Bóng đá nam Trung Quốc: Hổ lang trước mặt, búa rìu sau lưng

Tối ngày 8-9-2019, tại sân Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc, một trận đấu giao hữu 'nhẹ nhàng' diễn ra giữa tuyển U22 Trung Quốc và U22 Việt Nam.

Bóng dáng nhà vô địch?

Như chúng ta đã biết, đội Việt Nam thắng 2-0 nhờ hai bàn thắng có kịch bản gần như giống hệt nhau: Hồ Tấn Tài xuyên phá cánh phải, chuyền bóng vào trung lộ cho Tiến Linh dứt điểm, trong khi các hậu vệ đội bạn mắc lỗi vị trí, hoặc đơn giản là không tranh nổi bóng. Thực tế ra, đây đã là trận thua thứ ba liên tiếp ở các cấp độ của bóng đá Trung Quốc trước Việt Nam. Năm 2017, U18 Trung Quốc để thua 0-1, còn trong năm nay, Trung Quốc đã thua trận thứ hai.

Báo chí Trung Quốc: Thua mãi thành quen

Như một động tác quen thuộc trong hai năm nay, mỗi khi đội nhà thua, các trang tin tức của Trung Quốc đều đăng lại câu nói nổi tiếng của cựu danh thủ Phạm Chí Nghị (Fan Zhiyi): "Tiếp theo chúng ta sẽ thua Việt Nam. Thua Thái Lan, rồi Myanmar, rồi không còn đội nào để ta thua nữa".

SVĐ Quốc gia Trung Quốc.

SVĐ Quốc gia Trung Quốc.

Câu này được Phạm Chí Nghị nói khi trả lời phỏng vấn sau trận thảm bại 1-5 trước Thái Lan của đội trẻ Trung Quốc năm 2013. Câu nói "tức khí" đó không ngờ đã trở thành hiện thực. Ngay từ giải U23 châu Á năm 2018, khi đội Trung Quốc bị loại từ vòng bảng còn đội Việt Nam đi tới trận chung kết, người hâm mộ Trung Quốc đã lờ mờ nhìn thấy kết cục "thua Việt Nam" mà họ Phạm nhắc tới.

Lần này, đội U22 Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của Guus Hiddink lừng danh, đã thực sự thua trắng trước tuyển U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông Park Hang Seo - trợ lí cũ của ông Hiddink. Không khó hiểu khi truyền thông Trung Quốc tiếp tục chĩa mũi dùi vào đội tuyển.

Một vài trang báo mạng lớn của Trung Quốc thậm chí còn thẳng thắn cho rằng, đến giờ này tuyển Trung Quốc có thua Việt Nam cũng không còn là tin tức gây sốc nữa. Một bài viết trên trang tin 163.com (của Netease) khẳng định: việc Trung Quốc thua Việt Nam đã trở thành trạng thái bình thường, điều này vượt qua cả dự đoán của Phạm Chí Nghị năm nào.

Trang tin Sina, một trong những trang báo mạng lớn của Trung Quốc, có khá nhiều bài viết phân tích, đặc biệt là so sánh với… bóng đá Việt Nam. Một bài viết trên Sina cho rằng, tỉ số thua 0-2 chưa phải điều tồi tệ nhất. Tồi tệ hơn tỉ số đó chính là kĩ thuật cá nhân, ý thức chiến thuật và tinh thần thi đấu chuyên nghiệp của cầu thủ.

Một bài viết chỉ ra chi tiết trong trận đấu: trong vòng có 5' nhắn ngủi, tuyển Trung Quốc bị các cầu thủ Việt Nam "bỡn cợt" tới bốn lần. Vũ khí cuối cùng của tuyển Trung Quốc là chiều cao và thể hình của cầu thủ, nhưng có tới bốn lần họ thua cuộc trong những pha tranh chấp bóng trên không, chỉ vì phán đoán sai điểm rơi của bóng.

