Bốn ưu tiên sống còn để Syria thoát khỏi một cuộc chiến tranh khác
Ai có thể dự đoán rằng sau gần 14 năm nội chiến và 5 năm bế tắc, chính quyền Bashar al-Assad ở Syria sẽ sụp đổ chỉ trong một tuần? Với sự ra đi của ông Assad, câu hỏi cấp bách hiện nay là chính quyền mới cần làm gì để đảm bảo tương lai hòa bình cho đất nước.
Khi các nhóm đối lập do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu chiếm giữ thành phố lớn Aleppo vào cuối tháng 11 với sự kháng cự ít ỏi, các nhà bình luận đã tin rằng đây là sự khởi đầu cho sự sụp đổ của chính quyền Assad. Nhiều người dự đoán một cuộc chiến khốc liệt cho đến cùng.
Ông Assad đã bị bất ngờ và lực lượng của ông rõ ràng là không được chuẩn bị. Ông đã rút quân khỏi Aleppo để tập hợp lại và tranh thủ thời gian để quân tiếp viện từ Nga và Iran đến, và hy vọng các chiến binh đối lập sẽ dừng lại ở đó.
Nhưng điều đó đã không xảy ra. Được khích lệ bởi thành công nhanh chóng ở Aleppo, các chiến binh HTS không lãng phí thời gian và tiến về Hama, chiếm giữ thành phố này một cách dễ dàng. Họ nhanh chóng tiếp tục chiếm giữ Homs, thành phố lớn tiếp theo ở phía nam.
Trong khi đó, Nga đã cung cấp hỗ trợ không quân hạn chế cho chính quyền Assad. Còn Iran, sau khi đã làm suy yếu lực lượng của mình trong cuộc phòng thủ của Hezbollah chống lại Israel ở Liban, đã không thể cung cấp hỗ trợ đáng kể và đã rút quân còn lại khỏi Syria.
Và vào ngày cuối cùng, ông Assad đã trốn khỏi đất nước, và thủ tướng của ông đã chính thức trao lại quyền lực cho HTS. Sự kiện này đánh dấu sự kết thúc 54 năm nắm quyền của gia đình Assad tại Syria.
Di sản của ông Assad
Nhà nước Syria hiện đại được thành lập vào năm 1920 sau Hiệp định Sykes-Picot khi kết thúc Thế chiến thứ nhất. Syria trở thành một quốc gia ủy nhiệm của Hội Quốc Liên dưới sự kiểm soát của Pháp, và chỉ giành được độc lập vào năm 1944. Sau một thời kỳ hỗn loạn, bao gồm cả việc thống nhất với Ai Cập không thành công, Đảng Ba'ath đã giành quyền kiểm soát vào năm 1963 thông qua một cuộc đảo chính có sự tham gia của Hafez al-Assad.
Năm 1966, ông Hafez al-Assad đã lãnh đạo một cuộc đảo chính khác cùng với các sĩ quan khác từ nhóm thiểu số Alawite. Điều này cuối cùng dẫn đến một chế độ dân sự, với việc Hafez al-Assad trở thành tổng thống vào năm 1970.
Hafez al-Assad qua đời vào năm 2000, và con trai út của ông, Bashar al-Assad, đã lên nắm quyền tổng thống. Được đào tạo ở phương Tây để trở thành bác sĩ, Bashar al-Assad đã thể hiện hình ảnh ôn hòa và hiện đại, làm dấy lên hy vọng rằng ông có thể mở ra một kỷ nguyên mới về tiến bộ và dân chủ ở Syria.
Tuy nhiên, Bashar al-Assad sớm thấy mình phải điều hướng trong bối cảnh khu vực đầy biến động sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Các cuộc nổi loạn Mùa xuân Arab tràn vào đất nước, dẫn tới một cuộc nội chiến tàn khốc khiến ước tính hơn 300.000 người thiệt mạng, 5,4 triệu người tị nạn và 6,9 triệu người phải di dời ở trong nước.
4 ưu tiên cần thiết với Syria mới
Syria hiện do HTS và ban lãnh đạo của nhóm này, với thủ lĩnh Abu Mohammad al-Jolani, nắm quyền. Họ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trước mắt và 4 ưu tiên chính nếu không muốn đẩy đất nước vào một cuộc chiến tranh khác:
1) Củng cố quyền lực. Ban lãnh đạo mới sẽ phải cố gắng đảm bảo không có nhóm vũ trang nào có khả năng phản đối chế độ của họ, đặc biệt là tàn dư của chế độ cũ và các phe phái nhỏ hơn không thuộc lực lượng đối lập vừa giành chính quyền.
