Bốn ưu tiên an ninh và đối ngoại Nhật Bản năm 2022

Năm 2022 sẽ đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Kishida Fumio thời gian tới.

Kể từ khi chính thức cầm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhanh chóng thúc đẩy quan hệ Nhật-Mỹ, “hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản” như ông từng nêu, với mục tiêu trước mắt là tìm kiếm một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tuy nhiên, Tokyo cũng cần tìm kiếm sự cân bằng trong mối quan hệ với Bắc Kinh - đối tác thương mại hàng đầu của nước này, song cũng là đối thủ cạnh tranh gay gắt hiện nay của Washington.

Sau đây là bốn ưu tiên hàng đầu về an ninh và đối ngoại của chính quyền ông Kishida năm 2022.

Chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio được cho là sẽ có bốn ưu tiên về an ninh và đối ngoại trong năm 2022. (Nguồn: Kyodo News)

Chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio được cho là sẽ có bốn ưu tiên về an ninh và đối ngoại trong năm 2022. (Nguồn: Kyodo News)

Chiến lược an ninh

Chính quyền của ông Kishida đã cam kết đánh giá và điều chỉnh lại Chiến lược An ninh Quốc gia, văn bản vạch ra chiến lược dài hạn về đối ngoại của Nhật Bản trong năm 2022, trong bối cảnh tài liệu này chưa được bổ sung, cập nhật kể từ năm 2013, dưới nhiệm kỳ Thủ tướng Abe Shinzo.

Ông Kishida và các quan chức hàng đầu đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “môi trường an ninh khắc nghiệt” là lý do quan trọng trong điều chỉnh Chiến lược An ninh Quốc gia, khẳng định chính phủ sẽ để ngỏ khả năng triển khai mọi phương án, bao gồm năng lực tấn công phủ đầu nếu bị đe dọa.

Cùng với đó, Tokyo sẽ tiến hành cập nhật hai cấu phần an ninh quan trọng khác trong năm nay là Chỉ dẫn Chương trình Phòng thủ Quốc gia, văn bản về chính sách quốc phòng cơ bản và Chương trình Phòng thủ Trung hạn, tài liệu về kế hoạch phát triển và ngân sách quốc phòng trong 5 năm.

Giám đốc chương trình Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Stimson (Mỹ) Yuki Tatsumi nhận định điều chỉnh này sẽ tác động lớn tới chính sách an ninh-đối ngoại của Tokyo trong ít nhất một thập kỷ tới.

Tuy nhiên, kết quả bầu cử Thượng viện không thuận lợi, hay sự bùng phát và lây lan của biến thể Omicron tại Nhật Bản có thể kìm hãm tầm nhìn, thậm chí đe dọa tới chiếc ghế Thủ tướng của ông Kishida.

Tuy nhiên, kết quả bầu cử Thượng viện không thuận lợi, hay sự bùng phát và lây lan của biến thể Omicron tại Nhật Bản có thể kìm hãm tầm nhìn `, thậm chí đe dọa tới chiếc ghế Thủ tướng của ông Kishida.

Củng cố liên minh Nhật-Mỹ

Tương tự hai người tiền nhiệm, ông Kishida đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Nhật-Mỹ. Chỉ trong vòng hai tháng kể từ cuộc bầu cử Hạ viện ngày 31/10/2021, Nhật Bản đã đạt thỏa thuận 5 năm với Mỹ, theo đó Tokyo sẽ tăng cường đóng góp ngân sách lên 1,05 nghìn tỷ Yen (tương đương 9 tỷ USD) cho lính Mỹ từ năm tài khóa 2022 tới 2026.

Đây là thành công quan trọng với ông Kishida khi ngân sách cho lực lượng đồn trú Mỹ chỉ tăng 5% thay vì con số 300% mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng yêu cầu trước đó. Tốc độ đàm phán và phê chuẩn nhanh cũng cho thấy rõ ưu tiên của cả Mỹ với Nhật Bản là về Trung Quốc.

Hai bên từng được cho là sẽ ký kết thỏa thuận này tại đối thoại “2+2” giữa Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại Washington ngày 7/1 tới. Tuy nhiên, do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, cuộc thảo luận dự kiến sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến. Song không vì thế mà nội dung đối thoại sẽ thay đổi: Hai bên dự kiến sẽ thảo luận về chính sách với Trung Quốc cũng như làm sâu sắc hơn hợp tác trong không gian và an ninh mạng. Nhật Bản cũng sẽ nhấn mạnh việc ngân sách quốc phòng đã tăng liên tiếp trong 8 năm qua, với đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Nhật Bản mong muốn gấp đôi ngân sách quốc phòng tương đương 2% GDP trong thời gian tới.

Về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và Nhật Bản có thể đề xuất kế hoạch tác chiến phối hợp giữa Quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong trường hợp có xung đột xảy ra tại khu vực này. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho rằng xung đột tại Đài Bắc có thể ảnh hưởng tới an ninh của Tokyo, trong khi ông Kishida cho rằng đây là “vấn đề lớn tiếp theo” với Nhật Bản.