Một bài khác thì nói, tuyển Việt Nam "bỡn cợt" đội Trung Quốc bằng cách lấy bóng và qua người quá dễ dàng. Còn về tinh thần chuyên nghiệp, máy quay đã bắt được cảnh cầu thủ dự bị Đoàn Lưu Ngu (Duan Liuyu) và Trần Bân Bân (Chen Binbin) không hề tập trung vào các tình huống trên sân, mà vẫn cười đùa vui vẻ, mặc cho tình hình trên sân ngày càng bất lợi. "Có lẽ họ cũng không hề nhớ tới câu nói của Phạm Chí Nghị" - bài viết bình luận.

Trang mạng Trường Giang thì đưa dòng title: "Tuyển Olympic (Trung Quốc) luyện quân ở Hoàng Thạch thua Việt Nam 0-2: con đường ở Olympic Tokyo thực sự khó khăn", bài viết khẳng định tỉ số này phản ánh sự chênh lệch trình độ thực sự của hai đội. Và thực tế không lâu sau đó ông Hiddink mất chức.

Trang Sina cũng trực tiếp so sánh đội Trung Quốc và đội Việt Nam trong trận giao hữu vừa qua, cho biết tuyển Việt Nam có kĩ thuật tốt, chạy chỗ rất linh hoạt, khu vực giữa sân cung cấp bóng nhanh chóng cho tuyến trên, phối hợp ăn ý, phản công rất mau lẹ; còn tuyển Trung Quốc to cao hơn nhưng chơi bóng chậm chạp, chuyền bóng không tới, không thể phản công vì qua được khu trung lộ thì lập tức đã có hai đến ba cầu thủ Việt Nam theo sát tranh cướp, chạy chỗ kém, rất dễ mất bóng và mỗi khi mất bóng thì rất dễ để đối phương phản công.

Cư dân mạng Trung Quốc: Đây đã là trạng thái tốt nhất của tuyển Trung Quốc rồi

Cư dân mạng Trung Quốc cũng tranh luận rất sôi nổi về những trận thua gần đây của Trung Quốc. Sau khi nghe huấn luyện viên Park Hang Seo trả lời báo chí cho biết đội U22 Trung Quốc không phát huy hết khả năng trong trận đấu này, có một bình luận hài hước rằng, thực ra đây đã là trạng thái tốt nhất của tuyển Trung Quốc rồi, nếu không thì phải thua 0-4.

Rất nhiều bình luận của cư dân mạng đều chỉ ra nguyên nhân căn bản của việc bóng đá Trung Quốc xuống dốc trong thời gian qua, đó là công tác đào tạo trẻ yếu kém. Trung Quốc có trung tâm đào tạo bóng đá lớn, là trường bóng đá Hằng Đại (Quảng Châu), nhưng mãi vẫn không đào tạo được một lứa cầu thủ nào đủ chất lượng.

Khi cầu thủ vẫn còn chệch choạc về kĩ thuật cá nhân, thiếu ý thức chiến thuật, thì không một huấn luyện viên nào có đủ phép màu để biến đội tuyển Trung Quốc thành một đội bóng mạnh cả, cho dù là Marcello Lippi (người đang dẫn dắt Đội tuyển Quốc gia Trung Quốc), hay Guus Hiddink - người đã mất chức sau trận thua Việt Nam.

Người hâm mộ Trung Quốc cho rằng, điều này là do Liên đoàn Bóng đá nước này, cho dù liên tục thay đổi ban lãnh đạo, vẫn không tìm ra được một chiến lược phát triển đúng đắn. Các câu lạc bộ chỉ tập trung vào chuyện bỏ tiền ra mua cầu thủ nước ngoài, mà không chú trọng vào khâu đào tạo trẻ. Quốc gia thì kêu gọi một loạt cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển, bởi vì đội trẻ không chọn được ai.

Cầu thủ Trung Quốc sau trận thua Iran hồi đầu năm

Cầu thủ Trung Quốc sau trận thua Iran hồi đầu năm

Tất nhiên, người hâm mộ Trung Quốc cũng chẳng ngại công kích bản thân các cầu thủ. Họ cho rằng các cầu thủ được nuông chiều quá mức, với mức lương ngất ngưởng ở câu lạc bộ, không có tinh thần chiến đấu.

