Bóng bàn Việt Nam: Sau niềm vui là nỗi lo

Tấm HCV nội dung đội nam – nữ đã thực sự cứu cho đội tuyển bóng bàn Việt Nam thoát cảnh trắng tay tại SEA Games 32. Dù có vui với tấm HCV ở nội dung mà phải sau 26 năm bóng bàn Việt Nam mới giành được nhưng ẩn phía sau vẫn là những nỗi lo đã đeo đẳng người làm chuyên môn nhiều năm nay.

Tấm HCB đúng bản chất

Nếu phải nhắc đến những điểm nhấn của đội tuyển bóng bàn Việt Nam tại SEA Games 32, người ta sẽ nghĩ đến tấm HCV của bộ đôi Đinh Anh Hoàng – Trần Mai Ngọc ở nội dung đôi nam - nữ và tấm HCB của Nguyễn Anh Tú ở nội dung đơn nam.

Về tấm HCV của Đinh Anh Hoàng – Trần Mai Ngọc, đó thực sự là tấm HCV vượt xa mong đợi của Ban huấn luyện đội tuyển. Dù bộ đôi này được đánh giá có tiềm năng nhưng chính Ban huấn luyện cũng không nghĩ họ có thể thi đấu xuất sắc và thăng hoa đến vậy. Đặc biệt nội dung đôi nam - nữ tại SEA Games 32 có quá nhiều đôi mạnh, được đánh giá cao hơn Đinh Anh Hoàng – Trần Mai Ngọc. Tuy nhiên, sức trẻ cùng khát khao đã giúp bộ đôi vượt qua các đối thủ để mang về tấm HCV quý giá cho đội tuyển bóng bàn Việt Nam sau khi đội tuyển nam chỉ giành HCĐ nội dung đồng đội nam, nội dung được kỳ vọng sẽ giành HCV.

Còn ở nội dung đơn nam, thất bại 0-4 của tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Anh Tú trước tay vợt 17 tuổi Izaac Quek của Singapore lại được xem là đúng bản chất, không có gì bất ngờ. Thậm chí, trước đó, khi nhận kết quả bốc thăm, thành viên Ban huấn luyện còn không tin rằng Nguyễn Anh Tú có thể vào tới vòng bán kết chứ không nói tới chung kết. Đáng chú ý, 1 năm trước đó, tại SEA Games 31, Nguyễn Anh Tú còn thắng tay vợt Singapore này với tỷ số 3-0. Nhưng đến SEA Games 32, anh thua Izaac Quek cả ở vòng bảng nội dung đồng đội và chung kết nội dung đơn nam.

Trong 1 năm, mọi việc đã xoay vần nhanh chóng dù đều có logic của nó. Izaac Quek liên tục được thi đấu quốc tế, cọ xát với nhiều tay vợt đẳng cấp và tiến bộ trông thấy. Cho đến trước trận chung kết với Nguyễn Anh Tú, tay vợt này đang xếp hạng 68 đơn nam thế giới (hiện tại đang là hạng 70 đơn nam thế giới). Đặc biệt trong độ tuổi đang phát triển về tài năng thì Izaac Quek sẽ còn tiến xa với cách đầu tư hiện nay của bóng bàn Singapore dành cho các tay vợt gốc Singapore. Và đến lúc này cũng chẳng còn ai nhắc tới việc bóng bàn Singapore thành công nhờ chính sách nhập tịch mà đều dành sự tôn trọng đáng kể cho nền bóng bàn ở quốc đảo này.

Trong khi đó, Nguyễn Anh Tú cũng như nhiều tay vợt Việt Nam khác không thi đấu giải quốc tế trong cả năm trời và hệ quả là vẫn chưa có tên trên bảng xếp hạng thế giới. Trước đó, dù đã được xếp hạng thế giới nhưng cũng chỉ vì không thi đấu quốc tế trong thời gian dài nên Nguyễn Anh Tú và một số tay vợt khác đã không còn tên trên bảng xếp hạng thế giới. Thế nên, Nguyễn Anh Tú đón nhận thất bại ở chung kết đơn nam với sự chấp nhận khi đối thủ tỏ ra trội hơn ở nhiều tình huống. Sự tiến bộ của Izaac Quek và sự bế tắc của Nguyễn Anh Tú cũng cho thấy vấn đề của bóng bàn Việt Nam là thiếu cọ xát quốc tế. Cũng vì thế mà đội nam Việt Nam cũng không thể vượt qua Malaysia với nhiều tay vợt trẻ được đầu tư mạnh mẽ, thi đấu quốc tế liên tục.

