Bốn yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá, tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế mới nổi ASEAN, trong đó có Việt Nam sẽ phụ thuộc vào 4 yếu tố nhân khẩu học, thu nhập tăng, thay đổi địa chính trị và các xu hướng kỹ thuật số.
Báo cáo "Tương lai thị trường tiêu dùng ASEAN" do WEF công bố chỉ ra, tại nhóm 3 nền kinh tế mới nổi của ASEAN gồm Việt Nam, Indonesia và Philippines mức thu nhập sẽ tăng khoảng 6-8% hàng năm.
Đến năm 2030, thu nhập bình quân các hộ gia đình tại một số nền kinh tế mới nổi khu vực ASEAN sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Đặc biệt, dự kiến Việt Nam sẽ là thị trường có mức tăng thu nhập bình quân cao nhất.
Yếu tố thu nhập tăng được đánh giá là 1 trong 4 yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế mới nổi này. Theo đó, 3 yếu tố còn lại được nhắc đến gồm nhân khẩu học, thay đổi địa chính trị và các xu hướng kỹ thuật số.
Trong đó, về nhân khẩu học, những yếu tố như dân số trẻ, công nghệ, lực lượng lao động đóng vai trò rất quan trọng đối với các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Đồng thời, WEF khẳng định các nền kinh tế mới nổi của ASEAN sẽ là động lực tăng trưởng của khu vực trong thập kỷ tới, thúc đẩy 98% sự gia tăng lực lượng lao động, đóng góp 70-80% số lượng người tiêu dùng mới.
Dự kiến, đến năm 2030, dân số trong độ tuổi lao động của ASEAN sẽ tăng thêm 40 triệu người, với hơn một nửa trong số đó từ Indonesia. Ngược lại, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống còn 30 triệu người. WEF nhấn mạnh, sự bùng nổ của tầng lớp lao động trong khu vực sẽ thúc đẩy đáng kể năng suất và chi tiêu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, chi phí lao động ở các nền kinh tế mới nổi khu vực ASEAN cũng thấp hơn nhiều so với các khu vực khác của châu Á. Chi phí lao động của Việt Nam chỉ bằng khoảng 50% so với Trung Quốc. Sự kết hợp giữa lực lượng lao động ngày càng mở rộng, chi phí lao động thấp và năng suất ngày càng cao là những yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Tiếp theo đó là những thay đổi về địa chính trị cũng như chính sách tại các quốc gia sẽ mở ra cánh cửa cho FDI và nhiều cơ hội khác.
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đa quốc gia đang tìm cách cân bằng chuỗi cung ứng nhằm đa dạng hóa rủi ro địa chính trị và tận dụng tối đa nguồn lao động giá rẻ. “Điều này đã khiến ASEAN trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, song cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức khi chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng”, báo cáo của WEF nêu rõ.
Động lực cuối cùng thúc đẩy tăng trưởng của ASEAN là việc áp dụng kỹ thuật số. Theo WEF, nền kinh tế số của ASEAN sẽ trở nên bao trùm khi người tiêu dùng dần thích nghi với nền kinh tế số, các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ nhiều hơn bởi các nhà đầu tư cũng như các chương trình chuyển đổi số của chính phủ. Trong tương lai, nền kinh tế ASEAN được kỳ vọng sẽ có những bước tăng trưởng vượt bậc.
Quy mô GDP Việt Nam được dự báo sẽ là 340,6 tỷ USD, đứng thứ 4 Đông Nam Á.
Trước đó, Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) công bố trong tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo năm 2020, GDP của Việt Nam sẽ tăng 1,6%. Quy mô GDP Việt Nam sẽ là 340,6 tỷ USD, đứng thứ 4 Đông Nam Á (vượt Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia với 336,3 tỷ USD, đứng sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD, Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD). GDP bình quân đầu người sẽ đạt 3.497,51 USD (gần 3.500 USD/người), xếp thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Singapore (58.483,9 USD), Brunei (23.116,7 USD), Malaysia (10.192,4 USD), Thái Lan (7.295,1 USD) và Indonesia (4.038,4 USD). Tới năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 5.211,90 USD.
Trong khi đó, “Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021” mà Chính phủ đã gửi đến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV cho thấy, tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với năm nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao…
Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh; phát triển mạnh thị trường trong nước...nhằm đạt mục tiêu tăng GDP khoảng 6% so với năm 2020; quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
Như vậy, có thể nói, về tổng thể, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, do kinh tế nước ta có độ mở lớn và chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Song, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V.
Thời gian tới, Việt Nam cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn để tạo sức bật cho cả nền kinh tế, kích thích các động lực tăng trưởng để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.