Còn nhớ AFC Asian Cup đầu năm 2019, ngay cả khi Việt Nam thua đội Nhật Bản, nhiều cư dân mạng Trung Quốc vẫn dành lời khen cho đội Việt Nam vì tinh thần thi đấu quả cảm, trái ngược hẳn với tình trạng của đội Trung Quốc khi gặp Iran. Ngay từ lúc đó, đã có một bình luận cho rằng nếu Trung Quốc gặp Việt Nam thì chắc chắn sẽ thua 0-2!

Nghịch cảnh trớ trêu

Trong những năm gần đây, nền bóng đá của nhiều quốc gia châu Á liên tục tiến bộ. Dưới góc nhìn của người Trung Quốc hiện giờ, những đội bóng Đông Nam Á như Việt Nam hay Thái Lan đều có thể khiến Trung Quốc không đủ tự tin khi đối đầu.

Vậy thì Trung Quốc lấy gì để đá với những đội mạnh như Iran, Nhật Bản hay Hàn Quốc? Hãy nhìn sang Hàn Quốc, đội bóng của họ không hề ngán cả những đội châu Âu, sẵn sàng hạ gục cả đội tuyển Đức. Ngay trước trận giao hữu với Việt Nam, U22 Trung Quốc đã phải vất vả cầm hòa đội Triều Tiên. Rõ ràng với người Trung Quốc, hiện nay số lượng "hổ ngáng đường" ngày một nhiều.

Ở phía sau lưng, đội tuyển Trung Quốc cũng không hề được lòng giới truyền thông và người hâm mộ. Báo chí Trung Quốc liên tục sử dụng những từ ngữ tiêu cực như "sỉ nhục", "thua trắng", "mất mặt", "không còn cần thể diện"… mỗi khi nhắc đến đội tuyển. Các cổ động viên dường như cũng không còn tin tưởng vào thực lực của đội nhà nữa.

Khi Tiến Linh ghi bàn thắng thứ hai, rất nhiều cổ động viên Trung Quốc đã bỏ về vì chán ngán. Trên mạng xã hội, những tiếng nói chỉ trích đã lấn át hoàn toàn những lời động viên cổ vũ. Không ít cư dân mạng thường xuyên đem tuyển Việt Nam ra để so sánh, nhiều người cho rằng tuyển bóng đá nam đang lãng phí tiền của, thậm chí kêu gọi giải tán đội tuyển.

Đây dường như là một vòng lặp ác tính: thành tích yếu kém của đội tuyển khiến người hâm mộ la ó, đồng thời sự quay lưng của truyền thông và người hâm mộ cũng khiến các cầu thủ càng thiếu đi động lực để thi đấu.

Bên cạnh đó, trường bóng đá Hằng Đại dù được đầu tư rất lớn nhưng những năm gần đây không đào tạo được một lứa cầu thủ nào xứng đáng với số tiền đầu tư. Rất nhiều người đặt dấu hỏi về khả năng đào tạo trẻ của Hằng Đại, cộng thêm mức học phí quá cao, khiến nhiều gia đình ngần ngại khi định gửi con em mình vào trường. Chính vì uy tín giảm sút, nên chất lượng đầu vào cũng vì thế mà suy giảm theo. Thực tế là người trẻ Trung Quốc đang ngày càng thờ ơ với bộ môn bóng đá.

Đầu những năm 2000, Trung Quốc vẫn là đội bóng mạnh. Các cầu thủ như Lý Thiết (Li Tie), hay Lý Vĩ Phong (Li Weifeng) thậm chí còn sang Everton đá ở giải Ngoại hạng Anh. Thế nên, để rơi vào tình trạng như hiện tại là một thảm cảnh thực sự của nền bóng đá giàu tham vọng này.

Lê Huy Hoàng (viết từ Thượng Hải, Trung Quốc)

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/bong-da-nam-trung-quoc-ho-lang-truoc-mat-bua-riu-sau-lung-564900/