Bóng chuyền Biên phòng: Thay đổi để thành công
Những năm gần đây, với dàn cầu thủ trẻ tài năng, Biên phòng thường xuyên nằm trong Top 5 đội bóng chuyền nam mạnh nhất Việt Nam. Tuy nhiên, để chinh phục những mục tiêu cao hơn, đòi hỏi bóng chuyền Biên phòng cần có sự thay đổi, chuyển mình trong thời gian tới.
Chú trọng khắc phục những hạn chế
Biên phòng bước vào mùa giải năm nay với bộ khung chủ yếu là những cầu thủ trẻ U23 đã khẳng định được tài năng trong những năm gần đây, như đội trưởng Phạm Văn Hiệp, chủ công Nguyễn Ngọc Thuân, phụ công Trần Duy Tuyến. Đội bóng cũng được bổ sung thêm 2 bản hợp đồng là chủ công Bùi Văn Cường (đến từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động) và nhà vô địch SEA Games 31 - Hernanda Zulfi (Indonesia).
Với các cầu thủ trẻ góp mặt trên sân, Biên phòng luôn thi đấu hết mình trong các trận đấu, cống hiến cho người hâm mộ những trận đấu mãn nhãn, cảm xúc. Qua đó, góp phần giúp Biên phòng vượt qua bảng B “tử thần”, rồi giành vị trí thứ 5 chung cuộc tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022. Về lối chơi, Biên phòng được đánh giá là đội bóng chuyền có chiến thuật khá đa dạng, biến hóa, linh hoạt tùy thuộc đối thủ.
Dù hoàn thành mục tiêu đề ra trước giải, nhưng huấn luyện viên Trần Đình Tiền và Ban huấn luyện còn nhiều việc phải làm nếu như muốn tiến xa hơn ở các giải đấu sắp tới, trước mắt là tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc năm 2022. Đầu tiên là tâm lý thi đấu, với đội hình gồm nhiều cầu thủ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, khiến cho Biên phòng luôn gặp tâm lý “căng cứng” khi gặp phải các đối thủ mạnh. Tại vòng bảng và trận tứ kết, Biên phòng với sức trẻ đã chơi ngang ngửa với Sanest Khánh Hòa, Thể Công và Tràng An Ninh Bình, nhưng đáng tiếc là các cầu thủ trẻ đã không duy trì được sự ổn định và để thua ở hiệp 5 quyết định trước các đối thủ.
Khi mà “nút thắt” tâm lý đã được cởi bỏ, các cầu thủ Biên phòng đã chơi thanh thoát, hiệu quả trên sân và giành chiến thắng thuyết phục trước thành phố Hồ Chí Minh và Hà Tĩnh ở 2 trận đấu tranh hạng sau đó. Thực tế cho thấy, Biên phòng đang thiếu một người thủ lĩnh kinh nghiệm trên sân để có thể lấy lại tinh thần cho toàn đội ở những thời điểm khó khăn. Đối chuyền Phạm Văn Hiệp dù được trao băng đội trưởng, là cây ghi điểm chính của đội, nhưng anh lại chưa thể hiện được vai trò rõ nét của người thủ lĩnh.
Về mặt chuyên môn, tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022, các cầu thủ Biên phòng vẫn mắc khá nhiều lỗi phát bóng hỏng khiến đội nhà đánh rơi nhiều điểm số ở những thời điểm quan trọng. Ngoài ra, khả năng phòng thủ, chuyền một của các cầu thủ cũng không được ổn định, khiến chuyền hai Đinh Văn Duy xử lý khá lúng túng, không thể đưa ra được những đường chuyền đẹp nhất đến các vị trí tấn công của đội nhà.
