Bóng chuyền nữ Hà Nội tìm lối đi mới
Khép lại Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024, đúng như dự báo, đội bóng chuyền nữ Hà Nội đã phải nhận vé xuống hạng. Chắc chắn, sẽ cần phải có lối đi mới hơn hiện nay để phát huy hết tài năng của lứa trẻ mà bóng chuyền nữ Thủ đô đang sở hữu.
Cũng tại bởi nghèo
Từ gần chục năm nay, hành trình gây dựng lại danh tiếng như đội bóng chuyền nữ Bưu điện Hà Nội (là sự kết hợp giữa Sở TDTT Hà Nội với Bưu điện Hà Nội) từng tạo ra của đội nữ bóng chuyền Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) thực sự khó khăn. Cái khó ở đây không phải là tài năng của cầu thủ hay đội ngũ Ban huấn luyện. Bởi xét về mặt đào tạo, bóng chuyền nữ Hà Nội hoàn toàn có thể tự hào trong nhóm đầu cả nước. Từ khâu tuyển chọn, bóng chuyền nữ Hà Nội đã có được nguồn VĐV tài năng. Đến khâu huấn luyện, những HLV tuyến trẻ của Hà Nội cũng nổi tiếng mát tay, yêu nghề.
Cho nên, không ngẫu nhiên khi Hóa chất Đức Giang nhảy vào làng bóng chuyền chuyên nghiệp Việt Nam cách đây khoảng chục năm đã chọn ngay việc kết hợp với bóng chuyền nữ Hà Nội. Dàn VĐV của bóng chuyền nữ Hà Nội vào năm 2016 đã được chuyển giao cho Hóa chất Đức Giang để góp phần giúp đội bóng này trở thành một trong ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vô địch tại mỗi giải đấu quốc gia mà đội bóng này tham dự.
Sau lứa VĐV đầy tài năng như Bích Thủy, Lý Thị Luyến, Hồng Ngát, Trịnh Thị Huyền... được chuyển giao cho cho Hóa chất Đức Giang vào năm 2016, bóng chuyền nữ Hà Nội tập trung vào lứa mới và đã sớm tạo nên một dàn VĐV trẻ trung, giàu khát vọng và được đánh giá là có tài. Điều ấy đã được chứng tỏ khi vào cuối năm 2023, đội nữ Hà Nội giành vé dự Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 với những tài năng trẻ như Yến Nhi, Lê Thùy Linh, Phạm Thùy Linh, Ánh Thảo... Trong đội hình khi ấy, có cả những cầu thủ còn đang học cuối cấp Trung học cơ sở, đủ thấy sự trẻ trung của đội bóng này.
Đáng chú ý, để duy trì hệ thống đào tạo trẻ và cho ra lò liên tiếp những dàn VĐV trẻ, tài năng như vậy, bóng chuyền nữ Hà Nội nói riêng và bóng chuyền Hà Nội nói chung (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) đều chỉ trông vào nguồn ngân sách. Thu nhập của cầu thủ bóng chuyền Hà Nội từ nhiều năm nay vẫn thuộc diện thấp nhất cả nước. Trong khi đó, dòng chảy xã hội hóa cuồn cuộn chảy trong làng bóng chuyền Việt Nam đã tạo ra những mức thu nhập vài ba chục triệu đồng/ tháng (nhiều gấp vài lần đến cả chục lần so với cầu thủ Hà Nội và thực sự là trong mơ với các cầu thủ Hà Nội) cho chính cầu thủ nội. Vậy mà những lứa cầu thủ của Hà Nội vẫn chịu khó, chịu khổ để giành những thứ hạng khiến người trong nghề phải nể trọng.
Chức vô địch giải bóng chuyền hạng A quốc gia năm 2023 và giành quyền tham dự Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 là một trong những điểm nhấn quan trọng như vậy. Và nếu nhìn vào sự đầu tư thuộc hàng thấp nhất trong làng bóng chuyền thành tích cao ở Việt Nam thì người ta càng thấy giá trị của tấm vé lên hạng ấy.
Tất nhiên, vào cuối năm 2023, sau lần giành vé lên thi đấu ở Giải vô địch quốc gia 2024, những người có trách nhiệm ở đội vừa mừng vừa lo. Mừng vì lứa VĐV trẻ của đội, chủ yếu trong nhóm 15-20 tuổi trưởng thành nhanh chóng, thậm chí vượt xa kỳ vọng. Nhưng những nhà quản lý và HLV của đội đều xác định rằng sẽ rất khó khăn để trụ hạng ở Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 dù đội có dàn cầu thủ nội đầy tài năng, một Ban huấn luyện cũng được đánh giá cao trong làng bóng chuyền Việt Nam. Khả năng ấy chỉ có thể xảy ra nếu đội đủ tiềm lực tài chính để ký hợp đồng với 1-2 cầu thủ nội có trình độ tương đối tốt từ các đội khác và ít nhất 1 cầu thủ ngoại.
Nhưng đó là điều bất khả thi với một đội bóng chỉ trông vào kinh phí từ ngân sách, chưa có sự đồng hành từ doanh nghiệp để động viên, hỗ trợ cầu thủ cũng như ký hợp đồng với cầu thủ ngoại hoặc cầu thủ nội từ các đội khác. Không kể, đó sẽ là lần đầu tiên dàn cầu thủ này thi đấu ở sân chơi vô địch quốc gia, vốn khốc liệt và giàu chất lượng hơn rất nhiều so với giải hạng A, trong đó hầu hết các đội đều thuê cầu thủ ngoại, HLV ngoại với chi phí tiền tỷ.
Thực tế tại giải đã cho thấy dự báo của những nhà quản lý, HLV của đội đều chính xác. Khi chưa kết thúc vòng đấu xếp hạng, đội nữ Hà Nội đã trong danh sách 1 trong 2 đội phải xuống hạng A ở mùa giải 2025 (đội còn lại là Quảng Ninh).
Cứ tìm sẽ ra lối
Hồi đầu năm 2024, Trưởng đoàn bóng chuyền nữ Hà Nội Bùi Đình Lợi, cũng là Trưởng bộ môn bóng chuyền – bóng rổ Hà Nội, từng tâm sự rằng chỉ cần đội bóng non trẻ này giành được séc thắng tại giải vô địch quốc gia năm 2024 đã là quá tốt.
Vậy mà, khi bước vào giải, dàn cầu thủ chủ yếu trong độ tuổi dưới 20 ấy cũng để lại dấu ấn nhất định về sự chững chạc, tự tin cùng lối chơi có tính tổ chức cao kể cả khi gặp phải những ứng cử viên vô địch. Nhiều khán giả đã phải trầm trồ trước màn trình diễn của các cô gái trẻ bóng chuyền nữ Hà Nội trong lần đầu thi đấu ở giải vô địch quốc gia. Rồi việc đội bóng giành chiến thắng 3-2 trước Quảng Ninh (đội bóng được đầu tư tốt hơn hẳn với việc chiêu mộ HLV Thái Lan, cầu thủ ngoại) ở vòng bảng cũng được xem là điểm nhấn. “Dù không có kết quả tốt nhất trong suốt hành trình dự giải nhưng các cầu thủ vẫn thi đấu với hết khả năng của mình, không bỏ cuộc. Đó là điều rất đáng trân trọng”, HLV Nguyễn Hữu Bình (Hà Nội) chia sẻ trong ngày kết thúc giải vào cuối tuần qua.
Trong khi đó, Trưởng đoàn Bùi Đình Lợi cho rằng, quá trình thi đấu tại giải của các cầu thủ trẻ Hà Nội là hành trình đáng khích lệ và tự hào. Câu chuyện sau giải đấu là tìm đường đi tiếp theo cho đội để có thể vững vàng trong hành trình tiếp theo, đặc biệt ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026, nơi các đội đều sử dụng cầu thủ nội.
Hướng đi ấy cũng dần thành hình trong thời gian qua. Có thể là sự kết hợp lực lượng với đội bóng khác trên địa bàn và đó cũng là phương án khả thi, nhất là khi đối tác đã nhận thấy tiềm năng của đội được thể hiện ở giải vô địch quốc gia vừa qua. Nếu điều đó xảy ra, rất có thể thu nhập của các cầu thủ sẽ tốt hơn hiện nay (hiện mới ở mức vài triệu đồng/ tháng bên cạnh tiền ăn), đủ có động lực để tiếp tục tập trung tập luyện, thi đấu. Khi ấy, bóng chuyền nữ Hà Nội cũng sẽ có lực lượng đủ dày dặn để cạnh tranh sòng phẳng với các đội khác ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026.
Và xa hơn, sự ra đời của Liên đoàn Bóng chuyền Hà Nội vào tháng 12 tới, được kỳ vọng sẽ mang đến luồng gió mới cho bóng chuyền Thủ đô. Đây cũng có thể mở ra lối đi để có nguồn hỗ trợ thu nhập ổn định, giúp cho cầu thủ các đội bóng chuyền Hà Nội (trong đó có đội nữ) vơi nỗi lo kinh phí, bớt cái tiếng “nghèo”. Để từ đó, thực hiện những mục tiêu xa, lấy lại vị thế cho bóng chuyền nữ Thủ đô như trước đây đội nữ Bưu điện Hà Nội từng làm được.
Tình thầy trò đáng trân trọng
Trưởng đoàn bóng chuyền nữ Hà Nội Bùi Đình Lợi kể rằng, một trong những điều khiến các cầu thủ nữ Hà Nội ở lại với đội dù có nhiều lời mời chào từ các đội khác chính là cái nghĩa thầy trò trong đội thực sự sâu đậm. Học trò có nghèo nhưng cũng không nỡ rời thầy, để thầy gặp khó khăn trong việc vận hành đội bóng. (Minh Khuê)
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/bong-chuyen-nu-ha-noi-tim-loi-di-moi-i750915/