Bóng cười, thuốc lắc: Một phút hưng phấn, cả đời có thể loạn thần
Người sử dụng bóng cười, thuốc lắc đều cho rằng chúng không gây nghiện mà chỉ tạo cảm giác kích thích tạm thời. Tuy nhiên, thực tế chúng gây tổn hại lâu dài và nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tâm thần.
Tại buổi họp báo công bố thông tin vụ 7 người chết sau Lễ hội âm nhạc ở Công viên nước Hồ Tây, Công an TP Hà Nội cho biết, tất cả các nạn nhân đều rất trẻ và dương tính với ma túy. Tại hiện hiện trường, phát hiện bóng cười và nhiều vật chất nghi là ma túy.
Thậm chí, một số người tham gia sự kiện Lễ hội âm nhạc cho biết, bóng cười được những người đeo thẻ bán ngay tại lối vào. Vậy bóng cười là gì và có tác hại như thế nào?
Bóng cười gây loạn thần
Bóng cườilà quả bóng bay được bơm khí nitrous oxide (N2O) - một chất kích thích được giới trẻ sử dụng để tăng sức hấp dẫn, vui vẻ. Khi hít vào cơ thể ở nồng độ thấp, N2O sẽ tan vào máu, tác động đến hệ thần kinh, kích hoạt trung tâm gây cười trong não.
N2O là nhóm chất gây nghiện thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Khi vào cơ thể, N2O gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch, bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp tim, tử vong do biến chứng về tim mạch.
Ngoài ra việc sử dụng hàm lượng lớn, trong thời gian liên tục, kéo dài loại khí này có thể gây liệt, rối loạn cảm giác, đồng thời có thể gây thiếu máu, ức chế tủy xương và một loạt tác động khác lên cơ thể, thậm chí khả năng sinh sản cũng bị giảm.
Đáng lưu ý, những trường hợp cười ngả nghiêng liên tục cũng có thể bị ngạt do thiếu oxy và nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp có thể suy hô hấp.
Theo TS. Ian Hamilton - Khoa Sức khỏe Tâm thần, Đại học York (Anh), việc sử dụng lâu dài và liều cao khí N2O có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin và thiếu máu do sự bất hoạt của vitamin B12 trong cơ thể. Thiếu vitamin B có thể gây ngứa ran ở ngón tay, ngón chân và tứ chi có thể kéo dài hàng giờ hoặc hàng ngày. Các trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến tê, cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng, khó đi lại.
Ngoài ra còn có hậu quả lâu dài của sự cạn kiệt vitamin B12. Người sử dụng Nitrous oxide không thể hấp thụ B12 từ thực phẩm, dẫn tới mệt mỏi, thay đổi tính cách, và cuối cùng là tổn thương thần kinh nghiêm trọng.
“Khí cười” cũng có thể gây ra các rối loạn như các rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ và các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, khi hít bóng cười, cảm giác hưng phấn, sảng khoái chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, tuy nhiên cũng có một số trường hợp bị chóng mặt, giảm khả năng suy nghĩ. Sau khi ngưng sử dụng, người dùng sẽ cảm thấy rất mệt, trằn trọc, bồn chồn, bất an, chán chường, lơ đãng, ngủ li bì. Khi tăng cấp độ và sử dụng thường xuyên, bóng cười có thể gây loạn thần.
Thực tế cũng đã chứng minh khi có những trường hợp người chơi bị lệ thuộc và nghiện bóng cười đến mức thường xuyên phải hít đến 20 quả bóng cười mỗi ngày, dẫn đến tình trạng tổn thương thần kinh và đi lại không vững. Các kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ, mất chất liệu tủy sống, tê bì bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay 2 bên.
Thuốc lắc làm tê liệt các cơ quan cơ thể
Theo BS Hoàng Tuấn Anh - nguyên cán bộ Bộ Y tế, thuốc lắc không chỉ có khả năng dẫn đến tử vong do sử dụng quá liều, kích động quá mạnh, trong thời gian dài; mà cũng như bất kỳ loại ma túy nào khác, thuốc lắc có thể gây nghiện.
Người sử dụng thuốc lắc lâu dài sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tâm thần. Cụ thể, khi cơ thể bị kích động mạnh, trạng thái hưng phấn cao độ, hoạt động quá sức liên tục dẫn đến tiêu hao năng lượng lớn và mất nhiều nước,... Thuốc lắc cũng kích thích hệ thần kinh, tạo ra trạng thái kích động và căng thẳng, gây mất ngủ triền miên, biếng ăn,… dẫn đến tình trạng suy kiệt.
Thuốc lắc cũng gây ra những rối loạn về tâm lý như lẫn lộn, trầm cảm, lo lắng và hoang tưởng
Thuốc lắc có tác dụng tạo hưng phấn, nhiều người coi thuốc lắc như thần dược để làm tăng khả năng tình dục. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học khẳng định khả năng tình dục sẽ suy giảm một cách rõ rệt, thậm chí mất khả năng tình dục. Ở phụ nữ, việc sử dụng thuốc lắc sẽ gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, rong kinh, tăng tiết sữa bất thường và vô sinh.
Tác hại của thuốc lắc đối với não cũng đã được các chuyên gia thần kinh cảnh báo. Cụ thể, thuốc lắc làm não tăng phóng thích 3 chất dẫn truyền thần kinh: serotonin, dopamine và norepinepherine. Đây là những chất có vai trò chuyển tải xung động thần kinh từ tế bào thần kinh này sang các tế bào thần kinh khác. Sự phóng thích quá mạnh mẽ các chất dẫn truyền thần kinh có thể gây nên tình trạng cạn kiệt chất dẫn truyền xung động thần kinh khiến các tế bào thần kinh bị chết dần.
Điều này có thể dẫn đến nguy cơ rối loạn hoặc tê liệt nhiều cơ quan cơ thể. Chẳng hạn, tình trạng các tế bào thần kinh tạo dopamine bị mất vĩnh viễn sẽ dẫn đến bệnh Parkinson với biểu hiện là các cơn run, co cơ, cử động khó khăn, di chuyển chậm.
Việc hủy hoại các chất dẫn truyền thần kinh còn dẫn đến mất khả năng kiểm soát nhận thức và tình cảm trong não, không còn cảm nhận tình cảm vui buồn.
Vì những tác hại nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài, các chuyên gia khuyến cáo những người trẻ tốt nhất nên tránh xa những trò vui này. Thực tế vụ việc 7 người tử vong tại lễ hội âm nhạc Hồ Tây vừa qua là bài học cảnh tỉnh về những thú chơi nguy hại này..