'Bong bóng an toàn' cho các hoạt động thể thao

Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống xuyên suốt hai năm qua khiến thế giới phải nhanh chóng chuyển mình để thích nghi với những điều kiện mới. Sau quãng thời gian đình trệ, các hoạt động thể thao cũng dần được tổ chức trở lại, đi liền với những mô hình thi đấu hoàn toàn mới như 'bong bóng an toàn' hay 'tập trung cách ly'…

Olympic Tokio 2020 khép lại thành công nhờ mô hình thi đấu "tập trung cách ly". (Ảnh: Getty)

Olympic Tokio 2020 khép lại thành công nhờ mô hình thi đấu "tập trung cách ly". (Ảnh: Getty)

Yếu tố quyết định sự thành công

Olympic 2020 vừa diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) là minh chứng rõ nét nhất cho sự kiện thể thao được tổ chức thành công nhờ “bong bóng an toàn”. Là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, Thế vận hội năm nay tiếp đón hơn 11 nghìn vận động viên của hơn 200 đoàn thể thao tham dự. Con số khổng lồ này chưa tính tới số lượng trọng tài, quan chức, tình nguyện viên… trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra trước ngày khai mạc Olympic không phải là vấn đề chuyên môn hay cơ sở vật chất của nước chủ nhà, mà là Nhật Bản có thể tổ chức một kỳ Thế vận hội trong hoàn cảnh các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng vẫn gia tăng. Câu trả lời từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Ban tổ chức Olympic là hoàn toàn có thể, với điều kiện an toàn ngặt nghèo nhất từ trước tới nay. Thành viên các đoàn thể thao tới Nhật Bản phải đáp ứng nhiều yêu cầu như tiêm đủ hai liều vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 72 tiếng trước khi tới Nhật Bản, tiếp tục thực hiện test nhanh ngay tại sân bay hay cách ly một số ngày nhất định trước khi có thể tiến hành các hoạt động tập luyện và thi đấu…

Khi yếu tố chuyên môn – thành tích thi đấu được đặt sau sự an toàn của các thành viên tham dự, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã xây dựng một quy tắc an toàn, một “bong bóng” bao phủ các hoạt động của Thế vận hội, được cách ly hoàn toàn các hoạt động bên ngoài. Vận động viên các nước được bố trí trên những chiếc xe buýt riêng biệt và chỉ gồm hai điểm đến – làng vận động viên tới địa điểm thi đấu rồi quay ngược lại. Có thể nói các hoạt động của Olympic được “cô lập” để bảo đảm tối đa công tác phòng dịch. Ban tổ chức cũng nhấn mạnh, mọi sự vi phạm đều khiến các cá nhân bị “trục xuất” khỏi Thế vận hội.

Sự an tâm đã giúp các vận động viên toàn tâm toàn ý với các cuộc tranh tài và tạo nên một trong những kỳ Thế vận hội hấp dẫn nhất trong lịch sử. Tất nhiên, cái giá phải trả cũng không hề nhỏ, với những thiệt hại kinh tế khi khán giả phải vắng mặt không chỉ ở lễ khai mạc, bế mạc mà cả ở toàn bộ các cuộc thi đấu, ảnh hưởng tới doanh thu…

Thể thao Việt Nam làm quen với “bong bóng an toàn”

ĐTQG Việt Nam thực hiện test Covid-19 trước khi tập trung trở lại. (Ảnh: VFF)

ĐTQG Việt Nam thực hiện test Covid-19 trước khi tập trung trở lại. (Ảnh: VFF)

Những hoạt động đầu tiên mà Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) làm quen với khái niệm “bong bóng an toàn” là các giải bóng đá quốc tế, khi Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) tranh tài ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á và Câu lạc bộ Viettel tham dự ở vòng bảng AFC Champions League. Hiện tại, mô hình này đã bắt đầu được áp dụng tại Việt Nam, với đợt tập trung của ĐTQG, U22 Quốc gia hay tuyển nữ quốc gia, hướng tới các giải đấu như vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, Vòng loại U23 châu Á và Vòng loại giải bóng đá nữ Vô địch châu Á 2022.

Điểm chung là các thành viên tham dự những giải đấu này đều được tiêm đủ hai mũi vaccine, đồng thời phải đáp ứng những yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Thành viên các đội tuyển hay Câu lạc bộ, dù là cầu thủ, bác sĩ, Ban huấn luyện hay Huấn luyện viên đều hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bên ngoài. Tất cả thực hiện chu trình khép kín từ khách sạn đến sân tập hay sân thi đấu rồi trở về khách sạn, trên những phương tiện được bố trí riêng… Trong giai đoạn tập trung hiện tại ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Hà Nội), ngay việc tiếp xúc với giới truyền thông cũng được hạn chế hoàn toàn hình ảnh hay video clip phỏng vấn Ban huấn luyện, tuyển thủ đều được thực hiện bởi các cán bộ truyền thông của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).