Quan trọng hơn, họ cũng sẽ cần thảo luận về cách thức chia sẻ quyền lực giữa liên minh các nhóm đối lập. Al-Jolani có khả năng trở thành tổng thống của Syria mới, nhưng cách thức phân bổ phần quyền lực còn lại vẫn chưa chắc chắn.
Có vẻ như phe đối lập đã không chuẩn bị để tiếp quản đất nước nhanh chóng như vậy và họ có thể không có thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Điều này sẽ cần phải được đàm phán và giải quyết nhanh chóng.
Chính phủ mới có khả năng sẽ công nhận Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd Syria (YPG) và các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát là một khu vực tự trị trong Syria. Tuy nhiên, một nhà nước người Kurd độc lập sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ, nước hậu thuẫn bên ngoài chính của phe đối lập, phản đối mạnh mẽ.
Mặc dù vậy, lịch sử dường như đang chuyển động có lợi cho người Kurd. Hiện nay có khả năng cuối cùng là một nhà nước Kurd độc lập, thống nhất ở miền bắc Iraq và đông bắc Syria thành một thực thể duy nhất.
2) Giành sự công nhận của quốc tế. Syria là một nơi rất phức tạp và đa dạng. Do đó, chính phủ mới chỉ có thể được duy trì nếu giành được sự công nhận của quốc tế.
Những bên đóng vai trò chủ chốt trong quá trình này là Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu, Mỹ và Israel (thông qua Mỹ). Có khả năng tất cả các thực thể này sẽ công nhận chính phủ mới với điều kiện là chính phủ này phải thành lập một chính quyền ôn hòa, kiềm chế không chiến đấu với YPG người Kurd và không ủng hộ Hezbollah hoặc Hamas.
Với thành công bất ngờ trong việc lật đổ chính quyền Assad nhanh chóng như vậy, phe đối lập có khả năng sẽ chấp nhận những điều kiện này để đổi lấy viện trợ và sự công nhận quốc tế.
3) Thành lập một chính phủ mới. Câu hỏi quan trọng là các lực lượng đối lập sẽ thiết lập loại trật tự chính trị nào. HTS và nhiều nhóm trong liên minh của họ là người Hồi giáo Sunni, trong đó HTS từng liên quan đến al-Qaeda. Tuy nhiên, HTS đã tách khỏi tổ chức khủng bố này vào năm 2016 và chuyển trọng tâm hoàn toàn sang Syria với tư cách là một phong trào đối lập.
Tuy nhiên, Syria cũng không nên mong đợi một chế độ dân chủ thế tục. Chính phủ mới cũng khó có thể giống với chế độ thần quyền cực đoan của Taliban.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với CNN, ông Jolani đã nêu ra hai điểm chính. Ông cho biết ông và các nhà lãnh đạo khác trong nhóm đã phát triển quan điểm và hiểu biết mới về Hồi giáo - điều cho thấy quan điểm cực đoan từ khi còn trẻ của họ đã giảm bớt theo thời gian. Ông cũng nhấn mạnh rằng phe đối lập sẽ khoan dung với các quyền tự do và quyền của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số.
Chi tiết cụ thể về cách thức điều này sẽ thể hiện vẫn chưa rõ ràng. Kỳ vọng là HTS sẽ thành lập một chính phủ bảo thủ trong đó Hồi giáo đóng vai trò chủ đạo trong việc định hình các chính sách xã hội và lập pháp.
Về mặt kinh tế và chính sách đối ngoại, các nhà lãnh đạo mới của đất nước có thể sẽ thực dụng, cởi mở với các liên minh với các cường quốc khu vực và toàn cầu đã ủng hộ họ.
4) Xây dựng lại đất nước và duy trì sự thống nhất. Điều này là cần thiết để ngăn chặn một cuộc nội chiến khác bùng nổ - lần này là giữa những người chiến thắng.
Một tuyên bố gần đây từ Ban Chính trị của HTS cho biết Syria mới sẽ tập trung vào xây dựng, tiến bộ và hòa giải. Chính phủ mới đặt mục tiêu tạo ra các điều kiện tích cực để những người Syria phải di dời trở về đất nước của họ, thiết lập quan hệ xây dựng với các nước láng giềng và ưu tiên tái thiết nền kinh tế.
Syria và Trung Đông nói chung đã bước vào một giai đoạn mới trong lịch sử hiện đại của họ. Thời gian sẽ cho biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn: mọi thứ sẽ không bao giờ như cũ.