấn đề phức tạp của khu vực không phù hợp với các giải pháp của Mỹ. Ông Obama nhìn thấy một khu vực có những thế lực tự do đang lên và thủ lĩnh các nhóm này nên có trách nhiệm với các vấn đề của chính họ. Còn ông Trump, người muốn dỡ bỏ gánh nặng tài chính ở đây, muốn rút các lực lượng Mỹ khỏi Nam Á và Trung Đông. Cả hai người đều chấp nhận thế mạnh của Nga ở các quốc gia bị chiến tranh bào mòn như Syria và Libya, và cả hai đều bị Iran ám ảnh, theo những cách rất khác nhau. Ông Obama đã thành công kí kết được thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran trong khi ông Trump rút Mỹ khỏi văn bản này với niềm vui sướng.
Thổ Nhĩ Kỳ và Israel hiện đang xung đột với nhiều nhóm vũ trang ở Syria, nơi các lực lượng dường như đang đối phó nhau để định hình lại một quốc gia khác xa thời kỳ ban đầu. Thổ Nhĩ Kỳ đang đè bẹp khát vọng chính trị của người Kurd ở Syria và Israel thì muốn sáp nhập một phần quan trọng của Bờ Tây khiến cho sự chiếm đóng của họ trở thành một cuộc chinh phạt vĩnh viễn.
Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã phái các lực lượng vũ trang của mình đến các tỉnh cũ của Đế chế Ottoman, từ Syria và Iraq gần đó, rồi đến Libya, nơi Ankara muốn thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực để bảo vệ các khoản đầu tư kinh tế trong quá khứ và bảo đảm các khoản đầu tư mới. Mới đây, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cũng đe dọa sẽ can thiệp quân sự vào Libya để kiềm chế những bước tiến quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chấm dứt quan hệ đặc biệt
Khi ông Obama yêu cầu các quốc gia vùng Vịnh nhận trách nhiệm nhiều hơn về nhu cầu an ninh của mình, ông đã không lường trước được rằng Hoàng Thái tử quyền lực của Saudi Arabia Mohammed bin Salman sẽ nhận lời kêu gọi để thực hiện chiến dịch không kích dữ dội chống lại kẻ thù Houthi của mình Yemen. Thế giới dõi theo một cách bất lực cảnh tượng đất nước Ả Rập giàu có nhất đang đẩy những người nghèo nhất đến gần bờ vực, với sự hỗ trợ hậu cần đáng kể từ cả hai chính quyền Obama và Trump. Hàng chục ngàn dân thường, bao gồm nhiều trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của liên minh do Saudi dẫn đầu trong khi người Houthis đánh bom bừa bãi các thành phố Yemen và Saudi.
Chính quyền Mỹ tiếp theo nên đi con đường nào? Điểm khởi đầu là họ nên chấm dứt mối quan hệ đặc biệt với bốn quốc gia này, Hisham Melhem, một chuyên gia từ Viện các nước vùng Vịnh ở Washington nhận định.
Thổ Nhĩ Kỳ không còn là đồng minh, giờ đây họ đang được vũ trang bằng khí tài của nước Nga và trên con đường trở thành một đối thủ của Mỹ. Israel tiếp tục được hưởng sự tài trợ lớn về tài chính của Hoa Kỳ nhưng lập trường chính trị của họ hướng tới Mỹ là chưa đủ thân cận. Tiếp theo đó, Mỹ cũng không cần thể hiện sự ủng hộ với chế độ cứng rắn nhất ở Cairo kể từ năm 1952. Và khi giá dầu ở mức thấp kỷ lục và Mỹ đang sản xuất nhiều năng lượng hơn Saudi, Washington cũng không quá cần đến nguồn năng lượng dồi dào tại đây nữa.
Đã đến lúc Mỹ ngừng dựa vào bốn trụ nhạy cảm này. Bây giờ là thời điểm để các nhà hoạch định chính sách Mỹ tìm ra một con đường mới ở Trung Đông, Hisham Melhem khẳng định.
Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/bon-tru-cot-cua-my-o-trung-dong-dang-lung-lay-20200703163044483.htm