Bốn yếu tố quan trọng xác định nguy cơ mắc hội chứng 'COVID kéo dài'
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Worcester, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
* Đường ruột khỏe mạnh giúp ngăn ngừa mắc hội chứng COVID kéo dài
Theo một nghiên cứu mới đăng tải ngày 26/1 trên tạp chí Cell, một ấn phẩm khoa học đã được thẩm định, có 4 yếu tố chính để xác định một người có bị hội chứng "COVID kéo dài" (Long COVID) hay không.
Nghiên cứu có tiêu đề "Nhiều yếu tố sớm dự báo Di chứng sau khi mắc cấp tính COVID-19 (PASC)" đã khai thác sâu hơn vào hiện tượng PASC hay còn gọi là "COVID kéo dài", tức là những triệu chứng xuất hiện trong một thời gian dài ở các bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, trong đó có mất vị giác và khó thở.
Trong nghiên cứu, hàng chục nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành theo dõi trên 209 bệnh nhân COVID-19. Kết quả cho thấy có 4 yếu tố quan trọng để xác định có mắc hội chứng "COVID kéo dài" hay không, bao gồm mắc tiểu đường tuýp 2, SARS-CoV-2 RNAemia, nhiễm trùng máu do virus Epstein-Barr và một số trường hợp tự kháng thể.
SARS-CoV-2 RNAemia là một hiện tượng khi chuỗi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào huyết thanh của bệnh nhân.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, virus SARS-CoV-2 nhân bản trong các tế bào, cả ở trong máu và trong quá trình nhân bản, virus này làm thay đổi môi trường trong máu. Trong trường hợp bệnh nhân mắc "COVID kéo dài", virus SARS-CoV-2 không rời huyết thanh của bệnh nhân.
Trong khi đó, nhiễm trùng máu do virus Epstein-Barr (EBV) có thể gây mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, EBV "nằm im" trong cơ thể của bạn, song có thể hoạt động trở lại khi bạn về già.
Một nghiên cứu đăng trên Scientific Reports cho rằng việc tái kích hoạt EBV sẽ có liên quan tới việc làm cho bệnh nhân COVID-19 trở bệnh nặng. Trong khi đó, nghiên cứu mới đăng tải trên Cell cho rằng việc tái kích hoạt EBV được cho là gián tiếp tương quan với "COVID kéo dài" PASC thông qua việc đo độ kháng thể.
Cuối cùng, sự tồn tại của các tự kháng thể nhất định được cho là gây ra tình trạng hệ thống miễn dịch hoạt động nhầm lẫn và bệnh nhân COVID-19 tử vong cũng như có liên quan tới hội chứng "COVID kéo dài".
Các tự kháng thể đã nhầm lẫn tấn công vào các bộ phận khỏe mạnh trong cơ thể, khiến một số người có nguy cơ phát triển các bệnh tự miễn dịch như bệnh viêm khớp dạng thấp. Các tự kháng thể được cho là "bỏ qua" virus SARS-CoV-2, do vậy, các bệnh nhân COVID-19 phải trải qua một giai đoạn dài các triệu chứng của bệnh.
Theo Chủ tịch Viện Sinh học hệ thống, Jim Heath, việc xác nhận những yếu tố có thể gây "COVID kéo dài" là bước đầu tiên hướng tới việc điều trị thực sự hội chứng này.
* Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí về Đường ruột, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hongkong (Trung Quốc) đã phân tích "hệ vi khuẩn đường ruột" của 116 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Hongkong vào năm 2020, thời điểm những người mắc bệnh này buộc phải nhập viện.
Hơn 80% trong số đó bị bệnh nhẹ hoặc vừa phải, nhưng hơn 75% có ít nhất một triệu chứng dai dẳng. Sau 6 tháng, các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi (31%), trí nhớ kém (28%), rụng tóc (22%), lo lắng (21%) và rối loạn giấc ngủ (21%).
Phân tích mẫu phân của các bệnh nhân khi nhập viện và trong những tháng tiếp theo, các nhà nghiên cứu nhận thấy những bệnh nhân mắc COVID kéo dài "có hệ vi khuẩn kém đa dạng và ít phong phú hơn".
Ngược lại, những bệnh nhân không mắc COVID kéo dài có một hệ vi khuẩn đường ruột tương tự những người không bị mắc COVID-19. Nhà nghiên cứu Siew C. Ng lưu ý việc thiếu hụt các vi khuẩn có lợi Bifidobacteria giúp tăng cường miễn dịch có liên quan nhiều đến các triệu chứng hô hấp dai dẳng.
Mặc dù nghiên cứu không thể chứng minh rằng hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh giúp ngăn ngừa hội chứng COVID kéo dài, nhưng những phát hiện trên cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì một hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và cân bằng thông qua chế độ ăn uống, tránh dùng kháng sinh nếu có thể, tập thể dục và bổ sung các loài vi khuẩn có lợi như Bifidobacteria.
Sự đa dạng và cân bằng hệ vi khuẩn trong đường ruột có thể đóng góp cho một sức khỏe tổng thể lành mạnh và nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.
Ngược lại, một hệ vi khuẩn ít đa dạng và mất cân bằng sẽ sinh ra những tác động tiêu cực cho sức khỏe. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng sức khỏe đường ruột tốt sẽ ảnh hưởng tốt tới mức độ phản ứng của hệ miễn dịch đối với nhiễm trùng, cũng như giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng COVID-19 nói chung và COVID-19 kéo dài nói riêng.
Do đó, điều quan trọng nhất là mọi người cần duy trì hệ đường ruột khỏe mạnh để giữ an toàn cho bản thân trong đại dịch hiện nay.