Bóng đá Italy khác Anh thế nào
Cựu cầu thủ, HLV Gianluca Vialli qua đời ngày 6/1/2023 vì căn bệnh ung thư. Ngòi bút và cách suy nghĩ của ông về bóng đá cũng sắc sảo như khi đứng trước khung thành đối thủ.
Cuốn sách “The Italian Job” mà Vialli viết chung với nhà báo nổi tiếng nhiều năm trên các trang báo tiếng Anh và tiếng Italy Gabriele Marcotti là cuốn sách về bóng đá đáng đọc nhất, được xuất bản lần đầu năm 2006.
Lên đỉnh cao sự nghiệp cầu thủ ở Italy, sang Anh thi đấu và làm HLV, Vialli có cơ hội chứng kiến và so sánh sự phát triển của hai nền bóng đá này trên mọi khía cạnh. Nhận định của Vialli giúp những người làm bóng đá chuyên nghiệp ở Anh thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, cải thiện và nâng bóng đá Anh lên tầm cao mới. Dưới đây là một đoạn trích trong cuốn sách.
Gian lận là biểu hiện khôn ngoan
Tôi may mắn có thời gian dài được làm việc với những người thầy tuyệt vời Don Angelo, Cistriani, Settembrino và Mondonico. Họ cho tôi nền giáo dục bóng đá tuyệt vời, họ không chỉ là những HLV chuyên nghiệp, mà còn là những người đàn ông tốt bụng.
Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng rất ít kiến thức bóng đá của tôi liên quan đến các giá trị như sự công bằng hay tinh thần thể thao. Với chúng tôi, bóng đá hầu như không có khái niệm là một “trò chơi”. Đó là môn mà chúng tôi phải thắng, nếu không, chẳng có giá trị gì hết. Mọi thứ chúng tôi làm đều đi theo khuôn mẫu đó.
Mondonico có tinh thần tự do, nhưng cũng muốn chiến thắng, kể cả trong các trận đấu tập 5 người mỗi bên. Như các HLV thường làm, ông ấy làm trọng tài trong khi thi đấu. Lúc nào cũng vậy, nếu đội của ông ấy thua hoặc hòa vào cuối buổi tập, ông ấy sẽ ngã vào vòng cấm và tự thưởng cho mình một quả phạt đền. Điều này xảy ra không biết bao nhiêu lần. Đôi khi ông làm điều đó một cách vui vẻ, đôi khi ông nghiêm túc một cách tàn nhẫn.
Người ta nói, hành động mạnh hơn lời nói. Đối với tôi, hành động đó rất hùng hồn. Bất kể việc Mondonico mỉm cười khi tự thưởng cho mình quả phạt đền hay ông ấy giả vờ rằng mình thực sự bị phạm lỗi, thì thông điệp đều giống nhau: Ông ấy ghét thua cuộc và sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để giành chiến thắng. Tất cả chúng tôi đều nhìn thấy điều đó và ngấm vào người mang nó theo hành trang vào đời của mình. Có nghĩa là nó trở thành một phần trong quá trình giáo dục bóng đá của chúng tôi.
Ngày trước, nhiều người không xem những mánh khóe như vậy là gian lận. Chúng được coi là khôn ngoan. Khi một đối thủ giành quả phạt đền trước chúng ta bằng cách ăn vạ, thái độ của các cầu thủ và HLV không phải là lên án anh ta gian lận. Mà là chỉ trích các hậu vệ của mình vì đã để điều đó xảy ra. “Anh ta thật khôn ngoan, anh ta lừa bạn và cả trọng tài. Lần sau, các bạn phải cẩn thận hơn, đừng cho anh ta cơ hội làm điều đó nữa”.
Hãy xem xét sự tương tự này. Bạn đậu chiếc xe hơi đắt tiền trong khu nhiều tệ nạn của thành phố, với chìa khóa cắm trong ổ. Nó bị đánh cắp. Ai đáng bị đổ lỗi? Kẻ trộm lấy xe bạn, hay bạn cho anh ta cơ hội để lấy trộm? Về mặt đạo đức, tất nhiên, kẻ trộm phải chịu trách nhiệm. Bạn không làm gì sai. Tuy nhiên, thế giới thực không hoạt động theo cách đó. Hãy thử đến đồn cảnh sát để báo cáo chiếc xe của bạn bị mất. Nếu lịch sự, họ sẽ đợi cho đến khi bạn rời đi, mới phá lên cười. Còn không, họ sẽ cười thẳng vào mặt bạn. Nếu bạn đặt mình vào một tình huống mà bạn có thể bị tổn hại, thì bạn sẽ không nhận được sự đồng cảm nào hơn người đàn ông cụt tay vì tung hứng với cưa máy.
