Bóng đá Malaysia khủng hoảng trước trận tiếp Việt Nam

Nhà cựu vô địch Perak đã rút lui khỏi Super League mùa giải tới vì khó khăn tài chính, trong lúc nhiều CLB nợ lương cầu thủ dai dẳng, khiến bóng đá Malaysia khủng hoảng ngay trước thềm trận quyết định với tuyển Việt Nam ở vòng loại Asian Cup 2027.

Bóng đá Malaysia vừa kết thúc mùa giải hồi cuối tuần và sớm tập trung cho trận thứ hai vòng loại Asian Cup 2027 tiếp khách Việt Nam vào ngày 10-6 trên sân Bukit Jalil. Tuy nhiên, ông thầy người Úc Peter Cklamovski đón nhận không ít tin buồn về sự khủng hoảng của bóng đá Malaysia.

Perak FC khai tử sau hơn 100 tuổi

Ấn phẩm NST của Malaysia tóm tắt về giải Super League 2024-2025 nổi bật là “vụ tấn công bằng axit kinh hoàng, tiền lương chưa trả, trọng tài tệ hại và cuộc chơi buồn tẻ”. Theo đó, việc đội bóng Selangor rút khỏi trận Siêu cúp sau vụ tấn công bằng axit vào Faisal Halim đã tạo nên bầu không khí ảm đạm cho các vấn đề ngoài sân cỏ, bao trùm các trận đấu của mùa giải.

Cựu tuyển thủ Azlan Johar chỉ thấy một cuộc đua đơn độc, một giải đấu đã trở nên quá dễ đoán, với CLB Johor Darul Ta'zim (JDT) dễ dàng vô địch Super League: “JDT xứng đáng là nhà vô địch, nhưng điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Vấn đề thực sự nằm ở các đối thủ cạnh tranh bên dưới họ. Có một khoảng cách rõ ràng về chất lượng. Trong khi JDT tiếp tục phát triển, phần còn lại của giải đấu đang trì trệ”.

 JDT dễ dàng vô địch Super League với 70 điểm sau 24 vòng đấu, hơn đội về nhì Selangor 18 điểm. Ảnh: NST.

JDT dễ dàng vô địch Super League với 70 điểm sau 24 vòng đấu, hơn đội về nhì Selangor 18 điểm. Ảnh: NST.

Azlan lo ngại về những thiếu sót của giải đấu, đặc biệt là về chiến thuật và thể lực của cầu thủ: “Bóng đá Malaysia còn cách xa các tiêu chuẩn quốc tế. Sự sa sút của những CLB chỉ là vấn đề tiền bạc. Đó là vấn đề lòng tự hào và sự khao khát. Quá nhiều cầu thủ dường như hài lòng với việc nhận lương mà không cải thiện. Khi họ trì trệ, đội tuyển quốc gia cũng sẽ như vậy”.

Ngay sau mùa giải, CLB Perak đã mang lại một chương buồn cho bóng đá Malaysia khi tuyên bố phá sản và dừng cuộc chơi. Perak thành lập năm 1921 đã chơi ở các giải đấu cao nhất hơn 100 năm. Họ giành được hai chức vô địch Super League, tám Cúp Malaysia và hai Cúp FA trong suốt lịch sử lẫy lừng của mình.

Perak xác nhận sẽ ngừng hoạt động sau khi không đảm bảo được nguồn tài chính cần thiết để duy trì CLB. Chủ tịch Perak, ông Datuk Seri Azim Zabidi cho biết: "Nguồn quỹ nội bộ hiện đã cạn kiệt và chúng tôi không thể tiếp tục nữa. Quyết định này không hề dễ dàng, nhưng chúng tôi phải trung thực với chính mình và người hâm mộ. Đây là một kết thúc đau đớn, nhưng chúng tôi chia tay với niềm tin rằng mình đã cố gắng hết sức”.

