Bóng áo xanh trong đêm giao thừa
Hằng năm, cứ đêm giao thừa, khi dòng người đổ dồn về khu vực tổ chức bắn pháo hoa để đón chờ bữa tiệc ánh sáng chào năm mới thì ở một góc phố, những công nhân vệ sinh môi trường đang túc trực sẵn sàng cho công việc của mình sau đó.
Đón giao thừa ngoài đường.
Những trùm pháo hoa cuối cùng bung nở trên không trung, những tiếng ồ lên vui sướng và dòng người hối hả trở về khi đồng hồ đã điểm thời khắc cuối cùng của năm cũ, ấy cũng lúc công việc của những công nhân vệ sinh môi trường bắt đầu. Trong ánh điện lung linh đêm giao thừa, những bóng áo xanh lặng lẽ thu dọn từng chiếc túi ni lông, cốc nhựa, giấy vụn… ngổn ngang trên phố.
Chị Hồ Thị Nguyệt làm công nhân vệ sinh môi trường 6 năm nay và cũng chừng ấy năm chị gắn bó với công việc quen thuộc này vào đêm giao thừa. Chị bảo nhiều người mong đến Tết bao nhiêu thì công nhân vệ sinh môi trường lại sợ Tết bấy nhiêu, bởi ngày Tết lượng rác thải tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường, công việc của công nhân cùng vì thế mà vất vả hơn. Đêm giao thừa mọi người quây quần bên gia đình thì những công nhân như chị vẫn mải miết trên các con phố với cây chổi tre trên tay. Giao thừa năm trước chị Nguyệt cùng nhóm công nhân được phân công dọn vệ sinh khu vực bắn pháo hoa cố gắng giải phóng rác thật nhanh để kịp về nhà đón năm mới, nhưng khi xong xuôi hết công việc thì chiếc chìa khóa xe máy lại rơi mất từ khi nào, thế là hai chị em công nhân lại đẩy xe mấy cây số về nhà. Rốt cuộc vẫn phải đón giao thừa ngoài đường.
Khi công việc của tổ thu gom rác hoàn thành thì cũng là lúc công việc của tổ công nhân xúc cặp gắp rác bắt đầu. Mặc dòng người hối hả ngược xuôi, chiếc xe ép rác nhẫn nại nâng từng khối rác đưa vào thùng xe rồi chuyển đến nhà máy. Anh Đặng Mạnh Hùng cho biết, công việc của tổ xúc cặp gắp rác là khâu cuối cùng nên thường bắt đầu muộn và kết thúc muộn hơn tổ thu gom rác. Ngày Tết, mỗi ca làm việc vẫn bắt đầu theo giờ quy định nhưng giờ nghỉ thì chẳng khi nào cố định vì phụ thuộc vào lượng rác thu gom. Giao thừa năm nào cũng vậy, khi chuyến xe cuối cùng đến nhà máy rác thì đồng hồ đã điểm 3 giờ sáng. Anh Hùng bảo thời gian đầu cũng có chút buồn vì giao thừa không được ở nhà bên gia đình nhưng làm mãi rồi cũng quen. Và gần hai mươi năm nay, anh Hùng và các thành viên trong tổ của mình vẫn bám trụ công việc này. “Ngắm phố phường trong thời khắc chuyển giao trên chiếc xe làm xuyên đêm giao thừa cũng có cảm giác thật đặc biệt” - Anh Hùng chia sẻ.
Mong người dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường
Ông Ngô Bảo Lân, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Lào Cai cho biết: Lượng rác dịp Tết tăng cao, để việc thu gom rác nhanh gọn, đảm bảo vệ sinh, từ ngày 22 tháng Chạp, Xí nghiệp đã có kế hoạch tăng ca, đồng thời huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện để thu gom, xử lý triệt để lượng rác thải trên các tuyến phố, hộ dân. Trung bình mỗi ngày Xí nghiệp Môi trường Lào Cai thu gom, xử lý 120 tấn rác thì từ ngày 23 tháng Chạp trở đi lượng rác tăng gấp đôi. Đặc biệt, trong hai ngày 29 và 30 tết lượng rác có thể tăng từ 3 - 3,5 lần.
Khó khăn, vất vả không chỉ đến từ lượng rác tăng cao mà còn đến từ việc thiếu ý thức của một số người dân. Nhiều hộ gia đình dọn dẹp nhà cửa không còn quan tâm đến phân loại rác, tranh thủ vứt ra đường đủ loại rác thải “khủng”, đó là các vật dụng cũ hư hỏng không dùng tới nữa như bàn ghế, chăn đệm, sofa, giường, tủ... ngổn ngang trên hè phố, bên vệ đường, hay tại các khu đất trống. Nhiều tuyến phố mặc dù đã được thông báo giờ thu gom rác nhưng khi công nhân vệ sinh môi trường vừa thu gom xong khi quay lại đã thấy một đống rác khác được người dân vứt ra vỉa hè.
Khu vực chợ hoa cũng thực sự là nỗi khổ của công nhân vệ sinh môi trường dù đã được thông báo chiều 30 Tết phải thu dọn, song nhiều chủ gian hàng không chấp hành. Chiều tối, hoa ế chủ hàng bỏ lại khiến công nhân lại phải mất một lượt thu gom. Chị Hồ Thị Nguyệt tâm sự, nếu mỗi người dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường thì công việc của những công nhân thu gom rác sẽ bớt vất vả hơn.
Dù khó khăn, vất vả nhưng đối với công nhân vệ sinh môi trường, niềm vui lớn hơn là thấy đường phố sạch đẹp, người dân được hưởng không khí trong lành. Những việc làm lặng thầm của họ đã góp phần làm cho thành phố xanh - sạch – đẹp và tạo hình ảnh đẹp trong mắt người dân và du khách thập phương khi tới Lào Cai.