Bốn tuyến du lịch đặc biệt trong công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh

Sau thời gian dài nghiên cứu, các nhà khoa học công bố 90 điểm di sản có chọn lọc phân bố trên bốn tuyến du lịch hội tụ với nhau trong Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.

Ngày 9/6, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho biết sau thời gian dài khảo sát, nghiên cứu, các nhà khoa học xác định có khoảng 90 di sản chọn lọc nằm trên bốn tuyến hội tụ trong Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.

Hoàng hôn trên miệng núi lửa Thới Lới ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Minh Hoàng.

Hoàng hôn trên miệng núi lửa Thới Lới ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Minh Hoàng.

Công viên có diện tích tự nhiên rộng 4.600 km2, trong đó hơn 2.000 km2 đất liền với khoảng 900.000 người dân sinh sống trải dài 9 huyện, thành phố trên địa bàn Quảng Ngãi. Theo dự kiến, hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh được trình UNESCO cuối tháng 11, để xem xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Theo ông Trí, bốn tuyến du lịch hội tụ gồm tuyến phía Đông có tên gọi Bí ẩn nơi đảo thiêng. Đây chính là chuyến hải trình tham quan đảo Lý Sơn, vùng lõi của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Với 30 điểm di sản địa chất, văn hóa đan xen và tích hợp lẫn nhau, huyện đảo Lý Sơn mê hoặc lòng người với vách đá Hang Cau, miệng núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền ví như bảo tàng tự nhiên của lớp vỏ trái đất hàng triệu năm.

Lý Sơn là nơi chứa nhiều vết tích của lớp cư dân Sa Huỳnh từng sinh sống trên đảo 2.500 năm trước.

Dấu tích miệng núi lửa còn nguyên vẹn ở vùng biển gần bờ Ba Làng An, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Minh Hoàng.

Dấu tích miệng núi lửa còn nguyên vẹn ở vùng biển gần bờ Ba Làng An, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Minh Hoàng.

Ngược về tuyến phía tây đại ngàn trùng điệp của hương quế Trà Bồng, du khách sẽ bị cuốn hút vào Vũ điệu thời gian. Đó là vũ điệu của lục địa cổ, của các lớp thạch quyển nâng lên, hạ xuống, của các lớp đá biến chất va chạm vào nhau trong quá trình kiến tạo.

Quay vòng theo vũ điệu này, du khách có cơ hội đặt chân đến đỉnh núi Cà Đam, nóc nhà Quảng Ngãi có độ cao hơn 1.400 m so với mực nước biển... Xuôi về tuyến phía nam là bắt đầu Hành trình ngược về các nền văn hóa cổ, không gian xưa ẩn hiện dấu tích của các nền văn hóa rực rỡ Sa Huỳnh, Chămpa.

Đặc biệt, Kho chum Sa Huỳnh được phát hiện quanh đầm nước ngọt An Khê không chỉ hé lộ việc cư dân Sa Huỳnh cổ sống chủ yếu bằng nghề nông và đi biển, có nền sản xuất hàng hóa, giao thương phát triển mà còn khẳng định tục táng khu biệt rất điển hình.

Du khách rời trung tâm TP Quảng Ngãi có thể tham quan đệ nhất thắng cảnh Thiên Ấn Niêm Hà hay đắm mình ở bãi biển Mỹ Khê.

Bãi biển hoang sơ Bình Châu, nơi có 'Nghĩa địa tàu cổ' độc nhất vô nhị thế giới. Ảnh: Minh Hoàng.

Bãi biển hoang sơ Bình Châu, nơi có 'Nghĩa địa tàu cổ' độc nhất vô nhị thế giới. Ảnh: Minh Hoàng.

Du khách cũng sẽ bừng tỉnh trước tiếng gọi vọng lên từ biển Bình Châu của những con tàu cổ đắm. Một con đường gốm sứ trên Biển Đông, bên cạnh những thềm đá mài mòn, những vách đá kỳ thú ở Ba Làng An, Gành Yến được tạo nên từ hoạt động núi lửa phun trào hàng triệu năm trước.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm phát triển du lịch bền vững, dự kiến ngày 18-19/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế về giá trị di sản công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, với sự tham dự của khoảng 550 chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bon-tuyen-du-lich-dac-biet-trong-cong-vien-dia-chat-ly-son-sa-huynh-post954905.html