Cũng không ngẫu nhiên khi ở lễ mừng công đội tuyển bóng bàn Việt Nam sau khi thi đấu ở SEA Games 32, HLV trưởng Lê Huy cũng nói là :“Vui vì đội vẫn hoàn thành chỉ tiêu nhưng cũng có nỗi lo nhất định”.

Tay vợt Nguyễn Anh Tú sau trận thua ở trận chung kết đơn nam tại SEA Games 32.

Tay vợt Nguyễn Anh Tú sau trận thua ở trận chung kết đơn nam tại SEA Games 32.

Hóa giải nỗi lo không mới

Những buổi lễ mừng công đã qua đi, đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã bước vào chu kỳ tập luyện mới chuẩn bị cho ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Nhưng điều cần thiết nhất là một cuộc họp tổng kết SEA Games 32 giữa bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT), Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam và Ban huấn luyện đội tuyển bóng bàn Việt Nam vẫn chưa diễn ra. Đấy mới là điều cần thiết thay vì chỉ là tôn vinh, vỗ tay, trao thưởng. Bởi ở đó, những người làm chuyên môn mới có thể nói rõ những vấn đề tồn tại của đội tuyển, giải pháp khắc phục.

Và đến người ngoài cuộc cũng có thể hiểu rõ vấn đề ấy là gì. Đương nhiên đó là VĐV, nhất là nhóm VĐV chủ lực phải được đi tập huấn, thi đấu quốc tế liên tục. Đó là bài học không mới mà các nền bóng bàn tại Đông Nam Á như Singapore, Malaysia đang thành công với lối đi này. Chính vì ít đi tập huấn, thi đấu quốc tế trong nhiều năm qua mà các tay vợt có biểu hiện chững lại, thậm chí tụt hậu so với nhiều tay vợt khác hiện tại ở Đông Nam Á. HLV trưởng đội tuyển bóng bàn Việt Nam Lê Huy khẳng định: “Các tay vợt Việt Nam không thiếu tố chất để vượt lên trình độ hiện nay. Nhưng họ cần thi đấu quốc tế liên tục để nâng cao trình độ. Các sân chơi trong nước không đủ giúp họ hoàn thiện bản thân, nâng trình độ”.

Trong khi đó, phụ trách bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT), đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn cũng đồng tình về việc phải tạo điều kiện để các VĐV tham dự những giải quốc tế.

Tuy nhiên, mấu chốt của việc để VĐV được dự giải quốc tế vẫn nằm ở kinh phí. Nếu chỉ trông vào kinh phí của Tổng cục TDTT thì chắc chắn không đáp ứng được yêu cầu. Thế nên sẽ cần đến vai trò, sự phối hợp của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, đơn vị chủ quản của VĐV với Tổng cục TDTT. Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam với việc trao những mức thưởng lớn cũng như kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân tham gia trao thưởng cho các tuyển thủ trong 2 kỳ SEA Games gần đây cho đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã cho thấy khả năng của mình. Nhưng đó mới là một phần kỳ vọng của người hâm mộ dành cho liên đoàn. Điều mong mỏi vẫn là liên đoàn phải đóng vai trò rõ hơn, có bước đi đột phá hơn trong việc tạo điều kiện để các tuyển thủ quốc gia trọng điểm được tham dự các giải của bóng bàn nhà nghề thế giới và tập huấn kết hợp thi đấu quốc tế.

Trong khi đó, không ít địa phương cũng sẵn sàng chung tay với Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, Tổng cục TDTT để đầu tư cho các tay vợt. Thậm chí, có đội như Hà Nội T&T với sự hậu thuẫn của Tập đoàn T&T cũng đã lên kế hoạch đưa các tay vợt trọng điểm của mình đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài kết hợp thi đấu các giải tại đây. Đó cũng là một gợi ý để có thể tạo nên sự kết hợp giúp các tay vợt có điều kiện thi đấu quốc tế.

Bởi đó rõ ràng là điều cần thiết để bóng bàn Việt Nam có thể giải quyết nỗi lo muôn thuở về thiếu tập huấn, thi đấu quốc tế, để phát triển ổn định thay vì luôn trong trạng thái 50-50 về khả năng giành HCV ở mỗi kỳ SEA Games.

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/bong-ban-viet-nam-sau-niem-vui-la-noi-lo-i695379/