 CLB Perak kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình sau hơn 100 năm. Ảnh: NST.

CLB Perak kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình sau hơn 100 năm. Ảnh: NST.

Perak là một đội bóng giàu truyền thống và lịch sử, đã cảm ơn người hâm mộ đã sát cánh cùng họ trong những thời điểm khó khăn: "Đây không phải là cái kết mà chúng tôi mong muốn, nhưng chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể. Cảm ơn những người hâm mộ thực thụ luôn sát cánh cùng Perak dù trong hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi sẽ luôn nhớ những tiếng hò reo, niềm tự hào và tình yêu không lay chuyển mà người hâm mộ dành cho chúng tôi”.

Việc khai tử CLB Perak gây chấn động khắp làng bóng đá Malaysia, đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên đối với một trong những đội bóng lâu đời và danh tiếng nhất. Dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Yusri Che Lah, Perak đứng thứ bảy với 30 điểm trong mùa giải vừa kết thúc. Với diễn biến này, Super League mùa giải tới sẽ bao gồm 12 đội, với điều kiện không có CLB nào khác rút lui.

Giải quyết khủng hoảng cho bóng đá Malaysia

Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, bà Hannah Yeoh đã kêu gọi các cơ quan quản lý bóng đá Malaysia cải tổ hệ sinh thái của môn thể thao này, đặc biệt tập trung vào giải quyết vấn đề dai dẳng về tiền lương của cầu thủ.

 Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao, bà Hannah Yeoh trả lời báo chí về sự khủng hoảng của bóng đá Malaysia. Ảnh: NST.

Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao, bà Hannah Yeoh trả lời báo chí về sự khủng hoảng của bóng đá Malaysia. Ảnh: NST.

Bà Yeoh nhấn mạnh rằng những vấn đề của bóng đá Malaysia cần những giải pháp toàn diện thay vì giải quyết từng phần: "Những vấn đề của bóng đá Malaysia đòi hỏi nhiều hơn các biện pháp phản ứng. Đã đến lúc chúng ta nhìn vào bức tranh toàn cảnh và cùng nhau xây dựng lại một môi trường bóng đá lành mạnh và bền vững hơn”.

Bộ trưởng cho biết bà đã tìm kiếm chuyên gia bên ngoài để giải quyết cuộc khủng hoảng đang hoành hành Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM): "Tôi đã yêu cầu AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á) tiến hành đánh giá. Họ đã gửi cho tôi một báo cáo và chúng tôi sẽ thảo luận với FAM và nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện để cải thiện hệ sinh thái hiện tại, không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn ở các CLB”.

 Ngoại binh của CLB Kedah, Milos Gordic người Serbia không có lương sau 9 tháng. Ảnh: NST.

Ngoại binh của CLB Kedah, Milos Gordic người Serbia không có lương sau 9 tháng. Ảnh: NST.

Quan điểm của bộ trưởng Yeoh được đưa ra trong bối cảnh các cầu thủ ngày càng phàn nàn, bao gồm cả HLV của đội bóng Kelantan United, Rezal Zambery Yahya, người đã kháng cáo lên ban lãnh đạo CLB để giải quyết tình trạng nợ lương kéo dài tới sáu tháng.

Cuộc khủng hoảng của bóng đá Malaysia cũng ảnh hưởng đến các cầu thủ nước ngoài, khi tiền đạo người Serbia của Kedah, Milos Gordic, chia sẻ với giới truyền thông rằng anh sẽ trở về quê nhà mà không được trả lương sau chín tháng: “Tôi cảm thấy muốn khóc. Tôi sẽ trở về nghỉ ngơi ở bên gia đình tại Serbia. Tôi đã hy sinh rất nhiều vì con mình, vì gia đình mình. Nhưng tôi sẽ trở về nhà mà không có tiền”.

ĐĂNG HUY - ANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/bong-da-malaysia-khung-hoang-truoc-tran-tiep-viet-nam-post846877.html