"Bong bóng an toàn" của VBA

Khi hầu hết các hoạt động thể thao ở Việt Nam vẫn đang đình trệ, VBA trở thành sự kiện hiếm hoi, bởi các đội bóng tham dự Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam vẫn có thể tập trung, tập luyện hay thi đấu thử nghiệm tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Tất nhiên, mọi chuyện đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn phòng dịch.

“Bong bóng an toàn” của VBA 2021 đã được xây dựng theo hình thức “tập trung cách ly” lần đầu tiên được áp dụng. Có thể kể đến một số điểm đáng chú ý ở mô hình này như toàn bộ các thành viên Ban tổ chức và tám đội bóng tự cách ly tại khách sạn 14 ngày sau khi di chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Nha Trang, với ba lần lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 được thực hiện bởi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC Khánh Hòa.

Theo Ban tổ chức VBA 2021, nhân sự liên quan trực tiếp đến giải đấu được chia làm ba nhóm. Nhóm 1 là các vận động viên, Ban huấn luyện, ban chuyên môn, trọng tài. Nhóm này không rời khỏi khu vực tập trung cách ly, trừ trường hợp đến khu tập luyện, thi đấu hoặc các trường hợp khẩn cấp. Nhóm 2 là nhân viên vận hành VBA, vận hành Câu lạc bộ, các đối tác và nhà cung cấp khác. Nhóm này sẽ phải chịu sự giám sát y tế chặt chẽ trong suốt thời gian diễn ra giải đấu… Xuyên suốt từ giai đoạn tập luyện đến thi đấu chỉ diễn ra trong phạm vi khu vực cách ly, không tiếp xúc với bên ngoài. Chỉ các nhân sự sau khi được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính mới được phép tham gia trực tiếp vào giải đấu. Trong khi đó, Nhóm 3 chỉ được xuất hiện tại một số khu vực giới hạn do Ban tổ chức quy định tại địa điểm tập luyện và thi đấu.

Phân chia nhân sự thành các nhóm với yêu cầu hạn chế tiếp xúc cũng được áp dụng đối với nhân viên khách sạn Mường Thanh – Viễn Triều, đại bản doanh của các đội bóng tham dự VBA, trong đó số lượng nhân viên trực tiếp tiếp xúc với các thành viên giải được hạn chế chỉ hơn 30 người, làm việc và ăn nghỉ ngay tại khách sạn.

Tương tự yếu tố phòng dịch cũng đã được áp dụng mức cao nhất tại nhà thi đấu Trường đại học Nha Trang, nơi diễn ra các trận đấu, như phòng chức năng được lắp vách ngăn kính hay lối đi riêng, nhà vệ sinh riêng cho từng nhóm đối tượng… Việc di chuyển của các đội bóng cũng được khép kín với cung đường duy nhất từ khách sạn tới nhà thi đấu và ngược lại, trên những phương tiện được bố trí riêng cho từng đội.

Nhà thi đấu VBA 2021 đáp ứng tiêu chuẩn 5K. (Ảnh: VBA)

Nhà thi đấu VBA 2021 đáp ứng tiêu chuẩn 5K. (Ảnh: VBA)

“Bong bóng an toàn” hay “tập trung cách ly” không còn xa lạ đối với những hoạt động thể thao trong nước và quốc tế. Tất nhiên, không tránh khỏi những vấn đề tâm lý khi bị cách ly trong thời gian dài, hạn chế hoạt động đối với mỗi VĐV, hoặc thi đấu mà vắng bóng khán giả trên các khán đài. Tuy nhiên, bảo đảm an toàn phòng dịch là yếu tố quan trọng nhất hiện tại. Thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để tồn tại là điều Ban tổ chức các giải đấu, trong đó có VBA 2021 đang thực hiện để các sự kiện có thể diễn ra thành công, trước khi nghĩ về bầu không khí cuồng nhiệt trong những cuộc so tài, với những khán đài đầy ắp khán giả. Điều đó sẽ trở lại trong tương lai, nếu hiện tại chúng ta giữ vững được “bong bóng an toàn”, những “thành trì” phòng ngự trước đại dịch Covid-19.

MINH PHÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhip-song-the-thao/-bong-bong-an-toan-cho-cac-hoat-dong-the-thao-659740/