'BÓNG BÀN - MỘT ĐỜI TÔI ĐAM MÊ': Đội bóng bàn mũ tai bèo
Cố HLV Nguyễn Trọng Trúc khá tâm đắc câu chuyện thể thao tham gia làm nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn cuộc cách mạng giải phóng miền Nam đang diễn ra gay go, quyết liệt những năm 1972-1973
Từ tháng 10-1972 đến tháng 2-1973, Tổng cục TDTT cử một đoàn thể thao gồm nhiều bộ môn như bóng bàn nam, nữ; bóng chuyền nam, nữ; bóng đá và thể dục dụng cụ nam, nữ sang tập huấn tại Quảng Tây - Trung Quốc. Đây là cuộc tập huấn có ý nghĩa quan trọng, mang tính bước ngoặt nhằm bảo toàn lực lượng và chuẩn bị tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại lịch sử giữa lúc cuộc cách mạng giải phóng miền Nam đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, giặc Mỹ điên cuồng ném bom bắn phá miền Bắc.
Đội tuyển bóng bàn của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN) được thành lập ngày 23-3-1972 từ sáng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình. Bà đã cử cán bộ sang ngành TDTT, xin một số VĐV bóng bàn để phục vụ nhiệm vụ đối ngoại, dưới sự quản lý của Ủy ban thống nhất miền Nam (CP72). Thành phần được đề xuất gồm HLV Tạ Đình Khoa, các VĐV Nguyễn Thế Ngọc, Nguyễn Văn Hùng (Quân đội), Trần Đức Cường (Quân khu tả ngạn), Nguyễn Quang Huy (Quân khu hữu ngạn), Mạc Châu Lưu (Hải Phòng), Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Hồng Nga (Hà Nội), Vũ Thị Hòa (Nam Hà), Đỗ Thị Thúy (Hải Phòng)… Đội được phát trang phục quân giải phóng, đội mũ tai bèo và để giữ bí mật, cả đội thay tên đổi họ, chỉ gọi nhau bằng tên đệm: HLV Tạ Đình Khoa thì gọi là Khoa Đình, Nguyễn Thế Ngọc gọi là Ngọc Thế…
Đội tuyển "đội mũ tai bèo" tập trung ở Nhổn một thời gian, sau đó sang Bắc Kinh tập huấn trong 3 tháng. Theo lời kể của HLV Tạ Đình Khoa, chuyến thi đấu phục vụ đầu tiên là ở… Quảng Trị khi tỉnh này vừa được giải phóng. Buổi thi đấu diễn ra tại một ngôi nhà lợp tôn mới dựng lên để đại sứ các nước trình quốc thư. Các vị lãnh đạo Chính phủ CHMNVN lúc đó là ông Nguyễn Hữu Thọ, bà Nguyễn Thị Bình… đã đến dự khán. Đội tuyển "đội mũ tai bèo" này đã tham dự các giải Á-Phi-La lần 1 tại Bắc Kinh năm 1973; Giải Vô địch châu Á lần 2 ở Yokohama, Nhật Bản và giải Á-Phi-La lần 2 tại Nigeria năm 1975. Những lần VĐV hai đội miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và đội miền Nam (CHMNVN) gặp nhau thì đều thi đấu ra trò còn trong bụng thì cố nín cười vì ngoài đời họ là bạn bè, đồng nghiệp của nhau từ bao lâu nay.
Khi ấy, những ai tinh ý đều nhận ra một điều là tất cả thành viên đội bóng bàn "mũ tai bèo" của CHMNVN đều nói… giọng miền Bắc. Hẳn ai cũng hiểu, việc huy động VĐV bóng bàn miền Bắc thi đấu dưới màu áo của đội bóng CHMNVN là một nhiệm vụ chính trị nên sách lược này hoàn toàn được ủng hộ. Thực tế 2 đội bóng Việt Nam lúc đó đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm cho thế giới và nhất là những người yêu chuộng hòa bình và công lý khắp nơi biết đến Việt Nam, hiểu sâu sắc về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, từ đó thân thiện, đoàn kết, ủng hộ Việt Nam thông qua thi đấu hữu nghị, hiểu được trình độ thể thao bóng bàn Việt Nam.
Ngoại giao bóng bàn
Ngày 10-4-1971, đội tuyển bóng bàn Mỹ bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài một tuần theo lời mời của chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chuyến đi được truyền thông đưa tin rầm rộ này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một mối quan hệ ngoại giao gần gũi hơn với Mỹ và sự kiện được nhiều nhà quan sát Mỹ nhắc đến với tên gọi "ngoại giao bóng bàn".
Lịch sử ghi nhận sự kiện "ngoại giao bóng bàn" mang lại nhiều thành công. Tháng 2-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon có chuyến công du lịch sử đến Trung Quốc để mở đầu các trao đổi về tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Sau đó, đội bóng bàn của Trung Quốc cũng đã viếng thăm nước Mỹ để đáp lễ, khiến môn thể thao bóng bàn trở thành hiện tượng trong một thời gian ngắn.