Bóng cờ hồn nước thiêng liêng

Lá cờ đỏ sao vàng được tô thắm bởi máu xương của bao thế hệ người lính hào hùng trên biển, là 'kim chỉ nam' để cán bộ, chiến sĩ hải quân 'chân cứng đá mềm' bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 Chính trị viên đảo Cô Lin ký tên lên Quốc kỳ, tặng phóng viên mang về đất liền

Chính trị viên đảo Cô Lin ký tên lên Quốc kỳ, tặng phóng viên mang về đất liền

Ấn tượng lễ chào cờ và "Vòng tròn bất tử” Gạc Ma

Điều khắc ghi đặc biệt trong tâm trí toàn bộ phóng viên trên tàu 571 Vùng 4, Hải quân và đội ngũ chiến sĩ mới trong lần đầu tiên đến quần đảo Trường Sa thực hiện nhiệm vụ là buổi chào cờ đầu năm vô cùng thiêng liêng, ngay lúc mới đặt chân lên đảo Song Tử Tây, sau hải trình từ cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) vượt hơn 300 hải lý (hơn 600km) với 36 giờ đồng hồ sóng gió. Lúc đó là 7 giờ sáng. Trước cột mốc chủ quyền của hòn đảo rộng hơn 21ha phủ xanh cây lá, đã tề tựu các lực lượng quân - dân, mặt rạng rỡ nụ cười. Hình ảnh những người phụ nữ dịu dàng trong tà áo dài truyền thống và trẻ em trong màu áo cờ đỏ sao vàng thật thân thuộc, gần gũi. Dư âm những cơn say vật vã dường tan biến, dù xống áo trên người vẫn ướt đẫm bởi những cơn sóng lớn trùm lên khi chúng tôi rời tàu, lên xuồng nhỏ để cập đảo.

Dưới sự điều hành của Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, lễ chào cờ diễn ra trang nghiêm, xúc động. Các lực lượng quân – dân kính cẩn hướng lên lá cờ Tổ quốc đang tung bay hiên ngang giữa bầu trời xanh ngắt. Chợt dâng đầy trong tâm trí trang sử bi tráng trận hải chiến Trường Sa năm 1988 chống quân xâm lược, khẳng định chủ quyền tại cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, 64 người lính đã ngã xuống.

36 năm trôi qua và mãi mãi về sau, thế hệ này nối thế hệ khác, sẽ vẫn khắc ghi hình ảnh những người lính đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc, mặc cho pháo đạn kẻ thù dội vào, làm nên “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma - biểu tượng bất khuất của lòng yêu nước, trách nhiệm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Khi trúng đạn quân thù, Thiếu úy Trần Văn Phương ngã xuống hy sinh, nhưng vẫn ghì chặt cán Quốc kỳ.

Máu của các anh đổ xuống, để trong trận chiến bi hùng ấy, cờ Tổ quốc được cắm lên, tung bay trên đảo Len Đao, Cô Lin, khẳng định chủ quyền. Lá cờ đỏ sao vàng được tô thắm bởi máu xương của bao thế hệ, luôn hào hùng trên biển, đảo Trường Sa; biển, đảo Việt Nam, tung bay trước mũi những đoàn tàu của ngư dân bám biển – những cột mốc sống giữa trùng khơi.

Đến với đảo Sinh Tồn

Đến với đảo Sinh Tồn

Nước mắt ấm nóng nhòe trên gương mặt nhiều phóng viên, khi 10 lời thề danh dự của quân nhân Việt Nam “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam…” vang lên từ lồng ngực những người lính, hòa cùng tiếng sóng trầm hùng. Những lời thề dưới Quốc kỳ, nghi thức trong lễ chào cờ của toàn quân, khi vang lên trên thành trì biển, đảo Trường Sa - “điểm tựa” vững chãi của Tổ quốc, nơi đầu sóng gian nan, trở nên thiêng liêng và xúc động bội phần.

Dưới bóng Quốc kỳ, các lực lượng quân – dân đảo Song Tử Tây thực hiện diễu binh hùng tráng, mạnh mẽ, toát lên tinh thần, sức mạnh của khối đoàn kết một lòng. Như lời khẳng định và cam kết tiếp bước cha anh, vượt lên mọi gian khổ, hiểm nguy, chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cũng ngập tràn xúc động và tự hào như thế, trong buổi chào cờ, diễu binh đầu năm trên đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa, mà chúng tôi một lần trong đời vinh dự có mặt; ghi khắc vào trái tim, bộc bạch tự đáy lòng của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ hải quân: “Có những đồng đội đi trước đã hy sinh trong thiên tai, bão dữ khi đang thực hiện nhiệm vụ giữ biển tại các nhà giàn. Những người lính kiên cường vẫn báo cáo đã thực hiện trọn vẹn trách nhiệm với Đảng, với Nhân dân, Tổ quốc và gửi lời chào vĩnh biệt về đơn vị, đất liền trước khi chìm vào lòng biển. Sự hy sinh to lớn ấy, tinh thần kiên cường ấy là tấm gương, là động lực để chúng tôi vượt qua mọi gian nan, hiểm nguy, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