Hai bên cũng đang gấp rút chuẩn bị cho thượng đỉnh song phương, với ông Kishida gọi cuộc gặp với ông Biden là “tối quan trọng” để xây dựng quan hệ cá nhân, củng cố sự tin tưởng lẫn nhau.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ bên lề COP26 tại Glasgow, Scotland. (Nguồn: Kyodo News)

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ bên lề COP26 tại Glasgow, Scotland. (Nguồn: Kyodo News)

Thách thức từ Trung Quốc

Trong khi đó, sự xuất hiện ngày càng thường xuyên của Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku hay tần suất tập trận tăng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa tại Eo biển Đài Loan đã khiến ông Kishida hiểu rằng Trung Quốc đã mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhiều so với lúc ông còn làm Ngoại trưởng.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhanh chóng phản ứng. Ông bổ nhiệm quan chức phụ trách lĩnh vực an ninh kinh tế và cố vấn cấp cao chuyên trách về quyền con người với trọng tâm là Trung Quốc. Đồng thời, Tokyo cùng Washington tẩy chay ngoại giao Olympic mùa Đông tại Bắc Kinh, dù bản thân ông Kishida tránh dùng từ “tẩy chay” để nói về hành động này.

Song với Bắc Kinh, ông Kishida cũng cần tìm cách để cân bằng, đảm bảo mối quan hệ Nhật-Trung. Cơ hội còn đó khi năm 2022, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đề cập câu chuyện này, ông Kishida từng nhận định: “Tôi tin rằng hai bên cần tiếp tục nỗ lực vì mối quan hệ ổn định giữa Nhật Bản và Trung Quốc, dù chúng ta vẫn cần thẳng thắn với nhau”.

Tuy nhiên, ông Kishida chưa tiết lộ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ khó khăn này, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang diễn biến phức tạp và đại dịch Covid-19 khiến các cuộc gặp gỡ trực tiếp khó khăn hơn, trong đó có chuyến công du Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tokyo cũng đã nhất trí thiết lập đường dây nóng với Bắc Kinh cuối năm nhằm tránh giảm thiểu nguy cơ đối đầu, xung đột, đặc biệt là tại khu vực quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.

Giáo sư về Chính trị quốc tế và Trung Quốc học tại Đại học Hosei (Nhật) nhận định: “Cân nhắc về thách thức đối nội và đối ngoại hiện nay của Nhật Bản, chính phủ ông Kishida sẽ cần theo đuổi một chính sách kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối thoại và đối đầu (với Trung Quốc)”.

Sự xuất hiện ngày một thường xuyên của tàu Trung Quốc gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku hay tần suất tập trận của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa tại Eo biển Đài Loan khiến ông Kishida hiểu rằng Trung Quốc đã mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhiều so với lúc ông còn làm Ngoại trưởng.

Hàn-Triều khó đổi chiều

Tuy nhiên, triển vọng cải thiện quan hệ giữa Tokyo và Seoul lại không mấy sáng sủa, ít nhất là cho đến khi nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kết thúc vào tháng Năm tới.

Ông Moon đã phản đối các thỏa thuận song phương vào năm 1965 và 2015 mà phía Nhật Bản cho là đã giải quyết triệt để vấn đề lao động thời chiến và phụ nữ mua vui trong Thế chiến II.

Trong khi đó, ông Kishida vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn so với người tiền nhiệm, khiến quan hệ song phương một lần nữa “đóng băng”. Trả lời phỏng vấn Kyodo News, Thủ tướng Nhật Bản cho rằng Hàn Quốc cần tuân thủ các thỏa thuận cũ, bằng không “mọi cuộc thảo luận sắp tới đều là vô nghĩa”. Rõ ràng, ông Kishida chưa thể mang lại tín hiệu tích cực cho quan hệ Nhật-Hàn.

Sau khi Giám đốc cơ quan Cảnh sát Hàn Quốc thăm quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima tháng 11, Nhật Bản đã thể hiện thái độ quyết liệt khi lập tức ngưng đối thoại, hủy họp báo chung giữa quan chức ngoại giao hai nước và Mỹ, cũng như từ chối sắp xếp điện đàm sớm cấp ngoại trưởng.

Chưa rõ liệu người kế nhiệm ông Moon có thể thay đổi thực tại này, song ít nhất, cả hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tháng Ba đều thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ Nhật-Hàn.

Mặc dù ứng cử viên đảng Dân chủ cầm quyền Lee Jae-myung cho biết sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Nhật Bản, song khi được hỏi về độ tin cậy của Tokyo như là một đối tác, một nhân vật thân cận với chính trị gia này cho biết ông sẵn sàng cải thiện hợp tác an ninh với cả Nhật Bản và Mỹ.

Trong khi đó, ứng cử viên Yoon Seok-youl của đảng Quyền lực Nhân dân đối lập, đã nhấn mạnh ý nghĩa của mối quan hệ đối tác này và coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu khi đắc cử.

Với cả hai, chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên có thể là cơ hội tốt để tăng cường hợp tác an ninh với Triều Tiên, lấy đó làm bước đệm để cải thiện quan hệ trong các lĩnh vực khác.

Quan ngại về Triều Tiên thể hiện rõ nét trong nỗ lực tăng ngân sách quốc phòng, cải thiện năng lực tác chiến của Nhật Bản lẫn Hàn Quốc. Vì thế, hợp tác an ninh ba bên với Washington có thể là hy vọng tốt nhất để cải thiện quan hệ sóng gió giữa Tokyo và Seoul. Hiện các bên đang phối hợp tổ chức cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng tại Hawaii trong tháng này sau hơn 2 năm gián đoạn.

Trong khi đó, triển vọng về thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là không sáng sủa, ngay cả khi Tokyo mong muốn gặp gỡ “vô điều kiện”.

Bốn ưu tiên về an ninh và đối ngoại của Tokyo đã rõ ràng, song triển khai chúng ra sao trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới năm 2022 dự kiến sẽ tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản với chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bon-uu-tien-an-ninh-va-doi-ngoai-nhat-ban-nam-2022-170113.html