Bóng bồ đề tỏa mát chỗ các anh nằm
Một ngày đầu tháng 7/2022, bạn đồng nghiệp ở một đài truyền hình quốc gia gọi điện cho tôi, nửa như nhờ cậy, nửa như thách đố: 'Quảng Trị hiện có hai nghĩa trang cấp quốc gia, đó là Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9. Ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đã có cây bồ đề thiêng phía sau đài tưởng niệm gắn với những truyền kỳ thú vị thì ai cũng đã biết, vậy ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 có điều tương tự không?'. Trong một nỗ lực giúp bạn tạo điểm nhấn cho một kịch bản phóng sự về đề tài 'Đền ơn đáp nghĩa' trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, câu trả lời của tôi là có. Và suốt một buổi sáng trời hoe hoe nắng, tôi đã đi khắp Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 để tìm theo trí nhớ cây bồ đề do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đưa từ đất Phật Ấn Độ về trồng vào năm 2003.
Tháng 11/2003, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng nước ta đi thăm Ấn Độ theo lời mời của Bộ Quốc phòng nước bạn. Ông đã dành một thời lượng khá dài trong hồi ký “Một thời Quảng Trị” để thuật lại chuyến đi nhiều ý nghĩa này: “Trong khuôn khổ chương trình chuyến thăm, bạn sắp xếp cho đoàn chúng tôi đến tham quan ngôi chùa cổ. Nơi đó, theo truyền thuyết của Ấn Độ là miền đất Phật thiêng liêng, chỉ có khách quý coi như người nhà bạn mới đưa đến.
Từ Thủ đô Niu-đêli, chúng tôi phải bay hơn một nghìn ki-lô-mét tới Bốt-gay-a, bang Bi-ha rồi đi đường bộ bằng ô tô gần bốn giờ đồng hồ mới đến được “cửa ngõ” của miền đất Phật. Chúng tôi phải đi bộ gần mười ki-lô-mét, qua những nẻo đường quanh co đèo dốc đẹp như trong cổ tích. Trong lòng chúng tôi háo hức trước một di tích có bề dày lịch sử vào bậc nhất của đất nước Ấn Độ. Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, chùa chiền hoành tráng, uy nghi, cổ kính hơn cả sự tưởng tượng của chúng tôi.
Tại đây, đoàn chúng tôi gặp một nhà tu hành người Việt Nam, đó là Đại sư Thích Huyền Diệu. Đại sư là một trong 5 nhà tu hành nước ngoài đến đây lập chùa tu. Sau khi thăm ngôi chùa Việt Nam trên mảnh đất linh thiêng, huyền bí này, chúng tôi được Đại sư hướng dẫn tham quan ngôi chùa cổ kính nhất khu vực. Khi biết chúng tôi đến từ đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị sư trụ trì tại ngôi chùa thiêng đã tặng tôi ba cây bồ đề con được lấy giống từ cây bồ đề nghìn năm tuổi.
Tương truyền, cây bồ đề này là nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo. Mọi người, từ các vị Quốc vương, các vị lãnh đạo chính phủ các nước đến các chư vị tăng ni, phật tử các nước trên thế giới đến đây ai ai cũng mong có một lá bồ đề, tin rằng lá cây chứa đựng sự linh thiêng, mầu nhiệm và sự tuệ giác của chư Phật. Về nước, việc đầu tiên là tôi ươm ba cây bồ đề vào ba cái chậu. Khi cây thực sự cứng cáp, tôi mới đưa đi trồng. Cây thứ nhất, tôi trồng ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Cây thứ hai, tôi trồng ở khuôn viên Bảo tàng Quân đoàn 1 (Tam Điệp, Ninh Bình) - nơi tôi trưởng thành từ người chiến sĩ, rồi sau đó trải qua những năm tháng gian khổ, ác liệt ở chiến trường Quảng Trị. Cây thứ ba, tôi trồng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà xã Hải Long, Hải Hậu, Nam Định…
Biết tôi mang cây bồ đề từ đất Phật về trồng ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, Thượng tọa Thích Quảng Tùng (Ủy viên kiểm soát, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Thường trực Thành hội Phật giáo Hải Phòng) trong đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ ở đây, nói: “Thật là tuyệt vời. Cây bồ đề đất Phật trồng ở nơi hàng vạn anh linh anh hùng liệt sĩ yên nghỉ thì còn gì bằng. Sự hữu duyên ở chỗ, cây đất Phật trồng ở nơi những người con trung hiếu không tiếc máu đào, sẵn sàng đấu tranh với cái xấu, cái ác, anh dũng hy sinh vì sự sống của chúng sinh, sự trường tồn của dân tộc. Đây là sự gặp nhau giữa cái tâm của người trồng và sự từ bi hỉ xả của nhà Phật…”.
Nhận lời giúp đồng nghiệp, mới đây tôi lên Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 để xác định lại vị trí cây bồ đề thiêng đã được trồng gần 20 năm trước. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 nay đã thay đổi nhiều. Đường đi lối lại sạch đẹp hơn. Những hàng bia mộ vuông vắn, bạt ngàn giữa muôn hoa khoe sắc trong nắng mai. Chúng tôi đứng bên cây bồ đề thiêng đã tỏa bóng rợp xuống một cung đường yên ả, lối dẫn lên hàng hàng bia mộ. Ở tuổi tráng niên, cây bồ đề như căng tràn sức sống, bất chấp đất trời khắc nghiệt nơi miền nắng lửa và trầm mặc thu nhận về mình những truyền kỳ lấp lánh về một thời Quảng Trị đánh giặc, cứu nước.
Bất giác, tôi nhớ lại, kinh Phật cổ có câu: “Muốn đạt được minh triết của cá nhân, thì hãy là dòng chảy hay ánh sáng”. Các anh hùng liệt sĩ nằm lại nơi đây, dưới tán bồ đề từ đất Phật, dưới bầu trời cao rộng của Tổ quốc thời hòa bình, các anh, mỗi người như một đốm lửa thiêng, vĩnh định không bao giờ tắt, tỏa ánh sáng soi rọi và đồng hành theo dòng chảy hội nhập, phát triển vững bền của quê hương, đất nước hôm nay…