Bóng bay phát nổ, 4 người ở Vĩnh Phúc bỏng nặng
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc mới cấp cứu 4 người bị chấn thương nhiều vùng trên cơ thể do bóng bay hydro phát nổ.
Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng vùng mặt, cổ, cánh tay...
Có thể thấy đây không phải là tai nạn hiếm gặp trong cuộc sống và thường gây ra những hệ quả thương tâm.
Trước đó, tháng 12/2023, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi nam bị bỏng diện tích 9% vùng đầu, mặt và cổ. Nguyên nhân do bé trai lấy bật lửa hết ga để chơi, bất ngờ tia lửa tiếp xúc với bóng bay bơm khí hydro làm quả bóng phát nổ lớn, khiến bé bị bỏng vùng đầu, mặt và cổ. Do mặt bị nóng, nạn nhân dùng tay dụi lên mặt khiến vùng da mặt bong tróc và bỏng nặng hơn.
Tại Thanh Hóa, tháng 9/2023, một vụ nổ bóng bay hydro trong ngày khai giảng đã làm 10 học sinh ở một trường tiểu học tại Thanh Hóa bị thương, bỏng rát nhiều phần trên cơ thể. Nguyên nhân là do một thầy giáo hút thuốc lá đi qua vô tình lửa châm từ điếu thuốc gây nổ chùm bóng bay...
Thực tế, bóng bay bơm khí hydro được bày bán ở nhiều nơi như cổng trường học, các điểm vui chơi giải trí,… hoặc dùng để trang trí các sự kiện, lễ hội, nhưng ít ai biết rằng chúng có thể phát nổ bất cứ lúc nào, gây hậu quả nghiêm trọng.
Khí hydro là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy cũng khiến nó phát nổ và lan tỏa nhiệt rất mạnh. Nguyên nhân do khí hydro có cấu trúc phân tử rất bé, có thể dễ dàng thẩm thấu cực nhanh qua màng bóng bay, chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn, hay gặp không khí nóng, khi đi ngoài trời nắng là có thể đủ điều kiện kích hoạt phản ứng, khiến một trái bóng có thể nổ tung
Khí hydro bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh. Khoảng cách cầm bóng rất gần với tay và mặt, vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay, ….
Các chuyên gia khuyến cáo cần thận trọng khi sử dụng loại bóng này để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc. PGS.TS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa, Đại Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, các loại bóng bay thường dùng 2 loại khí để bơm là hydro và heli. Tuy nhiên, khí heli là khí hiếm, điều chế rất khó và có giá rất đắt, do đó hơn 90% các loại bóng bay bán trên thị trường đều bơm khí hydro.
Khí hydro thường được sử dụng để bơm vào bóng bay vì loại khí này rất rẻ tiền, dễ sản xuất, nguyên liệu bao gồm vụn nhôm đồng nát, vô kiềm nén lại trong bình là có khí hydro. Tuy nhiên, loại khí này khi ở gần nguồn lửa thì vô cùng nguy hiểm.
"Để đảm bảo an toàn, khi cầm loại bóng bay này, người dân cần tránh di chuyển đến nơi có sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, ví dụ như đi từ ngoài trời vào trong phòng kín. Cũng không nên để bóng trong xe ô tô hoặc gần vật phát nhiệt như bếp, nến, đèn. Không dùng lửa để cắt dây buộc bóng ra khỏi chùm. Đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ, phụ huynh không cho trẻ chơi bóng bay bơm khí hydro ở trong nhà, nơi dễ tiếp xúc với các nguồn lửa để tránh cháy nổ, có thể nguy hiểm tới tính mạng", PGS.TS Trần Hồng Côn khuyến cáo.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thống - nguyên Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Xanh Pôn), nổ bóng bay thường không gây bỏng sâu, nhưng lại gây bỏng rộng vùng mặt, tay, cổ… ảnh hưởng đến thẩm mỹ, để lại di chứng biến đổi sắc tố trên da, chỗ đen, chỗ thâm, chỗ trắng loang lổ. Cũng có những bệnh nhân cơ địa sẹo lồi, bỏng sâu gây sẹo lồi co dính.
"Việc biến đổi sắc tố da sau bỏng rất lâu bình phục ảnh hưởng đến thẩm mỹ khá nặng nề. Người bệnh phải tránh nắng tuyệt đối, bôi thuốc, kem chống nắng khi đi ra đường trong khoảng thời gian rất dài", bác sĩ Thống thông tin.
Trong trường hợp gặp phải bóng hydro phát nổ, cần nhanh chóng sơ cứu cho nạn nhân theo hướng dẫn cụ thể sau: Nhặt hết vụn bóng trên người, cởi bỏ quần áo nếu khu vực che phủ bị tổn thương; Nhanh chóng ngâm khu vực bị bỏng vào nước lạnh, có thể dùng vòi nước xối rửa ngay tại vị trí vết bỏng; Cuốn vết thương bằng gạc y tế mỏng để tránh nhiễm trùng, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.