 Bình yên nơi đảo xa

Bình yên nơi đảo xa

Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 (Lữ đoàn trực tiếp quản lý, bảo vệ chủ quyền các đảo thuộc quần đảo Trường Sa), Vùng 4 Hải quân nói rằng: Trên biển, đảo Trường Sa, lá cờ thể hiện chủ quyền Tổ quốc, là hồn nước thiêng liêng, đã được tô thắm bằng máu của biết bao anh hùng liệt sĩ. Dù mỗi đầu tuần, đầu tháng, đầu năm đều diễn ra, nhưng tất cả những buổi chào cờ trên các đảo bao giờ cũng thiêng liêng; nhắc nhủ về truyền thống hào hùng, đóng góp to lớn của những thế hệ đi trước. Đồng thời, bồi đắp tinh thần, trách nhiệm mỗi người lính hôm nay luôn “chân cứng đá mềm”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Để Trường Sa mãi là “điểm tựa” vững chãi của Tổ quốc nơi đầu sóng. Mỗi hòn đảo, mỗi con tàu, mỗi người lính hải quân là “điểm tựa” vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, đồng thời là cột mốc sống, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Vun đắp tình quân - dân, tạo sức mạnh đoàn kết

Một trong những nhiệm vụ, trách nhiệm lớn lao của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, của mỗi người lính hải quân đã làm được, đó là xây dựng, vun đắp tình quân – dân, tạo nên sức mạnh đoàn kết to lớn. 18 ngày chúng tôi được đến với các đảo Trường Sa, Đá Đông, Đá Tây, An Bang, Len Đao, Cô Lin, Song Tử Tây, Sinh Tồn…, mới thấy sức mạnh đồng lòng quân – dân được “minh chứng” bởi màu xanh cây trái ngút ngàn, biểu tượng của sức sống vươn lên mãnh liệt trước phong ba; bởi hệ thống trung tâm y tế, trạm xá, trường học, chùa chiền khang trang. Trẻ thơ chạy nhảy vui đùa cùng tiếng cười trong veo dưới bóng cờ và những tán cây xanh, để thấy Trường Sa giữa trùng khơi thật yên bình.

 Vịnh Lăng Cô - một trong 28 vịnh đẹp thế giới. Ảnh: Nguyễn Phong

Vịnh Lăng Cô - một trong 28 vịnh đẹp thế giới. Ảnh: Nguyễn Phong

Trong buổi chiều bình yên trên đảo Sinh Tồn, chúng tôi gặp nụ cười thật mộc mạc, thật hiền của một người dân. Trước đây, trong thời gian nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh được đến Sinh Tồn nhận nhiệm vụ. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương tỉnh Khánh Hòa, anh cưới vợ, sinh con. Nhưng nhớ đảo, nhớ biển, nhớ từng tiếng sóng, tiếng gió, nhớ đồng đội vô cùng, anh viết đơn xin đưa cả gia đình trở lại đảo làm ăn, sinh sống. Người lính năm xưa nay trở thành người dân của Sinh Tồn, đồng thời thực hiện tốt vai trò dân quân, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền biển, đảo.

Khi tạm biệt Trường Sa, có những món quà nghĩa tình được gửi gắm theo hành trang của mỗi phóng viên. Đó là những trái bàng vuông, vỏ ốc, vỏ sò…, vượt hải trình sóng gió trở lại đất liền, đến với mọi miền đất nước. Đặc biệt nhất là những lá cờ đã từng tung bay trên đảo, đã bạc màu, đã rách bởi gió muối Trường Sa.

Nhà báo Nguyễn Khắc An nâng niu lá Quốc kỳ mang hồn nước thiêng liêng từ đảo Sinh Tồn trở về tặng UBND phường Hưng Dũng (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An), nơi trước đây anh từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch UBND phường. “Lãnh đạo chính quyền địa phương đã đặt lá cờ ở vị trí trang trọng. Dịp Tết, trong lễ chào cờ đầu năm, người dân đến đông đủ hơn bao giờ hết, bởi được biết đây là lễ chào cờ đặc biệt - lá cờ được mang về từ quần đảo Trường Sa. Sau buổi lễ, hạ cờ xuống, bà con đến chạm vào cờ, xem con dấu của đảo, chữ ký của chính trị viên đảo, rất xúc động. Từ nay, lá Quốc kỳ từng tung bay trên biển đảo Trường Sa sẽ trở thành lá cờ truyền thống, nhắc nhủ người dân càng có trách nhiệm trong bảo vệ, xây dựng quê hương” - nhà báo Nguyễn Khắc An chia sẻ.

Quỳnh Anh - Hoàng Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/bien-gioi-bien-dao/bong-co-hon-nuoc-thieng-lieng-145518.html