Bóng đá Ả Rập tiêu gần 1 tỷ euro, vì sao khó có lần 2 'hút máu' CLB châu Âu?

Saudi Arabia đã tiêu gần 1 tỷ euro mua cầu thủ trong hè 2023 nhưng khó có lần 2.

“Hóa rồng” quá nhanh

Đêm thứ Năm vừa qua chứng kiến thị trường chuyển nhượng của Saudi Arabia đóng cửa, trễ hơn 1 tuần so với châu Âu. Chưa năm nào bóng đá Saudi Arabia lại hút cầu thủ như năm nay và cho đến khi thị trường đóng cửa các đội châu Âu không thể ăn ngon ngủ yên trước khả năng các ngôi sao của mình đòi ra đi.

Thương vụ đắt giá cuối cùng của giải Saudi Pro League là 22 triệu euro CLB Al Ittihad bỏ ra mua Luiz Felipe của Real Betis, và Al Ettifaq của Steven Gerrard tốn 10 triệu euro mua Demarai Gray từ Everton. Cho đến tận những phút cuối cùng người ta vẫn chờ xem Mohamed Salah của Liverpool và Jadon Sancho của MU có sang Saudi Arabia, nhưng đã không có gì xảy ra.

Các CLB Saudi Pro League đã chi tổng cộng 957,1 triệu euro mua cầu thủ chỉ trong “phiên chợ” mùa hè này, xếp chỉ sau Premier League (2,8 tỷ euro) trên bảng chi tiêu của bóng đá thế giới. CLB Al Hilal dẫn đầu cuộc đua mua sắm với 353 triệu euro bỏ ra, chủ yếu dồn cho Neymar (90 triệu euro). Đội bóng này xếp chỉ sau Chelsea về số tiền tiêu trên thị trường, vượt khá xa so với các CLB Saudi khác như Al Ahli (194 triệu euro), Al Nassr (165 triệu euro), Al Ittihad (110 triệu euro).

Mặc dù các vụ mua bán của Saudi Arabia gây nhiều chú ý bởi nhắm đến nhiều cầu thủ ngôi sao có tiếng nhưng về riêng từng thương vụ vẫn chưa có sức nặng như giới làm ăn ở châu Âu. Có tới 6 vụ mua sắm ở cựu lục địa đắt tiền hơn vụ Neymar sang Al Hilal, siêu sao người Brazil là cầu thủ duy nhất có mức giá đắt nằm trong top 15 vụ mua quân hè năm nay. Những vụ đắt khác như Malcom về Al Hilal và Otavio về Al Nassr (cùng 60 triệu euro) chỉ đủ nằm trong top 20.

Miếng bánh có hạn

So sánh với chính giải Saudi Arabia thì 2023 là một năm chưa từng có tiền lệ, 16 cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử giải đấu đều được mua mùa hè này. Nhưng 15/16 thương vụ đó được thực hiện bởi nhóm 4 đội bóng thuộc Quỹ đầu tư công PIF (cũng là chủ sở hữu Newcastle) gồm Al Hilal, Al Nassr, Al Ittihad và Al Ahli, một nhóm “Big 4” của Saudi Pro League.

Các đội như Al Shabab hay Al Ettifaq tuy cũng có tiền nhưng về khả năng bỏ phí chuyển nhượng thì không đọ được 4 đội kia chứ chưa nói đến các ông lớn châu Âu. Sức hút của các đội này vẫn nằm ở khả năng trả lương cao hơn so với đa số các giải lớn ở cựu lục địa, do đó họ hay nhắm đến các ngôi sao đã cao tuổi hoặc không còn phong độ cao mà Jordan Henderson về Al Ettifaq và Yannick Carrasco sang Al Shabab là ví dụ.

Nhưng Al Ettifaq tiêu cũng khá dè chừng: 14 triệu euro cho Jordan Henderson, 10 triệu euro cho Demarai Gray, 8 triệu euro cho Georginio Wijnaldum và miễn phí với Moussa Dembele. Tổng cộng là hơn 36 triệu euro, mà số tiền này cũng chỉ ngang bằng FC Basel của Thụy Sĩ và còn thua một số đội Thổ Nhĩ Kỳ.

4 đội của PIF cùng Al Shabab và Al Ettifaq có thể dùng 48 suất ngoại binh để đá ở Saudi Pro League (8 suất/đội), trong khi ở AFC Champions League họ chỉ được dùng 6 ngoại binh trên sân cùng lúc (1 người phải đến từ châu Á). Như vậy nhóm “Big 4” sẽ không thoải mái lắm trong việc mua ngoại binh bởi nếu có 2 người không được ra sân ở đấu trường cấp cao nhất châu lục thì họ tuyển đủ 8 suất bằng toàn ngôi sao để làm gì?

Dàn ngoại binh của 3 CLB Saudi Pro League dự AFC Champions League mùa 2022/23 (Quy chế: tối đa 6 ngoại binh ra sân cùng lúc, trong đó có 1 cầu thủ châu Á)

- Al Hilal: Michael, Malcom, Neymar (cùng Brazil), Sergej Milinkovic-Savic, Aleksandrar Mitrovic (cùng Serbia), Kalidou Koulibaly (Senegal), Bounou (Morocco).

- Al Ittihad: Karim Benzema, N'Golo Kante (cùng Pháp), Fabinho, Marcelo Grohe, Igor Coronado (cùng Brazil), Luiz Felipe (Italia), Abderrazak Hamdallah (Morocco), Jota (Bồ Đào Nha - đã không được đăng ký dự giải).

- Al Nassr: Cristiano Ronaldo, Otavio (cùng Bồ Đào Nha), Marcelo Brozovic (Croatia), Talisca, Alex Telles (cùng Brazil), Aymeric Laporte (TBN), Seko Fofana (Bờ Biển Ngà), Sadio Mane (Senegal).

- Al Fayha: Vladimir Stojkovic, Milan Pavkov (cùng Serbia), Fashion Sakala (Zambia), Victor Ruiz (TBN), Gojko Cimirot (Bosnia & Herzegovina), Henry Onyekuru (Nigeria), Ghislain Konain (Bờ Biển Ngà), Abdelhamid Sabiri (Morocco).

Như chúng ta đã thấy ở thống kê bên trên, Al Nassr của Cristiano Ronado bây giờ đã có dàn ngoại binh không góp mặt cầu thủ châu Á nào. Những Mane, Ronaldo, Brozovic và Laporte đều quan trọng nhưng nếu bộ tứ này lành lặn, họ sẽ chỉ dùng thêm được 1 người trong số ngoại binh còn lại gồm Talisca, Seko Fofana, Alex Telles và Otavio khi vòng bảng AFC Champions League bắt đầu.

Al Ahli đã dùng 8 suất để tuyển toàn cầu thủ chất lượng (Mendy, Mahrez, Firmino, Saint-Maximin, Kessie, Ibanez, Demiral, Veiga). Nhưng đội bóng này không dự AFC Champions League, nếu mùa sau Al Ahli đá Champions League thì khi ra sân họ sẽ chỉ dùng được có 5 người trong dàn ngoại binh này.

Xoay sở luật lệ?

Trừ khi Saudi Arabia lo liệu được với AFC, họ chỉ có thể duy trì hạn ngạch ngoại binh ở mức hiện tại. Có lẽ vì thế nên Saudi Arabia đang đánh tiếng xin sang đá UEFA Champions League nhưng bị UEFA từ chối thẳng thừng, còn vận động với AFC vẫn sẽ phải có được sự đồng thuận của đa số các liên đoàn thành viên.

Ronaldo, Benzema, Kante và Mane đều đổ bộ vào các đội nhóm "Big 4" của Saudi Pro League do PIF sở hữu

Ronaldo, Benzema, Kante và Mane đều đổ bộ vào các đội nhóm "Big 4" của Saudi Pro League do PIF sở hữu

Các giải châu Âu vẫn có lợi thế khi hạn chế ngoại binh của họ chủ yếu dành cho cầu thủ ngoài EU, và nhiều cầu thủ Nam Mỹ có thể kiếm được hộ chiếu của các nước EU khi đạt đủ điều kiện cư trú ở quốc gia sở tại. Ví dụ như năm ngoái Vinicius đã có hộ chiếu TBN nên Real Madrid lại chừa ra được một suất ngoài EU để đăng ký cầu thủ nước ngoài đá La Liga.

Bài toán quota ngoại binh chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc Saudi Arabia có mua quân rầm rộ nữa hay không trong thời gian tới. Bất lợi cho Saudi Arabia là họ vẫn chỉ có một giải VĐQG, trong khi hệ thống bóng đá châu Âu là cả một mạng lưới lớn. Saudi Pro League là một miếng bánh to và giàu chất bổ nhưng chỉ béo nhóm các đội thuộc PIF, nhưng ở châu Âu còn có một cái bánh lớn vừa hơn về sự bắt mắt lẫn kích cỡ để chia cho số lượng người ăn đông đảo.

Đã có những tranh luận về việc Saudi Arabia có chán làm bóng đá giống như Trung Quốc không sau cơn cuồng mua sắm vừa qua. Nhưng trong khi Trung Quốc dừng vì bóng đá trong nước không tiến bộ lên, trở ngại ngăn Saudi Arabia "hút máu" châu Âu sẽ nằm ở những luật lệ và khoảng cách tài chính giữa nhóm “Big 4” với phần còn lại. Nếu không xoay sở được các luật lệ thì Saudi Arabia sẽ chỉ thay ngôi sao bằng ngôi sao trong những kỳ chuyển nhượng tới mà thôi.

Jota chuyển sang Al Ittihad nhưng chỉ sau hơn 1 tháng đã bị CLB này cho ra rìa

Jota chuyển sang Al Ittihad nhưng chỉ sau hơn 1 tháng đã bị CLB này cho ra rìa

Trong thời gian qua đã có tin đồn rằng Al Ittihad chỉ sau hơn 1 tháng mua Jota từ Celtic đã cắt bỏ cầu thủ này vì nghĩ có thể đón về Mohamed Salah. Không rõ sự thật ra sao, nhưng đó là bài học cho các ngoại binh trước khi đến Saudi Arabia: Trừ khi anh quá nổi tiếng và đã thể hiện trình độ ở các giải châu Âu, còn không anh sẽ luôn đối mặt nguy cơ bị các đội Saudi "chơi chán rồi bỏ", nhất là nếu họ không thể dùng anh vì các quy định về ngoại binh.

Q.D

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/the-thao/bong-da-a-rap-tieu-gan-1-ty-euro-vi-sao-kho-co-lan-2-hut-mau-clb-chau-au-c28a59902.html