Với người Italy, kết quả là trên hết
Tất nhiên, khi bước vào thế giới thực, người Anh không ngây thơ hơn người Italy. Họ không tung hứng với cưa máy. Và nếu họ đỗ xe ở khu vực đáng ngờ, họ sẽ không để chìa khóa trong xe. Nhưng người Italy mang “thế giới thực” vào sân cỏ ở cấp độ trẻ, trong khi ở Anh, với trẻ em, bóng đá chỉ là “trò chơi”. Ở Italy, trò chơi là “thật” ngay cả với những đứa trẻ 10 tuổi. Và bởi vì nó thật, nên phần thưởng sẽ thuộc về người chiến thắng. Nó phản ánh cuộc sống: Những người đứng đầu thường là những người chiến thắng nhưng chiến thắng của họ không phải lúc nào cũng là hình mẫu của đức hạnh.
Người Italy được dạy rằng nhiều người thành công nhờ gian lận, đó là lý do họ phải cẩn thận để không bị lừa. Hệ thống của Italy dạy trẻ em tự bảo vệ mình. Hệ thống của Anh không chấp nhận gian lận là điều không thể tránh khỏi, lên án nó như một thứ cần phải loại bỏ. Nhưng gian lận vẫn tồn tại. Theo nghĩa đó, bóng đá Anh theo đuổi điều không tưởng, trong khi bóng đá Italy bắt nguồn từ chủ nghĩa hiện thực.
Ngã vờ là vũ khí trong kho vũ khí của các tiền đạo. Trên thực tế, đó là vũ khí cần thiết. Ở ngoài vòng cấm, họ bị đá sau, thúc cùi chỏ và xô ngã mà đối thủ không bị trừng phạt. Nhưng trong vòng cấm, cán cân quyền lực chuyển về phía tiền đạo, người có thể giành được một quả phạt đền hoặc - và đây là sự thông minh đỉnh cao - khiến đối thủ của anh ấy bị đuổi khỏi sân.
Hệ thống của Italy không phải phớt lờ tinh thần thể thao, mà nó được đặt dưới hơn so với kết quả. Tôi nghĩ thái độ này bắt nguồn từ các HLV bóng đá trẻ ở Italy. Họ không huấn luyện vì sự hài lòng của trẻ em, họ huấn luyện vì tham vọng cá nhân. Họ muốn giành các danh hiệu, để có thể thăng hạng từ các tuyển trẻ lên bóng đá chuyên nghiệp. Họ đo lường giá trị của họ với tư cách là HLV theo bảng xếp hạng vào cuối mùa giải.
Không phải họ không quan tâm đến sự phát triển cá nhân của bọn trẻ, họ chỉ không coi đó là một phần công việc của mình. Theo quan điểm của họ, các giá trị sống là điều mà bọn trẻ nên học hỏi từ cha mẹ chúng, không phải từ một HLV bóng đá. Họ chỉ có một việc và muốn làm thật tốt: Dạy bọn trẻ trở thành cầu thủ bóng đá giỏi. Kết quả các giải trẻ châu Âu cho thấy người Italy đầu tư vào thành tích đến thế nào.
Richard Hughes kể với tôi: “Ở Italy, khi tôi bắt đầu được huấn luyện bởi cha tôi, bóng đá là trò vui. Sau đó, tôi gia nhập Atalanta khi mới 10 tuổi. Tôi tập luyện rất chăm chỉ suốt tuần, dành mọi thời gian rảnh rỗi cho bóng đá. Nhưng đến thứ bảy, tôi không được vào sân bởi vì có những anh chàng lớn hơn tôi một tuổi ở đó. Và tôi được nói rằng cơ hội của mình sẽ đến. Tôi mất hứng thú hoàn toàn với bóng đá. Chỉ khi chuyển đến Arsenal, tôi mới bắt đầu yêu bóng đá trở lại”.
“Ở Anh, họ chơi đẹp hơn”, Marcel Desailly nói, “Nhưng họ cũng có nhiều khuyết điểm hơn, có lẽ bởi vì hầu hết cầu thủ Anh xuất thân từ tầng lớp thấp, ít học. Họ không nhận thức được tầm quan trọng của những gì họ đang làm. Trên sân, họ chạy hết mình và tôn trọng đối thủ của họ. Nhưng ngoài sân cỏ, họ dường như không nhận ra rằng, ngay khi còn là một thiếu niên, hành vi của họ sẽ ảnh hưởng đến tương lai của họ. Vì vậy họ cư xử theo cách của họ. Với cầu thủ Ý, khi là thiếu niên, họ đã mang dáng dấp cầu thủ chuyên nghiệp, nghiêm túc, chuẩn bị tốt, chú ý đến từng miếng ăn”.
Vấn đề cốt lõi, tôi nghĩ, quan niệm truyền thống đối với bóng đá trẻ ở Anh sẽ là lý tưởng cho 99,9% cầu thủ trẻ không bao giờ chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Còn đối với ai muốn kiếm sống bằng thể thao, hệ thống ở Anh là hoàn toàn sai.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bong-da-italy-khac-anh-the-nao-post1409368.html