Bên cạnh đó, yếu tố chiều sâu đội hình của Biên phòng cũng không được đánh giá cao, đội bóng chỉ có thể đăng ký 12/14 cầu thủ tối đa tại giải. Trong số cầu thủ đăng ký, huấn luyện viên Trần Đình Tiền chỉ sử dụng được 7-8 gương mặt trong suốt giải đấu. Ở những thời điểm cần “làm mới” hàng công cho đội nhà, huấn luyện viên Trần Đình Tiền cũng không thể có phương án thay đổi do sự chênh lệch không nhỏ về trình độ, kinh nghiệm thi đấu giữa các vị trí chính thức và dự bị.
Cần nguồn tài trợ để phát triển
Theo xu hướng phát triển của bóng chuyền Việt Nam hiện nay, nếu muốn cạnh tranh những danh hiệu lớn, bên cạnh yếu tố nội lực, các đội bóng cần thu hút được nhà tài trợ. Với nguồn lực tài chính được bảo đảm, các đội có thể cải thiện chất lượng đội hình, tăng cường những nội binh và ngoại binh chất lượng. Thực tế, trong 3 mùa giải gần đây (từ năm 2020 đến 2022), những nhà vô địch là Tràng An Ninh Bình và Sanest Khánh Hòa đều là những đội bóng chuyền có tiềm lực tài chính mạnh mẽ với sự đồng hành của các nhà tài trợ, chất lượng cầu thủ của 2 đội này đều vượt trội hơn so với các đội còn lại.
Trong quá khứ, ở mùa giải 2011, với sự hậu thuẫn từ nhà tài trợ Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank, đội bóng chuyền Biên phòng đã chiêu mộ được những cầu thủ giỏi để bổ sung vào những vị trí còn yếu trong đội hình, góp phần giúp Biên phòng từng giành chức vô địch quốc gia lần thứ 2 trong lịch sử của đội bóng.
Ở những mùa giải gần đây, Biên phòng không có nhà tài trợ, là một trong những đội bóng chuyền khó khăn của bóng chuyền của Việt Nam. Không có nguồn xã hội hóa khiến cho thu nhập của các vận động viên Biên phòng nằm ở mức khá thấp so với các đội bóng khác, nhất là đối với các vận động viên hợp đồng và vận động viên trẻ. Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các cầu thủ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với bản lĩnh kiên cường của người lính quân hàm xanh cùng sự quan tâm của Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Tham mưu BĐBP, các cầu thủ Biên phòng luôn có sự chuẩn bị kỹ càng cho các giải đấu và đạt thành tích khá tốt trong 5 mùa giải gần đây, với 2 lần giành hạng 4 (2018 và 2020), 2 lần giành hạng 5 (2021 và 2022). Tại các giải đấu trong nước, Biên phòng luôn được đánh giá cao, là đối thủ khó chịu đối với Tràng An Ninh Bình và Sanest Khánh Hòa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân mà đội bóng chuyền Biên phòng duy trì được thành tích ổn định trong 5 năm gần đây, đó là chất lượng đào tạo trẻ. Lứa cầu thủ U23 tài năng hiện nay của đội bóng chính là “quả ngọt” đến từ công tác đào tạo trẻ. Bên cạnh đó, cấp ủy, chỉ huy Đoàn Thể dục Thể thao BĐBP và Ban huấn luyện đã chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, thường xuyên chia sẻ khó khăn trong công việc, cuộc sống, kịp thời động viên anh em; giáo dục truyền thống để cầu thủ cảm thấy tự hào khi được khoác trên mình màu áo Biên phòng. Do đó, phần lớn các cầu thủ đều yên tâm tư tưởng, cống hiến hết mình cho đội nhà.
Tuy nhiên, để hướng đến những mục tiêu lớn hơn trong tương lai, bóng chuyền Biên phòng cần sự chung tay đồng hành của các nhà tài trợ, để giúp các cầu thủ cải thiện được đời sống vật chất, tinh thần. Bởi khi có nguồn tài trợ, chắc chắn các vận động viên sẽ có thêm động lực thi đấu, thành tích của Biên phòng cũng có thể được cải thiện và sẵn sàng đua tranh những vị trí cao nhất tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia.